Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

10500 - Kheang Un đánh giá quan hệ VN-Campuchia 40 năm sau cuộc chiến



Phnom PenhBản quyền hình ảnhTANG CHHIN SOTHY
Image captionPhnom Penh ngày nay

Vào tháng 12/1978, quân đội Việt Nam đánh vào Campuchia, mở đầu thêm một xung đột ủy nhiệm Chiến tranh Lạnh tại Campuchia vốn đã hoang tàn vì chiến tranh.
Phân tích này nhìn lại những nguyên nhân của việc Việt Nam tiến vào Campuchia và quan hệ giữa hai nước kể từ sau khi Việt Nam ngừng chiếm đóng Campuchia năm 1989. Trong lịch sử, quan hệ Campuchia - Việt Nam tỏ ra mâu thuẫn, đặc biệt vì vấn đề Campuchia để mất lãnh thổ vào tay Việt Nam. Điều này làm nảy sinh thù hằn trong một bộ phận người dân Campuchia và ban lãnh đạo khi nhìn về Việt Nam.
Tiến vào Campuchia
Chính thể Khmer Đỏ dân tộc chủ nghĩa quá khích đẩy sự thù hằn này lên đến cực điểm. Trong thời gian cai trị (1975-78), Khmer Đỏ muốn gây sức ép buộc Việt Nam đàm phán lại đường biên giới với Campuchia. Bạo dạn hơn nhờ ủng hộ của nhà bảo trợ - Trung Quốc - quân đội Khmer Đỏ tiến hành các vụ quấy rối vào Việt Nam. Trong một số vụ, còn có cả thảm sát dân thường Việt Nam.
Ban đầu các vụ khiêu khích vũ trang của Khmer Đỏ được đáp trả bằng phản ứng quân sự kiềm chế của Việt Nam, do Việt Nam e ngại Trung Quốc trả đũa giùm Campuchia.
Chỉ sau khi được bảo đảm từ Hội đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô đứng đầu, quân đội Việt Nam, cùng sự hợp tác mang tính chất biểu tượng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do những cựu thành viên đào thoát của Khmer Đỏ thành lập, đã mở cuộc tấn công lớn vào Campuchia, chiếm thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979.


VNBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionQuân lính VN trên xe tăng tại chiến trường Campuchia

Mặc dù đánh Campuchia vì nguyên do an ninh quốc gia, Việt Nam nhanh chóng biện hộ cho việc chiếm đóng Campuchia theo nguyên do nhân đạo.
Ngay sau khi nắm quyền năm 1975, Khmer Đỏ tiến hành cách mạng không tưởng với mục tiêu tạo ra một xã hội đồng nhất về văn hóa, xã hội, và hiện đại hóa nhanh chóng. Về mặt xã hội, cách mạng không tưởng này nhằm loại bỏ khác biệt về chủng tộc, giai cấp, văn hóa và tôn giáo, khiến nảy sinh các tội ác bi thảm chống nhân loại và diệt chủng.
Về kinh tế, cách mạng không tưởng Khmer Đỏ muốn huy động tổng lực dân chúng để thúc đẩy tập thể hóa nông nghiệp bằng lao động cưỡng bức. Nó dẫn tới vô số cái chết vì kiệt sức, đói, thiếu chăm sóc y tế. Vào thời điểm Việt Nam xâm chiếm Campuchia, cách mạng Khmer Đỏ đã nghiền nát hơn một phần tư dân số 7 triệu người.
Nhìn từ góc độ này, những người sống sót khỏi sự giết chóc hàng loạt của Khmer Đỏ hoan nghênh sự có mặt của bộ đội Việt Nam.
Quân đội Việt Nam ở Campuchia nhanh chóng đối diện thách thức trên trường quốc tế và bên trong Campuchia. Việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia ban đầu là một xung đột giữa người Việt và người Khmer, nhưng rồi quốc tế hóa do sự thù hằn sâu sắc giữa Trung Quốc và Việt Nam, cùng với cạnh tranh Trung-Xô và Xô-Mỹ. Cạnh tranh địa chính trị toàn cầu này kéo dài xung đột Campuchia trong suốt thập niên 1980.
Trung Quốc và Hoa Kỳ ủng hộ Khmer Đỏ và các lực lượng kháng chiến phi cộng sản dọc biên giới Campuchia-Thái Lan. Các nhóm kháng chiến, bộ đội Việt Nam cùng quân đội chính phủ Phnom Penh do Việt Nam hỗ trợ tham gia các đợt tấn công và rút chạy, để lại các ngôi nhà bốc cháy, lính chết, dân thường chết và mất nhà cửa. Tổng số bộ đội Việt Nam chết là khoảng 25.300.
Ban đầu nhân dân Campuchia hoan nghênh bộ đội Việt Nam là người giải phóng, nhưng nhanh chóng sau đó nhiều người dân xem họ là kẻ chiếm đóng. Chính phủ Việt Nam kiểm soát Campuchia như thuộc địa thông qua mạng lưới các "cố vấn" Việt Nam trong nhiều tầng nấc các tổ chức chính phủ Campuchia.
Ngoài ra, sự có mặt của quân Việt Nam và hệ thống cố vấn khiến tạo ra dòng chảy vào của người dân Việt Nam. Nhiều người gốc Việt Nam đơn giản là quay về nơi họ từng sống ở Campuchia nhiều thế hệ (cho đến khi họ bị Khmer Đỏ trục xuất năm 1975), còn có những người mới đến là do tìm cách chạy khỏi Việt Nam đang khốn khó kinh tế.
Biến chuyển trong địa chính trị toàn cầu, cùng với những thay đổi của chính phủ Phnom Penh và Việt Nam cuối thập niên 1980, đã chấm dứt sự chiếm đóng của Việt Nam ở Campuchia.
Trong khi dịch chuyển chính sách trong nước và quốc tế trong bối cảnh khối cộng sản suy thoái cùng kinh tế Việt Nam đi xuống, chính phủ Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989, mở đường cho giải pháp chính trị toàn diện cho xung đột Campuchia.

CampuchiaBản quyền hình ảnhTANG CHHIN SOTHY
Image captionHọc sinh Phnom Penh mang hình chủ tịch VN, Nguyễn Minh Triết, và Nhà vua Sihamoni của Campuchia trong chuyến thăm của ông Triết sang nước láng giềng hồi 2007
CampuchiaBản quyền hình ảnhAFP
Image captionTừ trái sang: Thủ tướng Hun Sen, Vua Norodom Sihamoni, Mẫu hậu Monique và phu nhân thủ tướng Bun Rany hồi năm 2016

Giải quyết này và hiệp định hòa bình Paris 1991 dẫn tới thành lập chính phủ mới năm 1993, dưới sự bảo trợ của lính gìn giữ hòa bình LHQ.
Kể từ đó, quan hệ Việt Nam - Campuchia nói chung ấm áp. Quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Campuchia xuất phát phần lớn do sự hợp tác chặt chẽ giữa hai đảng cầm quyền - đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và đảng Cộng sản Việt Nam. Hai đảng chia sẻ lợi ích trong việc gìn giữ ưu thế chính trị, và vì vậy họ hợp tác để chống lại các lực lượng "thù địch". Hai chính phủ duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi. Việt Nam cũng tiếp tục hỗ trợ an ninh Campuchia về đào tạo nhân sự và cung cấp hậu cần.
Việt Nam và Campuchia có quan hệ thương mại gắn bó. Xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng nhanh từ 81 triệu đôla năm 2000 lên tới hơn 1.6 tỷ đôla năm 2017. Xuất khẩu Campuchia sang Việt Nam đã lên tới 326 triệu đôla năm 2017. Việt Nam hiện thuộc số 5 nhà đầu tư hàng đầu ở Campuchia.
Biên giới
Mặc dù quan hệ gần gũi như vậy, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại giữa hai nước vì vấn đề đường biên giới và tình trạng của người nhập cư gốc Việt ở Campuchia. Những mâu thuẫn này dẫn tới xung đột trong chính trị nội bộ Campuchia. Thông điệp khi tranh cử của CPP mô tả họ là người giải phóng ách cai trị Khmer Đỏ và bảo đảm hòa bình, ổn định. Một khẩu hiệu tranh cử của CPP nói ngày 7/1/1979 là "lần sinh ra thứ hai" cho người Campuchia.
Tuyên ngôn này có sức thu hút với những người sống sót khỏi thảm họa Khmer Đỏ. Còn với phe đối lập, chiến dịch phản kích logic của họ là khơi dậy sự thù hằn lịch sử sâu sắc với Việt Nam và người Việt, và cáo buộc đằng sau hòa bình, ổn định là sự mất chủ quyền và lãnh thổ. Phe đối lập xem CPP là hầu cận Việt Nam và vì thế thông đồng trong "ý định nuốt chửng Campuchia của Việt Nam".
Để phản ứng trước việc chính trị hóa biên giới Việt Nam - Campuchia, chính phủ hai nước hợp tác trong việc phân định đường biên, lập các cột mốc biên giới. Đến 2017, các tường thuật nói rằng khoảng 84% công tác phân định và cắm mốc biên giới đã hoàn thành. Dĩ nhiên, diễn tiến này xảy ra trong bối cảnh phản đối của đảng đối lập (đã bị chính phủ cấm hoạt động vào năm 2017).
Trong tương lai, mâu thuẫn tiềm ẩn vì biên giới trên biển, đặc biệt là tình trạng của hòn đảo mà Việt Nam gọi là Phú Quốc và Campuchia gọi là Koh Tral, có thể lại xuất hiện. Còn hiện nay, khi mà đảng đối lập chính, Đảng Cứu quốc Campuchia, đã bị cấm, truyền thông của họ bị im lặng, thì các vấn đề biên giới sẽ không gây tranh cãi như đã từng.
Di dân gốc Việt
Một vấn đề nữa có thể có tác động tiêu cực lên quan hệ Việt Nam - Campuchia là người Việt sống ở Campuchia. Tổng tuyển cử 2013 cho thấy nhiều người Campuchia bỏ phiếu cho Đảng Cứu quốc Campuchia một phần vì tuyên truyền chống Việt Nam của đảng.
Kết quả bầu cử này buộc đảng cầm quyền có hành động cụ thể như trục xuất người nhập cư Việt Nam bất hợp pháp. Tuy nhiên, hành động của chính phủ vẫn chưa đụng chạm vào vấn đề người Việt nhập cư. Hiện nay, ước tính 750.000 người Việt đang sống ở Campuchia, chủ yếu trên sông Mekong và Hồ Tonle Sap.
Nhiều người Campuchia bày tỏ lo ngại về "sự định cư vô chính phủ" của người di dân Việt. Bỏ qua lo lắng này có thể ảnh hưởng tới tính chính danh của CPP, hoặc có khả năng dẫn tới bạo lực chống người Việt. Có tin tức nói chính phủ Campuchia định tái định cư những người này.
Đây sẽ là công việc khó khăn do thiếu đất và dịch vụ công kém cỏi. Nếu không cẩn thận, nỗ lực giải quyết vấn đề người Việt có thể ảnh hưởng quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ của CPP đánh dấu 34 năm ngày Khmer Đỏ sụp đổ hôm 7/1/2013Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionThủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ của CPP đánh dấu 34 năm ngày Khmer Đỏ sụp đổ hôm 7/1/2013

Một vấn đề căn bản hơn là tình trạng công dân của người di dân Việt. Khoảng 90% người gốc Việt ở Campuchia không có giấy khai sinh hay giấy căn cước. Họ chỉ có giấy nhập cư và giấy cư trú chứng minh tình trạng cư trú hợp pháp ở Campuchia. Về mặt pháp lý, họ không phải là công dân Campuchia còn chính phủ Việt Nam thì không công nhận họ là công dân Việt Nam.
Như thế, căn bản họ là công dân không tổ quốc. Liệu họ nên bị trục xuất về Việt Nam như ý muốn của một số người dân tộc chủ nghĩa Campuchia? Hay họ nên được thành công dân Campuchia? Do không còn đảng đối lập đáng kể, vấn đề người di dân Việt sẽ khó bị chính trị hóa để biến thành các cuộc biểu tình chống Việt Nam. Tuy nhiên, không có nghĩa là vấn đề này sẽ mất đi.
Kể từ khi bộ đội Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989, quan hệ Việt Nam và Campuchia đã gắn bó. Do liên hệ lịch sử giữa hai đảng cầm quyền và gần gũi địa lý giữa hai nước, đảng cộng sản Việt Nam và đảng CPP duy trì quan hệ toàn diện từ kinh tế tới an ninh.
Tuy nhiên, cáo buộc của đối lập Campuchia rằng CPP bán lợi ích đất nước cho Việt Nam là sai. Việc chính phủ Campuchia ngả theo Trung Quốc trong xung đột biển đảo trên Biển Đông với Việt Nam là một ví dụ.
Chừng nào CPP còn nắm quyền, quan hệ Việt Nam và Campuchia sẽ còn ấm áp, vì CPP sẽ tìm ra cách để xử lý quan hệ bất cân xứng giữa Campuchia với Việt Nam nhằm đảm bảo tiếp tục có sự hợp tác.
Bài viết nêu quan điểm riêng của Tiến sĩ Kheang Un, Khoa Chính trị học, Đại học Northern Illinois, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về Campuchia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét