Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Dân cần các quan sòng phẳng

Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập đất nước Singapore hiện đại.
Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập đất nước Singapore hiện đại.

Dân không sòng phẳng với nhau đáng tội một thì “quan” không sòng phẳng với dân phải đáng tội mười. Vậy mà, khi đất nước ngày càng có thêm nhiều tượng đài lớn nhất khu vực, các tòa nhà hành chính cao nhất khu vực, những thành thị bê-tông khủng nhất khu vực… thì bản thân người người làm chức trách vẫn thiếu sòng phẳng với hàng triệu người chân lấm tay bùn.

Không sòng phẳng “chuyện nhỏ”…

Vì là “chuyện nhỏ” nên tôi kể các bạn nghe một câu chuyện mà không chừng chính các bạn cũng nhiều lần gặp (nhưng không để ý). Mấy lần đi siêu thị, hay các tiệm indoor market, khi tính tiền rất hay được nhận một hay hai viên kẹo thay cho năm trăm, một nghìn hay hai nghìn đồng. Có nơi thì nhân viên thu ngân giải thích "Dạ anh thông cảm, em không có tiền lẻ". Nhưng đa phần, họ đành nhận kẹo thay tiền thối, dù bản thân mình không biết bỏ mấy viên kẹo đó đi đâu vì không thích ăn.

Đã vậy còn có cửa hiệu ở ta bán hàng xong, khi khách còn một nghìn, hai nghìn tiền thối thì vẫn ầu ơ không muốn đưa, hoặc cò ke cho lâu để khách xót ruột rồi bỏ đi luôn cho kịp việc, không phải chờ tiền thối nữa. Thế là “nhặt” thêm một vài nghìn đồng chẳng phải tốn sức, tốn công.

Làm tôi nhớ hồi xưa có thời may mắn được đi Nhật Bản du lịch. Các trung tâm mua sắm sầm uất nhất Tokyo bán các loại hàng hiệu lên đến trăm triệu đồng (quy ra tiền Việt). Nhưng khi mua sắm dù ít hay nhiều, tiền thừa lại sẽ được người ta thối cho khách đến tận đồng một yen (khoảng hai trăm đồng tiền Việt) - đơn vị tiền nhỏ nhất của Nhật.

Một yên - hai trăm đồng - tại Việt Nam cũng chỉ nằm trong ví của mấy anh sưu tầm “tiền cổ”, không đủ mua một viên kẹo, huống chi là để mua đồ. Có chăng là vài anh nước ngoài thấy thì giữ lại, tìm cách mua đồ vì thấy số “hai trăm” – cứ tưởng lớn – chứ cũng không ngờ ở Việt Nam lạm phát ngày càng khiến người ta giật mình. Nhưng dù là một yen, người bán hàng vẫn thối nhiệt tình, trân trọng và sòng phẳng cho khách, nên cũng không ai nỡ chối từ. Tiền của mình, họ còn quý đến vậy, thì nếu bản thân không biết quý, hóa ra là kẻ phí phạm, rồi trời sẽ phạt.

Câu chuyện này có lẽ không khác tại Singapore, nơi người ta sòng phẳng với nhau đến "từng xu". Ở cái xã hội mà người dân, vào những năm 60 của thế kỷ 20, còn nghèo “không có mồng tơi để rớt”, Lý Quang Diệu không cho phép bất kỳ trường hợp “khinh miệt” tiền bạc nào xảy ra. Và gần 50 năm sau, khi cái “làng chài” nhỏ bị bỏ rơi đã hóa rồng, hóa hổ thì “đảo quốc Sư tử” vẫn giữ cái chất “sòng phẳng” của riêng mình mà ai cũng nể phục. Tất nhiên, tôi không muốn đề cập đến tính sòng phẳng của dân châu Âu hay Mỹ, vì có vẻ họ quá xa khiến người ta cũng không muốn so sánh, sợ có người sẽ bảo “ăn cơm mình mà nói chuyện tây”.
Phải khẳng định rằng tôi không có ý quy chụp cho một xã hội đang cố gắng vươn lên giữa một "đất nước đầy biến động", vốn được đặt nhiều kỳ vọng về phát triển và cũng bị “cảnh cáo” không ít lần vì tính lấp liếm, tham nhũng, thiếu minh bạch. Nhưng tôi buộc phải nhận định rằng vẫn còn quá nhiều người Việt – sản phẩm của một xã hội thiếu sòng phẳng – đã hoàn toàn không sòng phẳng với chính đồng bào mình. Như đã kể những câu “chuyện nhỏ” trên đây, họ hiển nhiên "bán kẹo trá hình" trong khi người mua không có nhu cầu. Họ không trân trọng từng đồng tiền lẻ, trong khi các cụ già bán vé số phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được một ngàn.

Và cả “chuyện lớn”

Sở dĩ tôi phải đặt chữ “chuyện nhỏ” bên trong dấu ngoặc kép và in đậm nó lên là vì không có gì gọi là “chuyện nhỏ” trong một hệ thống xã hội có quan hệ hữu cơ với nhau. Chúng ta vẫn mãi chấp nhận chuyện “siêu thị thối kẹo thay tiền”, bán hàng xong một ngàn thừa không chịu thối… và hàng tá câu chuyện tương tự. Để rồi chính chúng ta cũng không sòng phẳng với quyền lợi của bản thân mình ở những chuyện lớn hơn.
Con em bạn đến trường và thường xuyên đóng tiền quỹ nhưng tiền đó đi đâu, thường chẳng bậc cha mẹ nào quan tâm và dạy con mình quan tâm. Nhà trường tăng học phí, tăng đủ thứ phí khác (từ ăn uống, ngủ nghỉ, sức khỏe, an ninh, công trình thiếu nhi rồi thanh thiếu niên…), nhưng phụ huynh chỉ còn cách nhăn mặt, nhíu mày đóng cho đủ để con họ được yên – không rớt môn này, không ở lại môn kia, được cân nhắc môn nọ - dù rằng không ít kẻ được xã hội gọi là thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó hay thầy cô bảo mẫu “ăn chặn” thịt, cá trong khẩu phần ăn của các em, thậm chí lạm dụng tình dục với những mảnh đời còn rất non xanh.

Rất nhiều người Việt không nhận được sự sòng phẳng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên đừng ngạc nhiên khi xã hội phải chứng kiến quá nhiều trường hợp “quan chức” thiếu sòng phẳng với dân. Nói một cách rộng hơn, cũng do cái thói không sòng phẳng nên mới sinh ra những ông quan xã, quan huyện "cắt" tiền trợ cấp, tiền xóa đói giảm nghèo, tiền ủng hộ thiên tai, tiền mừng lễ, mừng tết, thậm chí là tiền bồi thường của người dân khốn khó.

Chuyện truy tố nhiều cán bộ tỉnh Quảng Nam ăn chặn hàng chục tỉ đồng của dân mới đây, hay trước đó là vụ 1.250 con gà giống hỗ trợ cho người nghèo theo chương trình phát triển nông thôn mới bị cán bộ xã Quế An (Quế Sơn, Quảng Nam) chia nhau ăn chặn chỉ là một vài hạt bọt biển nằm trên cả một tảng băng trôi bên dưới. Điển hình như các vụ tham nhũng vốn ODA, tham nhũng trong hệ thống ngân hàng… cho đến nay vẫn chưa có lối thoát.

Nợ công Việt Nam đang tăng đến mức ngộp thở, các thế hệ sinh sau năm 2000 sẽ phải “cày bừa” để trả nợ dài dài cho “đất nước” – vốn được đại diện bởi những vị “quan chức” mà dân chỉ biết nhìn qua tivi, hay cơ may thì loáng thoáng trong những chiếc xe hiệu đắt tiền có lắp kính đen, có cảnh sát hú còi inh ỏi dẹp đường trước hàng cây số để đi nhanh, đi lẹ, đi khẩn trương hơn cả chiếc xe cấp cứu chở những người công nhân bị nạn vì sập công trình, vì tai nạn lao động…  Ai cũng đóng thuế “không được thiếu xu nào” - sòng phẳng - trong khi sản phẩm họ nhận lại thật quá sức đau buồn. Con đường họ đi vẫn kẹt xe và ngập bùn lầy; ngôi trường họ học vẫn còn bạo hành, thiếu cơ sở vật chất, chương trình học lạc hậu dù năm nào cũng hô cải cách; bệnh viện họ đến thì “có tiền mới được khám”, bệnh chưa đến mức “hết thuốc chữa” thì bảo hiểm không được dùng; họ cắn răng ăn thực phẩm mà không thể nhận biết cái nào thật, cái nào hư, cái nào sẽ đầu độc họ.

Phải “sòng phẳng” với lịch sử 

Thiết nghĩ bất cứ xã hội nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng nói thế không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận điều ấy một cách nghiễm nhiên, nhất là khi những kẻ “thiếu sòng phẳng” với chúng ta cứ sống vui sướng ngoài kia. Quan chức nhiều nước như EU, Nhật Bản, Nam Triều Tiên họ sống “sòng phẳng” với dân họ ra sao, thiết nghĩ chúng ta phải tham khảo thật kỹ.

Như chuyện ông kỹ sư Nhật không may để cáp cầu treo ở Thổ Nhĩ Kỳ đứt, dù ngoài tầm kiểm soát và không ai thiệt mạng, nhưng ông vẫn tự sát để chịu trách nhiệm, cảnh báo an toàn lao động, để dân chúng quỳ khóc trước tượng đài ông sắp được dựng lên – đó là sòng phẳng. Hay hàng loạt các vụ quan chức tự nguyện từ chức trước những sai phạm của cá nhân hay thuộc cấp trên thế giới cũng không còn lạ lẫm đối với nhà ta – đó cũng là một cách quan sòng phẳng với dân. Chứ không phải như cái cách mà mấy vị quan chức Việt Nam hay làm: chặt phá hàng loạt cây xanh rồi “kiểm điểm” là huề; thuộc cấp sai phạm hàng trăm tỉ đồng nhưng lãnh đạo chỉ biết nói “sẽ xử nghiêm”; hay thủy điện vỡ nhấn chìm nhà dân thì hứa “sẽ cố gắng khắc phục”.

Và cũng còn một cách sòng phẳng nữa, chính là minh bạch. Chuyện chi ngân sách, các loại quỹ, vốn vay hay tất cả các hoạt động thu-chi công nói chung phải có cơ chế để dân giám sát. Các chính sách trước khi được đưa vào cuộc sống phải được lấy ý kiến từ nhu cầu của dân, quan điểm của dân chứ không phải của các “nhóm lợi ích”. Và quan trọng nhất, khi gây thiệt hại thì phải đền bù “không thiếu một xu” cho dân, chứ đừng chỉ kiểm điểm hay khai trừ khỏi Đảng và cho là đủ. Dân cần “sòng phẳng” chứ không phải “làm phẳng” mọi tội lỗi.


Cao Huy Huân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét