Hà Tường Cát/Người Việt
(tổng hợp)
Từ đầu thiên kỷ 2,000
đến nay, khủng bố là mối đe dọa nặng nề nhất của thế giới. Danh sách các tổ chức
khủng bố hầu như càng lúc càng dài thêm và mỗi khoảng thời gian người ta lại thấy
nói về một nhóm khủng bố mới.
Loạn quân al-Shabaab
tại Somalia. (Hình: AP)
Al-Shabaab không phải
là một tên mới lạ, nhưng đang nổi lên trong thời sự quốc tế với cuộc tấn công
kinh hoàng và man rợ ngày Thứ Năm tuần trước, thảm sát gần 150 sinh viên Thiên
Chúa Giáo trường đại học Karissa ở Kenya cách biên giới Somalia khoảng 90 dặm.
Al-Shabaab, tiếng Á Rập
có nghĩa “Thanh Niên”, là nhóm Hồi Giáo quá khích có liên hệ với khủng bố
al-Qaeda, khởi loạn chống chính quyền liên bang Somalia do Liên Hiệp Quốc ủng hộ.
Theo tài liệu của các cơ quan tình báo quốc tế, lực lượng al-Shabaab có khoảng
từ 7,000 đến 9,000 chiến binh, hầu hết là dân địa phương và cũng có một số đáng
kể là thành phần 'jihadists' (thánh chiến quân ) đến từ nhiều nước kể cả Âu
Châu và Hoa Kỳ. Địa bàn hoạt động là Somalia, nhưng nhóm này từng nhiều lần tấn
công khủng bố sang Kenya mà đẫm máu nhất là vụ tấn công vừa qua vào trường
Karissa và trước đó vào thương xá Westgate Mall ở thủ đô Nairobi tháng 9 năm
2013.
Al-Shabaab thật ra
không phải là một tổ chức tập trung và thống nhất trong mục tiêu hành động mà gồm
nhiều nhóm, nhiều bộ tộc hợp tác giai đoạn không có sự đoàn kết chặt chẽ. Những
chiến binh của họ hầu hết chú trọng vào việc khởi loạn chống chính quyền liên
bang lâm thời Somalia chứ không hẳn là ủng hộ phong trào thánh chiến toàn cầu.
Tháng 2 năm 2012, một số thủ lãnh al-Shabaab loan báo liên minh với al-Qaeda
nhưng nhiều thủ lãnh khác lại bất đồng ý kiến về sự kết hợp ấy.
Tổ chức này đã tiến
hành rất nhiều những vụ dánh bom, kể cả đánh bom tự sát ở thủ đô Mogadishu,
Somalia, và những nơi khác. Từ 2010 hoạt động khủng bố lan qua các nước láng giềng,
bao gồm Uganda, Kenya và Djibouti.
Phóng viên Will Ross
của BBC - dẫn lời các chuyên gia chống khủng bố, luật sư bênh vực nhân quyền ,
và dân Hồi Giáo cũng như từ chính các
nghi can al-Shabaab bị bắt cầm tù hay đã được phóng thích - đưa ra lời giải
thích về những nguyên nhân thúc đẩy hành
động của nhóm khủng bố này.
Trước hết nhiều phần
tử al-Shabaab đã được nhồi sọ để tin rằng họ đúng trong khi người khác sai. Họ
được học thánh kinh Quran, được giảng Hadiths – lời dạy của đấng tiên tri
Muhammad – và không có đủ trình độ trình độ để phân tích nhận định khác những
gì người hướng dẫn muốn lôi kéo đi. Do đó mỗi phần tử đều tin tưởng mình là người
quan trọng trong sứ mệnh chết vì đạo
trong nghĩa vụ tập thể và sự sống còn hay bị tiêu diệt khi hành động
không cỏn có gì đáng kể nữa.
Động lực kế tiếp của al-Shabaab là lòng căm
thù phải được trả. Quốc gia Somalia nằm ở vùng Sừng Châu Phi, là đất nước vô
chính phủ từ thập niên 1990 trong tình trạng nội chiến giữa các sứ quân sau khi
chính quyền độc tài quân phiệt bị lật đổ năm 1991. Chính quyền trung ương thực tế chỉ kiểm
soát thủ đô Mogadishu. Tổ chức Phong
Trào Hồi Giáo Thanh Niên (Harakat al-Shabaab al-Mujahidin nguyên thủy là bộ phận
chiến đấu của Somali Council of Islamic Courts (hội đồng pháp đình Hồi Giáo
Somalia), phe chiếm giữ được hầu hết lãnh thổ miền Nam Somalia năm 2006. Mặc dầu
SCIC bị liên quân Somalia và Ethiopia đánh bại năm 2007, al-Shabaab tiếp tục khởi
loạn, dùng du kích chiến và khủng bố chống chính quyền liên bang trung ương.
Được sự ủy nhiệm của
Liên Hiệp Quốc, Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Phi AMISOM (African Union
Mission in Somalia) từ 2010 đã đẩy lui al-Shabaab khỏi thủ đô Mogadishu và nhiều
thành phố khác. Tới 2013 al-Shabaab suy
yếu đáng kể trước áp lực của quân đội liên quốc và sự chia rẽ nội bộ ban lãnh đạo,
chỉ còn kiểm soát một số khu vực nhỏ bé vùng nông thôn.
Tháng 7 năm 2010 hai vụ nổ bom khủng bố xảy ra tại Kampala, thủ
đô Uganda, trong khi dân chúng đang xem truyền hình trận chung kết FIFA World
Cup làm 76 người thiệt mạng. 70 người bị thương. Al-Shabaab sau đó nhận trách
nhiệm tỗ chức cuộc tấn công này vì quân đội Uganda đóng phần quan trọng trong lực
lượng AMISOM. Các cuộc tấn công tại Kenya cũng là hành động trả thù quốc gia
này can thiệp vào Somalia.
Mặt khác, hành động
trả thù của al-Shabaab còn có thể thấy ở hai vụ khủng bố tại Kenya. Ở thương xá
Westgate Mall, các con tin biết đọc kinh Quran được phóng thích. Ở trường đại học
Karissa, khủng bố phân biệt sinh viên Hồi Giáo với sinh viên Thiên Chúa Giáo và
chỉ giết nhũng người sau này.
Một nguyên nhân có thể
là chung cho các nhóm Hồi Giáo quá khích là tình trạng nghèo khó của dân chúng
tạo điều kiện cho sự chiêu dụ gia nhập hàng ngũ khủng bố. Cedric Barnes, giám đốc
kế hoạch vùng Sừng Châu Phi của ICG (Internatinal Crisis Group), nói: “Giới trẻ
cảm thấy bị bỏ rơi và không có cơ hội nào để bằng người khác”. Một dân Hồi Giáo
ở Kenya cho biết: “Tìm được tiền rất khó, một số người chỉ kiếm được dưới $1 mỗi
ngày. Nhiều thanh niên không có công việc nên nếu ai cho họ một ít tiền họ sẵn
sàng làm bất cứ điều gì”.
Các chuyên gia chống
khủng bố cho rằng biện pháp quân sự và cảnh sát là không hiệu quả. Al-Shabaab cần
tạo ra phản ứng mạnh bằng các vụ khủng bố như ở Kenya để chứng tỏ rằng họ vẫn
còn tồn tại và có nhiều khả năng. Ken
Menkhaus, chuyên viên về Somalia, nhận định: “Tình hình tương lai tùy thuộc vào
chính quyền và nhân dân Kenya. Nếu kiềm chế thích đáng trong phản ứng đối với
thảm kịch khủng khiếp này thì sẽ có tác dụng tiêu trừ al-Shabaab hơn là mở những
chiến dịch đánh khủng bố trong lãnh thổ Somalia. Những hành động bạo lực gây
phương hại không thể tránh khỏi cho thường dân sẽ khiến al-Shabaab có cơ hội để
xác nhận rằng chính họ là những lực lượng tiền phong bảo vệ Somalia trước sự
xâm lấn của ngoại bang”. Theo Menkhaus: “Al-Shabaab đang rất cần tạo lại bộ mặt
cho cuộc nội chiến Somalia là một cuộc kháng chiến chống xâm lăng”.
Trả đũa vụ khủng bố ở
trường đại học Karissa, hôm Chủ Nhật và Thứ Hai máy bay chiến đấu Kenya oanh
kích các trại al-Shabaab trong vùng Gedo bên kia biên giới và theo lời phát
ngôn viên quân sự David Obonyo các trại này hoàn toàn bị tiêu diệt. Nhưng Sheikh
Abdiasis Abu Musab, một phát ngôn viên của al-Shabaab nói với thông tấn xã
Reuters rằng máy bay Kenya chỉ đánh trật ra ngoài đồng ruộng và thường dân.
Tháng 2 năm 2012 sau
khi lãnh tụ Mukhtar Abu al-Zubair 'Godane' loan báo kết hợp với al-Qaeda, nhiều
thủ lãnh al-Shabaab khác triệu tập một hội nghị ở Baidabo.và đi đến quyết định
không đống ý với danh xưng mới là AQEA (al-Qaeda ở Đông Phi), và xác định chính
sách chỉ quan tâm đến các vấn đề quốc nội không tham gia các hoạt động quốc tế.
Năm 2013, rạn nứt trong nội bộ al-Shabaab trầm trọng thêm khi Godane cho lệnh xử
tử 4 chỉ huy trưởng quân sự. Tháng 9 năm ngoái,
Moktar Ali Zubeyr, một thủ lãnh
al-Shabaab bị giết trong cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái của Mỹ và
các phân tích gia chính trị cho rằng việc này
này sẽ đưa đến sự tan rã của al-Shabaab.
Tuy nhiên cuộc tấn
công ở trường đại học Karissa cho thấy
al-Shabaab vẫn còn là một nhóm khủng bố với mối đe dọa đáng kể. Hơn nữa tính
cách phức tạp của những nhóm Hồi Giáo quá khích về cơ chế tổ chức cũng như đường
hướng hoạt động, khiến người ta phải tin rằng những chuyển biến không có nghĩa là sự thay đổi mục tiêu và
phương pháp hành động của phong trào khủng bố Hồi Giáo, mà chỉ hứa hẹn là còn nhiều tên mới khác sẽ
xuất hiện. (HC)
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét