Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Các tổ chức chính trị hải ngoại trong hơn 30 năm qua (phần 1)


Các tổ chức chính trị hải ngoại trong hơn 30 năm qua (phần 1)

Kính Hòa, phóng viên RFA

Giáo sư Trần Trọng Đạt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đại Việt Quốc dân Đảng (hệ phái Phạm Đăng Cảnh) lần 7, Little Saigon, 2012
Giáo sư Trần Trọng Đạt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đại Việt Quốc dân Đảng (hệ phái Phạm Đăng Cảnh) lần 7, Little Saigon, 2012
 
 
Sau khi Sài gòn sụp đổ vào ngày 30/4/1975, một cộng đồng người Việt tị nạn nhanh chóng hình thành tại hải ngoại. Tại quê hương mới người Việt đã thành lập nhiều tổ chức chính trị nhằm về Việt nam. Các hoạt động này được nhìn nhận ra sao và hiện tại nó như thế nào?

Một hoạt động liên tục

Hoạt động đảng phái chính trị của người Việt tại hải ngoại với mục đích hướng về quê hương Việt nam thực sự bắt đầu ngay sau khi Sài gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng tư năm 1975. Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân, một đảng chính trị lớn của người Việt tại hải ngoại nhớ lại:

Nếu tôi nhớ không lầm thì tổ chức Người Việt tự do của các anh chị em sinh viên bên Nhật đã hình thành ngay những ngày đầu tháng Năm năm 1975. Sau đó chúng ta biết là có những đảng phái của người Việt có quá trình hoạt động lâu năm bắt đầu hoạt động tại hải ngoại sau khi làn sóng người Việt tị nạn bắt đầu định cư tại hải ngoại. Trong những năm cuối thập niên 70 chúng ta thấy có sự hoạt động của những tổ chức như là Việt nam quốc dân đảng, của Đại Việt, của Liên minh dân chủ Việt nam, đó là chưa kể những tổ chức mới thành lập như Lực lượng dân quân Việt Nam, Chí nguyện đoàn hải ngoại phục quốc,… Nói tóm lại cái điều tôi cho rằng nổi bật nhất là những hoạt động đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam của những đảng phái tại hải ngoại có thể nói là liên tục từ ngày 30/5/1975 kéo dài đến ngày hôm nay là 40 năm.”

Và trong những năm đầu tiên này tại hải ngoại, các đảng phái chú trọng việc đưa những hoạt động vũ trang vào trong nước. Tất cả những hoạt động đó đã thất bại. Nhìn lại thời kỳ đó ông Đỗ Hoàng Điềm cho rằng hình thức đấu tranh vũ trang lúc ấy không chỉ riêng của người Việt, mà là rất nhiều dân tộc khác nhằm lật đổ chế độ cộng sản cai trị đất nước họ như là ở Lào, Afghanistan. Riêng đối với trường hợp Việt nam thì ông Điềm cho rằng:
 
Chúng ta khoan bàn về ước vọng thống nhất của người Việt, mà chỉ bàn về mặt công pháp quốc tế, về mặt lý, thì chúng ta có thể thông cảm phần nào với những người trong quân đội Việt nam cộng hòa, cái việc mà họ vì bổn phận đối với đất nước của một người lính cầm súng bảo vệ đất nước, mặt dù cuộc chiến đối với quốc tế là đã tàn, thì những người ý thức được bổn phận của mình thì cái việc họ tiếp tục cầm súng chiến đấu lúc đó, ta có thể thông cảm được rằng đó là một hành động tự vệ.” Bên cạnh khó khăn lớn nhất là sức mạnh của nhà nước cộng sản Việt nam, các đảng phái chính trị của người Việt tại hải ngoại còn gặp những khó khăn khác trong mấy chục năm qua.

Những khó khăn và thất bại

Ông Hoàng Duy Hùng, cựu nghị viên thành phố Houston ở Hoa kỳ, từng tham gia hoạt động vũ trang lật đổ chế độ cộng sản tại Việt nam nói rằng các đảng phái chính trị cũng có nhiều hiềm khích với nhau dẫn tới việc không có được một sức mạnh thống nhất để hoạt động.

Ông Nguyễn Chính Kết, một nhà hoạt động tại hải ngoại hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ,  có nhận xét về sự chia rẽ của các tổ chức chính trị của người Việt như sau:

Dường như người Việt mình không biết có phải là do cái nền văn hóa mà chúng ta tiếp nhận hay không mà cái tính đố kỵ, coi cái tôi của mình quá lớn, v.v… nó tạo ra một sự chia rẽ trong cộng đồng rất là nhiều, nhất là khi có sự đánh phá của cộng sản Việt nam thì họ cứ tung lên những tin này tin kia, và khi mà họ tung những cái tin như vậy thì nhiều nhà đấu tranh ở hải ngoại này lại tin theo, mà những ngồn tin đó rất là có hại.”

Có khi những hiềm khích cũng nảy sinh từ sự khác nhau về cách thức hoạt động. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những người thành lập tổ chức chính trị mang tên Tập hợp dân chủ đa nguyên tại Pháp vào năm 1979 nói là tổ chức của ông nhận được nhiều chỉ trích vì chủ trương hoạt động bất bạo động trong giai đoạn đó, dù khi mới được thành lập chủ trương đó được khá nhiều người hoan nghênh:

Về sau có những người đả kích, họ cho rằng chúng tôi là những người không tưởng. Cũng có những người họ nóng vội, cho chúng tôi là những người thõa hiệp với cộng sản, đi đêm với cộng sản, bắt tay với cộng sản, và cũng có những người trách chúng tôi là có một thái độ nhu nhược trước cộng sản.”

Ông Hoàng Duy Hùng người từng bị nhà cầm quyền Việt nam bỏ tù 16 tháng sau khi xâm nhập Việt nam bị thất bại nói rằng hoạt động của các đảng phái chính trị trong thời gian qua không tạo được sức mạnh bên trong Việt nam.
 
 Ông Hùng đề nghị là hoạt động chính trị hướng về Việt nam cần có một đường hướng mới. Ông nói:
Tôi thấy đa số những người Việt tị nạn là những người yêu nước và chống cộng, nhưng mà họ dễ bị nhầm lẫn giữa chuyện tranh đấu cho tự do dân chủ, và chuyện gọi là không ưa thích chế độ cộng sản. Vì không ưa thích chế độ cộng sản là một chuyện, còn tranh đấu cho tự do dân chủ lại là một chuyện khác. Khi tranh đấu thì phải biết tiến biết lùi, biết cái phận vụ của mình trong một cái phạm vi nào đó. Cho nên cái tâm tư của người Việt hải ngoại là họ rất yêu nước, nhưng còn bế tắc chưa tìm ra được một con đường. Cho nên chúng ta thấy rằng chúng ta đấu tranh đến giờ phút này đã 30 năm cũng chưa đạt được điều mà chúng ta mong muốn thì chúng ta nên đặt lại câu hỏi là chúng ta có nên thay đổi sách lược và chiến thuật hay chưa?”

Thực sự là bối cảnh chính trị và kinh tế ở Việt nam và quốc tế đã thay đổi rất nhiều trong 40 năm qua, từ việc khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, cho đến việc mở của kinh tế của Việt nam và bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Trong bối cảnh đó hoạt động của các tổ chức chính trị hải ngoại hướng về Việt nam sẽ như thế nào? Và họ sẽ gặp những trở ngại gì? Đó là nội dung của phần tiếp theo trong loạt bài này.


Nguồn: RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét