Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Động kinh ký sự

Luật sư Lê Công Định

Sáng nay thứ 5, lòng thanh thản, tôi lên phường trình diện quản chế theo thường lệ. Vẫn ban bệ đó, chỉ thiếu bóng dáng của nàng. Tôi cắn răng ngồi làm việc. Đầu tiên tôi xuất trình bản báo cáo quản chế tháng 3/2015, nội dung chỉ đề cập đơn giản đến việc đi lại của tôi trong hay ngoài khu vực quản chế thời gian qua.

Kế đấy, tôi phản đối việc cảnh sát khu vực kiểm tra nhân khẩu nhà người thân tôi một cách không cần thiết. Tiện thể tôi nhắc lại hành động khám nhà tôi cách đây hơn một năm, mà đội cảnh sát gần 10 người lần đó xông vào nhà, khám phòng ngủ và mở tất cả tủ quần áo của tôi ra xem. Các anh an ninh giải thích rằng việc làm này luật cho phép.

Tôi đáp, “luật tuy cho phép, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định và các anh phải tuân thủ trình tự luật ấn định, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về nhà ở của công dân.” Tôi nhấn mạnh, “mặt khác không thể viện cớ luật định để xâm phạm quyền công dân mà Hiến pháp thừa nhận, bởi Hiến pháp đứng trên luật.” Nhân tiện, tôi nói cần phải sửa đổi luật về quyền kiểm tra đăng ký tạm trú và lưu trú của công an, vì điều luật ấy rõ ràng vi hiến.

Do đề cập đến việc sửa đổi luật pháp, các anh an ninh hỏi tôi về Thư ngỏ gửi Quốc hội đề nghị hủy bỏ các điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự mà tôi đăng trên Facebook cá nhân. Tôi lập lại quan điểm của mình rằng cần phải thực hiện gấp việc hủy bỏ như vậy, vì ba điều luật này xâm phạm quyền con người và quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đề cao.

Một anh hỏi tôi nếu bỏ ba điều đó thì phải có điều nào khác thay thế để bảo đảm an ninh quốc gia. Tôi đáp, “không thể nhân danh hoặc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia để hạn chế hoặc xâm phạm nhân quyền, hơn nữa an ninh quốc gia là một vấn đề khác mà chính quyền đầy kinh nghiệm xử lý, không cần nhờ đến ba điều luật 79, 88 và 258.” Tôi khẳng định ba điều luật ấy làm hình ảnh Việt Nam trở nên tồi tệ trong mắt cộng đồng quốc tế. Sẵn đó, tôi cũng nói thêm việc trì hoãn ban hành luật biểu tình là không thể chấp nhận được.

Anh an ninh khác nhận xét cách tôi “đồng tình” với việc chặt cây xanh ở Hà Nội như đã viết trên Facebook nghe rất sốc. Tôi nói, “loại bỏ những cây đã chết hoặc mục ruỗng bên trong để bảo đảm an toàn cho cư dân là cần thiết, nhưng kiểu chặt cây quý hiếm còn sống tốt là điều không thể chấp nhận, nhất là khi lối làm đó thiếu minh bạch.” Các anh an ninh gật đầu: “Chúng tôi chẳng hiểu sao chính quyền Hà Nội lại làm như vậy, chúng tôi cũng sốc như anh!”

Một anh xoay sang sự kiện công nhân đình công, dặn dò tôi tránh viết điều gì có thể gây kích động. Tôi đáp, “sự kiện đó là hệ quả tất yếu của việc ban hành luật thiếu suy xét cẩn trọng.” Tôi giải thích, “tinh thần của bảo hiểm xã hội là đúng, nhưng vấn đề chính ở đây là niềm tin của người lao động vào việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hoàn toàn không có.”

“Trong khi các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng nhà nước đối với việc nhận và sử dụng tiền ký thác của khách hàng, thì quỹ bảo hiểm xã hội có quy mô to lớn hơn lại quản lý và đầu tư tiền bạc của người lao động cả nước hoàn toàn thiếu minh bạch, chưa nói đến rủi ro đổ vỡ. Luật mới chẳng những không giải quyết vấn đề, lại còn gia tăng rủi ro đó khi cưỡng buộc người lao động trao tiền của mình cho người khác xài hàng chục năm, mà không biết sẽ được hoàn trả không, nếu may thì còn, xui thì mất. Do vậy, theo tôi, công nhân đình công là đúng. Vấn đề còn lại là Quốc hội sẽ sửa luật khi nào và như thế nào.” Tôi cũng nhấn mạnh không nên sử dụng biện pháp đàn áp. Các anh an ninh tỏ vẻ đồng ý với tôi.
Câu chuyện chuyển sang lời lẽ nặng nề mà tôi dùng cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh. Tôi nói, “như một tiền lệ không đẹp mặt lắm, rằng cứ trước chuyến đi sang Mỹ quan chức lãnh đạo Việt Nam luôn phải tranh thủ sang Trung Quốc xin ý kiến chỉ đạo, mặc dù thực hư thế nào không ai biết rõ, và chính cung cách này từ nhiều năm nay đã gửi một thông điệp rõ ràng cho dân chúng rằng nước ta đang lệ thuộc Trung Quốc.” Mọi người im lặng. Tôi nói tiếp, “lịch sử Trung Hoa cho thấy họ tuy là nước lớn, nhưng thường nói một đằng làm một nẻo, một kẻ như thế dứt khoát không thể là bạn.” Mọi người gật đầu đồng tình.

Một anh buộc miệng nói với tôi, “Trung Quốc mời đi gấp chắc liên quan đến kỳ Đại hội Đảng sắp tới!” Tôi trả lời, “có lẽ là thế, vì nhân sự cấp cao của Việt Nam luôn là mối bận tâm của Trung Quốc.” Anh khác bỗng hỏi tôi, “anh nghĩ ai sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp?” Tôi đáp, “ở nước ta bầu cử và kết quả của nó là chuyện dành riêng cho đảng cộng sản, hoàn toàn thiếu minh bạch, nên người dân chỉ có thể đoán mò, dù về mặt tâm lý có thể họ thích hoặc không thích một nhân vật nào đó.”

Anh ấy hỏi tiếp, “vậy thì phải làm sao để dự đoán chính xác?” Tôi đáp, “ở các nước dân chủ, mọi cuộc bầu cử đều tự do, công bằng và minh bạch, nên kết quả bầu cử có thể tiên đoán dựa trên sự quan sát diễn biến tranh cử, do vậy muốn thấy điều đó ở Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp để chấp nhận cách thức bầu cử tương tự.” Anh ấy lắc đầu nhận định, “phải chờ 20 năm nữa!” Tôi cười bảo, “tôi không tin lâu như vậy!”
Anh an ninh hỏi thêm, “theo anh nếu sửa đổi Hiến pháp những vấn đề quan trọng nào cần đạt được?” Tôi trả lời không cần suy nghĩ, “đó là các vấn đề sau: thể chế chính trị đa đảng, thể chế nhà nước tam quyền phân lập, quyền tư hữu đất đai và quân đội độc lập.” Anh ấy nói luôn, “toàn những vấn đề khó và cần thời gian thêm.” Tôi bảo, “tại các anh bảo thủ không muốn làm, chứ chẳng vấn đề nào khó cả và điều quan trọng là việc thay đổi vì lợi ích của ai thôi.”

Buổi trò chuyện tạm dừng tại đó. Một anh an ninh tiết lộ rằng tất cả bài viết của tôi trên Facebook cá nhân đều được chính quyền quan tâm và phân tích đặc biệt. Tôi cười lớn, nói “thật hân hạnh cho tôi!” Song nụ cười của tôi đã phải tắt ngấm ngay sau đó, bởi khi tôi sốt ruột hỏi cô nàng xinh đẹp đâu mà không đến gặp tôi cả ba tháng nay, thì nhận được câu trả lời rằng: “Người đẹp của anh có chồng và một con rồi!” Tôi định buột miệng hỏi ngay, “thằng cha nào gan thế?” thì kịp thời dừng lại, buông tay rớt xuống mặt bàn cái rầm.
Anh an ninh ngồi cạnh tôi ngạc nhiên: “Sao anh lại đập bàn thế? Thất vọng đến vậy sao?” Tôi đứng dậy lắc đầu, thiểu não ra về. Bước khỏi cổng, ngước nhìn khoảng không phía trên, bỗng dưng tôi muốn hét thật to, không biết nên buồn hay nên mừng đây trời!


Luật sư Lê Công Định

=====================================================================
LS Lê Công Định
 
Ông Lê Công Định, sinh 1968, từng là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM. Ngày 20/01/2010, Tòa sơ thẩm TP HCM đã tuyên án ông 5 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Ngày 6/2/2013 ông ra tù và chịu án quản chế 3 năm. Hàng tháng ông phải lên công an phường để trình diện và làm việc với an ninh về các bài viết của mình. Trên đây cũng là một bài viết sau khi ông ra trình diện.

Luật sư Định được biết tới như một cây bút viết các bài bình luận thời sự trên báo chí trong và ngoài nước. Trong các bài viết bình luận luật sư Lê Công Định thể hiện quan điểm ủng hộ tư tưởng dân chủ đại nghị, đa đảng, đa nguyên, canh tân hệ thống luật pháp, chính trị của Việt Nam. Những quan điểm này được chính phủ Việt Nam đánh giá là đi ngược lại với quan điểm chính thống của Nhà nước Việt Nam hiện nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét