NHẬN DIỆN DÂN CHỦ
"... Dân chủ không đem cơm áo và hạnh phúc để phát không. Dân
chủ không bố thí. Nó tạo ra những con người tự do và trách nhiệm, làm
chủ đời mình, phát huy được khả năng và sáng kiến của mình để xây dựng
đời mình và đất nước mình. Chính vì vậy mà dân chủ mới đẹp..."
Trước hết tôi xin định nghĩa dân chủ một cách thực mộc mạc và giản
dị: dân chủ là một chế độ chính trị trong đó các quyền công dân căn bản
được qui định rõ ràng trong luật pháp và được thực sự tôn trọng trong
thực tế, đặc biệt là tự do ngôn luận và báo chí, tự do lập hội và lập
đảng, tự do bầu cử và ứng cử. Còn thể chế ấy được tổ chức như thế nào,
tổng thống chế hay thỷ tướng chế, quốc hội có một viện hay hai viện; lập
pháp, hành pháp và tư pháp được phân quyền như thế nào, tản quyền tới
mức độ nào, bầu cử hai vòng hay một vòng, v.v... tuy là những yếu tố rất
quan trọng và cần được thích nghi cho mỗi quốc gia theo từng giai đoạn
và mức độ phát triển nhưng vẫn chỉ là dạng thức của dân chủ mà thôi.
Đầu đề mà hội nghị này đặt ra cho tôi trong bài dẫn nhập mười phút
này là ''Nhận Diện Dân Chủ''. Vậy tôi sẽ xin phép anh chị em để không
nhấn mạnh về triết lý và nguồn gốc của dân chủ để đi ngay vào những nét
chính và sau đó chúng ta cùng thảo luận.
1. Trước hết là liên hệ mật thiết giữa dân chủ và nhân quyền
Ngay trong định nghĩa rất giản lược mà tôi vừa nêu ra, chúng ta đã
thấy chỗ đứng quan trọng của các quyền tự do cá nhân. Thực ra nhân quyền
và dân chủ chỉ là hai cách nhìn của cùng một sự kiện. Dân chủ là nhân
quyền trên bình diện quốc gia, nhân quyền là dân chủ trên bình diện cá
nhân.
2. Dân chủ phải đi đôi với nhà nước pháp trị
Định nghĩa giản lược trên cũng cho thấy vai trò cốt lõi của pháp luật
bởi vì các quyền tự do dân chủ phải được qui định rõ ràng bằng luật
pháp. Không những cần có luật pháp mà luật pháp còn phải được tuyệt đối
tôn trọng. Có thể nói dân chủ là cai trị bằng luật pháp thay vì bằng các
quyết định tùy tiện của người cầm quyền. Trong lịch sử Trung Hoa, tư
tưởng chính trị đã đạt tới một trình độ rất cao vào thời Đông Chu Liệt
Quốc. Nhưng vào giai đoạn đó đã xảy ra cuộc tranh luận giữa chủ trương
pháp trị và chủ trương nhân trị. Trung Hoa từ sau nhà Hán đã chọn hẳn
con đường nhân trị, nghĩa là cai trị theo quyết định độc đoán của cá
nhân, chủ trương pháp trị bị tiêu diệt. Các chế độ quân chủ chuyên chế
đã kéo dài hơn 2000 năm và đưa tới thua kém phương Tây một cách bi đát.
3. Chính dân chủ đã khai sinh ra ý niệm quốc gia dân tộc
Ý niệm quốc gia là một ý niệm mới phát sinh ra cùng với cuộc cách
mạng dân chủ tại phương Tây. Tuy trước đó đã có những cộng đồng dân tộc
nhưng không có ý niệm quốc gia dân tộc, bởi vì các vương quốc chỉ là của
riêng của một dòng họ. Ý niệm quốc gia, với trách nhiệm phải đóng góp
xây dựng của mỗi người chỉ có khi đất nước được coi là của chung mọi
người. Người dân có làm chủ đất nước thì mới có trách nhiệm. Điều này
cần được nhận diện rõ rệt bởi vì nó có tầm quan trọng đặc biệt. Hiện nay
ý niệm quốc gia dân tộc đang bị công phá từ nhiều phía, từ bên trong do
các sắc tộc thiểu số đòi tự trị, từ bên ngoài do các kết hợp khu vực mở
ra một không gian hoạt động lớn hơn và từ cả trong lẫn ngoài do các
công ty đa quốc gia. Trong thời đại này một chế độ độc tài chiếm đất
nước làm của riêng mình sẽ cắt đứt quan hệ giữa người dân và đất nước,
giết chết ý muốn quốc gia dân tộc và đưa quốc gia dần dần tới tan rã.
4. Dân chủ không đưa tới hỗn loạn, trái lại bảo đảm tiến hóa trong trật tự và ổn vững
Lập luận dân chủ đưa tới hỗn loạn được đảng cộng sản đưa ra như một
sự thực hiển nhiên không cần chứng minh và được một số người chấp nhận
một cách thụ động. Nhưng nó chỉ là một lập luận lỗ mãng, bất chấp cả lý
luận lẫn thực tại đất nước.
Hiện nay nước ta đang hỗn loạn và - hơn thế nữa - đang rất hỗn loạn.
Trộm cướp, hoành hành như chỗ không người. Buôn lậu có kho nhà nước, tàu
chiến, xe tăng. Móc ngoặc, tham nhũng, hối mại quyền thế trở thành
luật. Cây rừng, bờ biển, danh lam thắng cảnh, ngay cả di tích lịch sử bị
phá hủy một cách vô tội vạ. Chưa kể loạn sứ quân, bắt người tùy hứng,
giam giữ, tra tấn. Ngoại trừ chính sách khủng bố chính trị, Việt Nam
đang ở trong một tình trạng gần như vô chính phủ. Đảng cộng sản nhân
danh một trật tự nào đây ?
Dân chủ không đưa tới hỗn loạn, trái lại nó đem lại luật chơi rõ ràng
minh bạch, nó bảo đảm công lý và luật pháp, nó đem lại tinh thần trách
nhiệm vì nó cho phép mọi người có chỗ đứng và tiếng nói trong việc nước.
Nó đem lại trật tự trong đấu óc con người và trong xã hội.
Ở đây cần phải phân biệt hai thứ ổn định rất khác nhau. Một là ổn
định xã hội, kinh doanh và tư hữu được tôn trọng và luật pháp không thay
đổi một cách tùy tiện. Ổn định này rất cần cho phát triển kinh tế, bởi
vì nó cho phép người dân an tâm thiết lập những dự định kinh doanh. Hai
là ổn định của người cầm quyền, nghĩa là tập đoàn cầm quyền không bị
thay đổi. Ổn định này không những không cần thiết mà còn có hại, bởi vì
nó đẻ ra lạm quyền và tham nhũng. Việc thay đổi thường xuyên một chính
quyền trong một nhà nước pháp trị không ngăn cản các xí nghiệp tiếp tục
hoạt động, cảnh sát tiếp tục bảo vệ trật tự an ninh, các tòa án tiềp tục
xử lý những sai phạm. Kinh nghiệm cho thấy nước Ý và nước Nhật từ sau
thế chiến II thay đổi chính phủ rất thường xuyên nhưng vẫn phát triển
rất mạnh. Trong khi các nước có các chính quyền kéo dài nhiều thập niên
như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, các nước Châu Mỹ La Tinh và
Đông Âu lại rất nghèo đói.
5. Dân chủ tối cần thiết cho phát triển kinh tế
Hôm nay 3/4 nhân loại vẫn còn đang sống trong nghèo khổ, một nửa đang
sống nghèo khổ cùng cực. Phát triển là một tiếng rất mới và chj giới
hạn trong một số quốc gia. Và phát triển đã có nhờ dân chủ.
Hiện tượng phát triển trên qui mô quốc gia đã bắt đầu xuất hiện tại
Hòa Lan, Anh và Mỹ sau khi các xã hội đặt nền tảng trên dân chủ được
thành lập. Tại Châu Á, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã bắt kịp các nước
phát triển phương Tây ngay từ đầu thế kỷ 20 nhờ một tổ chức xã hội khá
đặc biệt. Giai cấp qyuí tộc và hiệp sĩ sống tách biệt với quần chúng cho
nên quần chúng đã tự tổ chức lấy cuộc sống của mình và một xã hội tương
đối dân chủ đã âm thầm hình thành giữa đại đa số người Nhật, nhờ đó
Nhật Bản vươn lên ngay từ giữa tế kỷ 18 khi vừa tiếp xúc phương Tây.
Nhiều người vì thiếu hiểu biết vẫn nghĩ rằng Nhật sở dĩ đã phát triển là
nhờ chính sách mở cửa và canh tân sáng suốt của vua Minh Trị. Thực sự
không phải như vậy. Minh Trị lên ngôi năm mới 15 tuổi, lúc đó nước Nhật
đã phát triển mạnh rồi. Trái lại, chính Minh Trị còn dựa vào uy tín cá
nhân của mình, thiết lập lại chế độ quân phiệt vừa đưa Nhật đến bế tắc
và chiến tranh tự hủy. Từ sau thế chiến II, chính nhờ quá quyết chấp
nhận dân chủ hóa mà Nhật lại vươn lên mạnh mẽ.
Nếu nhìn lại sử xa xưa thì Hy Lạp và La Mã cũng đã thịnh vượng nhất dưới các chế độ dân chủ phôi thai.
Quan sát các nước Châu Á vừa phát triển, chúng ta cũng thấy một định
luật : nước nào càng dân chủ bao nhiêu nước đó càng phát triển bấy
nhiêu.
Tại sao dân chủ lại cần thiết cho phát triển ? Đó là vì muốn phát
triển phải có ba yếu tố : người dân có ước muốn kinh doanh, có thể kinh
doanh và có phương tiện kinh doanh. Trong ba điều kiện đó, chỉ có điều
kiện có phương tiện kinh doanh là co tính kỹ thuật, hai điều kiện đầu
liên hệ mật thiết với dân chủ, người dân chỉ có ước muốn kinh doanh nếu
có đảm bảo tài sản va an ninh cá nhân không bị đe dọa bởi lòng tham của
những người cầm quyền không kiểm soát. Người dân chỉ có thể kinh doanh
nếu có luật pháp hợp lý, công lý nghiêm minh và nếu họ được tự do hành
động, không bị gò bó trong một kế hoạch quốc gia áp đặt, không bị sách
nhiễu bởi một guồng máy hành chánh quan liêu và tham nhũng. Tất cá những
điều kiện này chỉ có thể có dưới một chế độ dân chủ, bởi vì độc tài là
gì nếu không phải là cai trị bất chấp ý nguyện của người dân, là áp đặt
tùy tiện ; là lạm quyền và tham nhũng?
Trong mười năm qua, đảng cộng sản Việt Nam đưa ra một lập luận gian
trá : dân chủ không có lợi cho phát triển kinh tế và một số người đã
phân vân ngộ nhận về bản chất của dân chủ. Dân chủ không phải là chiếc
đũa thần giải quyết mọi vấn đề và đem lại phồn vinh. Dân chủ không thay
thế cho những chính sách và những con người. Dân chủ là một phương thức
sinh hoạt cho phép đặt vấn đề một cách đứng đắn, tìm giải pháp một cách
đứng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những người trách nhiệm. Tự nó,
dân chủ không giải quyết một vấn đề nào cả, nhưng không có dân chủ thì
không có vấn đề nào có thể giải quyết được một cách đứng đắn. Chính vì
thế mà mức độ dân chủ quyết định giới hạn cho phát triển nói chung và
phát triển kinh tế nói riêng. Chính vì thế mà các nước giàu mạnh đều là
các nước dân chủ trong khi các nước độc tài đều chậm tiến.
Khuyết tật của thái độ ''thực tiễn'' vừa nói trên chính là ở chỗ nó
không thực tiễn : chấp nhận độc tài để hy vọng phát triển kinh tế người
ta sẽ chỉ có độc tài mà không có phát triển.
Dân chủ không đem cơm áo và hạnh phúc để phát không. Dân chủ không bố
thí. Nó tạo ra những con người tự do và trách nhiệm, làm chủ đời mình,
phát huy được khả năng và sáng kiến của mình để xây dựng đời mình và đất
nước mình. Chính vì vậy mà dân chủ mới đẹp.
6. Dân chủ phải đi trước phát triển
Có một số người nói : ''hày khoan đặt vấn đề dân chủ, hãy cứ tạm chấp
nhận chế độ độc tài, hãy tập trung cố gắng phát triển kinh tế, rồi
chính phát triển kinh tế sẽ đem tới dân chủ''. Vì một số người phát biểu
như vậy là những chuyên gia nên lập luận này có phần hấp dẫn. Nó đúng,
nhưng rất nguy hiểm và tai hại. Những thay đổi chính trị do áp lực kinh
tế đem đến thường gây xáo trộn, đổ vỡ cho đất nước, và thường rất bi đát
cho người cầm quyền. Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Á
vừa chứng tỏ : các nước này tuy cũng có dân chủ tương đối, nhưng đã
không có dân chủ đầy đủ và đúng mức, phát triển kinh tế tới một mức nào
đó đã gây khủng hoảng và một phần đáng kể những thành tựu tring mấy chục
năm cố gắng đã tiêu tan trong một vài tháng.
Như phần trên đã nói, dân chủ tạo ra một khuôn khổ và một giới hạn
cho phát triển. Tới một mức nào đó, một là phát triển phải khựng lại,
hai là khuôn khổ phải bị phá vỡ. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 và cuộc
cách mạng của Cromwell tại Anh vào thế kỷ 17 cũng chính vì sinh hoạt
kinh tề đã phát triển mà chế độ chính trị không chịu thích nghi mau
chóng. Cả hai đều rất đẫm máu và đầy đổ vỡ, đều đã khiến những người cầm
quyền bị thảm sát.
Nếu đây là chọn lựa miễn cưỡng của đối lập thìcòn có thể hiểu được,
nhưng khi, như tại Việt Nam trong lúc này thì quả là không có sự mù
quáng nào bằng.
7. Dân chủ thích hợp với mọi trình độ
Khi người Anh đưa ra Đại Hiến Chương năm 1215, khi người Hòa Lan dân
chủ hóa vào thế kỷ 16, hay khi người Mỹ lập quốc trên cơ sở dân chủ vào
thế kỷ 17, họ còn ở một trình độ dân trí và kinh tề thấp hơn mọi quốc
gia Châu Á hiện nay và cũng thấp hơn phần lớn các dân tộc trên thế giới
hiện nay. Nhưng chính nhờ dân chủ đã tạo dựng ra những quốc gia phồn
vinh và tiến bộ nhất trái đất.
Một phúc lợi không ngờ nhưng vô cùng lớn lao của dân chủ chính là ở
điểm mà nhiều người cho là mối nguy chính của dân chủ, đó là trao quyền
quyết định cho một quần chúng thiếu hiểu biết thay vì cho một thiểu số
ưu tú. Chính vì cần thuyết phục dân chúng biểu quyết đúng mà người ta
giảng giải, trình bày, tranh cãi và nhờ đó nâng cao vốn quí nhất của một
dân tộc: kiến thức và nhận thức. Có thể là sau cùng tập thể vẫn đi tới
một quyết định không hoàn hảo, nhưng một quyết định không hoàn hảo mà
được thấu hiểu và hưởng ứng còn hơn là một quyết định hoàn hảo nhưng dân
chúng không hiểu và không tham gia tích cực.
Xin mạn phép đưa ra một thí dụ cụ thể trong nội bộ nhóm Thông Luận
chúng tôi. Khi bắt đầu thảo luận về đề tài định chế chính trị cho Việt
Nam trong Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên - Thử Thách và Hy Vọng, phần
lớn anh em chúng tôi đều chỉ có những kiến thức rất sơ sài về luật hiến
pháp. Nhưng thay vì giao cho cho một tổ chuyên gia đảm nhiệm phần này,
chúng tôi đã quyết định thảo luận và biểu quyết. Cuộc thảo luận đã rất
khó khăn nhưng sau đó tất cả anh em chúng tôi đã tiến bộ hẳn trong sự
hiểu biết về các định chế chính trị.
Lập luận của đáng cộng sản hiện nay là dân chủ là một xa xỉ phẩm đối
với các nước thiếu mở mang ! Quả là một thái độ miệt thị và kỳ thị chủng
tộc. Dân chủ không phải là một xa xỉ phẩm đối với bất cứ một dân tộc
nào. Nhưng dân chủ có thể là một xa xỉ phẩm, và trên thực tế, dân chủ đã
từng là xa xỉ phẩm trong nhiều trường hợp. Dân chủ bịp bợm quả nhiên là
một trò chơi vô cùng tốn kém và là một gánh nặng. Trái lại dân chủ
thành thực là một nền tảng quí giá. Những người cầm quyền cho rằng dân
chủ là một xa xỉ phẩm thực ra chỉ có ý định dàn dựng một thứ dân chủ bịp
bợm.
Dân chủ thành thực không nhất thiết là dân chủ hoàn chỉnh, mức độ
hoàn chỉnh của một nền dân chủ tăng lên với thời gian, cùng với mức độ
phát triển và dân trí ; nhưng một nền dân chủ thành thực vẫn có thành tố
tối thiểu của nó : tự do ngôn luận, đa đảng và bầu cử tự do.
8. Dân chủ quí hiếm và mỏng manh
Lịch sử nhân loại đã chứng tỏ những phúc lợi to lớn là của dân chủ.
Dân chủ đem tới văn minh, giàu có và hạnh phúc cho mọi người. Cuộc sống
của một thường dân trong một nước dân chủ phát triển còn tiện nghi hơn
nhiều lần cuộc sống của một quan chức cao cấp ở một nước lạc hậu. Thế
nhưng tại sao mọi quốc gia không lập tức chấp nhận dân chủ ? Đó là vì
dân chủ đụng chạm tới quyền lợi trước mắt của những người cầm quyền,
nghĩa là những người có mọi phương tiện để chống lại. Chính vì thế mà
cuộc tranh đấu giành dân chủ nào cũng rất cam go. Cho tới nay chưa có
cuộc đấu tranh giành dân chủ nào mà chưa có đổ máu. Không những phải
tranh đấu cam go mới có được mà dân chủ cũng luôn luôn được cảnh giác
bảo vệ vì quyền lực và lòng tham nằm sẵn trong bản chất con người và
luôn luôn là những cám dỗ lớn.
9. Dân chủ hiện nay là dân chủ đa nguyên
Có thể nói cuộc tranh cãi gay cấn nhất trong thế kỷ 20 đã là cuộc
tranh cãi về dân chủ. Dần dần thế giới nhậndiện được tinh thần căn bản
của dân chủ : đó là tinh thần đa nguyên. Dân chủ ngày nay vì thế là dân
chủ đa nguyên.
Dân chủ đa nguyên không phải là một từ ngữ mới mà là một khái niệm
mới. Nhờ ý thức được tinh thần đa nguyên phải có cho dân chủ mà người ta
đã ý thức được năm thành tố gắn liền với dân chủ, giúp cho dân chủ được
vững mạnh và đem lại phúc lợi tối đa. Năm thành tố đó là : tôn trọng
mọi khác biệt, tản quyền, xã hội dân sự, tôn trọng các thiểu số và liên
đới xã hội. Năm thành tố này chỉ một thời gian gần đây mới được nhận
diện rõ rệt. Một thí dụ chỉ mới gần đây người ta mới giải thích được tại
sao mọi chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại trừ chế độ tổng
thống Hoa Kỳ, đó là vì Hoa Kỳ là một nước rất tản quyền và rất coi
trọng xã hội dân sự.
Trên đây là những nét chính mà theo thiển ý của tôi chúng ta cần nhìn rõ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Bây giờ, xin được có vài lời về cuộc đấu tranh giành dân chủ cho Việt Nam.
Đoàn Viết Hoạt đã từng nói : ''Nanh vuốt của độc tài không đáng sợ,
nều cuộc vận động dn chủ chưa thành công cũng chỉ vi thông điệp dân chủ
chưa đến được một cách mạnh mẽ và đầy đủ với tất cả mọi người''. Đó là
một câu hỏi rất chí lý.
Do truyền thông, văn hóa và lịch sử, chúng ta không có ý thức dân chủ
mạnh. Phải nói rằng cho tới nay chứng ta chưa hề có một kết hợp dân chủ
nò. Đối đầu với cộng sản, chúng ta chỉ có những lực lượng chống cộng.
Những người đã cầm quyền trong phe quốc gia đều không phải là những
người dân chủ, và cũng không hiểu biết gì về dân chủ cả. Họ phải duy trì
một chế độ dân chủ tối thiểu vì đó là điều kiện bắt buộc để được Hoa Kỳ
và các nước phương Tây yểm trợ, nhưng họ bất chấp dân chủ và nhân quyền
mỗi khi có thể làm được. Các đảng phái đối lập trong phe quốc gia cũng
không hề lấy dân chủ làm lý tưởng. Ngay cả những tổ chức chống đối được
thành lập sau năm 1975 cũng không phải là những kết hợp dân chủ. Họ cũng
lên án, xuyên tạc, chụp mũ, đôi khi còn bạo hành đối với những người
không cùng chính kiến. Dân chủ trước hết là một phong cách sinh hoạt.
Một người thông minh có thể bỏ ra một năm nghiên cứu và viết ra một cuốn
sách giá trị về dn chủ, nhưng muốn trở thành một người dân chủ thì khó
khăn hơn nhiều. Những thái độ giản dị như đừng ổi giận trước một ý kiến
trái ngược với mình, đừng muốn tiêu diệt những người không cùng đường
lối phải cả thế hệ mới có nổi. Chúng ta có, nhưng thiếu, những người dân
chủ. Chỉ gần đây, sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản và sự thắng lợi
của các lực lượng dân chủ tại Liên Xô và Đông Âu, các tổ chức đối lập
đã dần dần thay đổi lập trường.
Từ lập trường phục quốc, diệt cộng họ đi dần đến những đòi hỏi rất
khiêm tốn : thả tù nhân chính trị, tu chỉnh hiến pháp, bỏ điều 4 v.v...
Những thay đổi lập trường theo chiều hướng ôn hòa này rất đúng và đáng
mừng, nhưng tại sao lại có dáng dấp chán chường của một sự triệt thoái
?. Bởi vì họ không muốn và cũng không chọn lựa lập trường ôn hòa mà đã
chỉ trôi dạt đến đó, sau khi bị thực tại hành hung và xô đẩy.
Cùng một lập trường nhưng có thể có hai tư thế rất khác nhau.
Nếu không có lý tưởng dân chủ làm kim chỉ nam, nếu chỉ muốn ''thắng
lợi toàn diện'' người ta sẽ liên tiếp phải nhượng bộ đơn phương và miễn
cưỡng một cách vô trật tự, giống như một sự thua chạy liên tục. Ngược
lại, nếu quả quyết chọn lựa dân chủ làm lý tưởng, nếu biết nhận diện dân
chủ, tự biến mình thành những con người dân chủ, nếu biết tự mình loại
bỏ tất cả những đòi hỏi không thuộc nội dung của một cuộc đấu tranh vì
dân chủ, nếu có được phong cách dân chủ và dáng đứng dân chủ, chúng ta
sẽ có một vị thế vẻ vang hơn nhiều.
Chúng ta sẽ tiến thẳng tới cột mốc
dân chủ, dương cao ngọn cờ dân chủ, rồi buộc chính quyền cộng sản phải
liên tục nhượng bộ và cuối cùng đầu hàng dân chủ tại đó.
Cuộc tranh đấu hiện nay bắt buộc phải là cuộc tranh đấu vì dân chủ và chỉ vì dân chủ.
Cũng không nên cuồng tín và quá khích. Phải thực tế mà nhìn nhận dân
chủ sẽ không thể đem lại tất cả mọi phúc lợi của nó trong một tình trạng
dân trí chưa mở mang, điều cần phải ý thức một cách rất rõ rệt là dù
trong hoàn cảnh nào dân chủ cũng hơn xa độc tài.
Có thể tôi lạc quan, nhưng tôi coi là về mặt tư tưởng, đối lập dân
chủ Việt Nam hiện nay đã đi được một đoạn đường khá dài. Còn lại một vấn
đề gai góc lớn là kết hợp. Cuộc đấu tranh giành dân chủ lúc nào cũng
cam go. Nhưng cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam còn cam go hơn nhiều.
Chúng ta phải đương đầu với một tập đoàn độc tài cực kỳ ngoan cố và
thiển cận. Nhưng chúng ta còn gặp một kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều, mai
phục trong chính mỗi con người chúng ta. Chúng ta bị nô lệ người Trung
Hoa trong một ngàn năm, bị nô lệ người Pháp trong gần một trăm năm. Phần
còn lại chúng ta bị những ách thống trị nghiệt ngã không kém của chính
những người cầm quyền Việt Nam. Trong một dòng lịch sử ; kết hợp với
nhau là một trọng tội có thể đưa đến cái chết thê thảm. Không cần phải
kết hợp thực mà chỉ bị nghi ngờ là có ý định kết hợp cũng đủ đưa đến họa
lớn cho bản thân và gia đình. Dần dần sợ trở thành một bản năng sinh
tồn. Chúng ta không những không dám kết hợp mà hơn nữa còn phải tỏ ra
chống đối lại mọi kết hợp để được yên thân.
Một thiểu số vượt lên được khỏi sự sợ hãi đó thì lại vẫn mang một tì
vết khác của một dân tộc đã bị thống trị trong suốt dòng lịch sử, đó là
tâm lý nhỏ hẹp. Do bị thống trị và chà đạp tâm hồn chúng ta thiều sự vĩ
đại, chúng ta dễ hài lòng với khuôn khổ nhỏ hẹp của hoạt động cá nhân và
hoạt động nhóm nhỏ mà không cảm thấy yêu cầu nhức nhối phải kết hợp
những cái nhỏ để tạo ra cái lớn.
Nhưng kết hợp là bài toán mà chúng ta phải tìm ra lời giải đáp, vì
nếu không hình thành nổi một kết hợp lớn chúng ta không làm được gì cả.
Đó là một vài ý kiến xin đưa ra trước anh chị em để thảo luận.
Bài dẫn nhập cuộc hội thảo chính trị tại Frankfurt ngày 6-6-1998
Theo Facebook Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét