Tết Nguyên Đán đã cận kề, nếu đếm ngược chỉ còn gần một tuần là khép lại mùa đông 2018 và mở cữa đón chào Xuân 2019. Dịp này, khắp mọi miền đất nước, nhất là khu vực đô thị, đỏ rực băng rôn khẩu hiệu. Nhan nhản khẩu hiệu, nào là Chúc mừng năm mới; Mừng xuân Kỷ Hợi 2019. Nhiều nơi in đậm khẩu hiệu mang tính gán ghép: Mừng đảng, mừng xuân; Mừng đảng quang vinh, mừng xuân Kỷ Hợi.
Dịp tết nguyên đán, treo khẩu hiệu mừng Đảng trước mừng Xuân là tung hô cưỡng ép theo ý muốn chủ quan, không thuận với tự nhiên. Luận theo câu chữ nói trên, Xuân (mùa Xuân) trở thành đối tượng ăn theo, chỉ là vai phụ. Trong khi đó chủ sự đích thực của lễ tiết đầu năm chỉ là Xuân, mùa Xuân. Đặt “mừng Đảng” trước “mừng Xuân” không những cưỡng ép, mà còn tham.
Các thế hệ ông-bà, cha-mẹ luôn dạy con-cháu đừng tham, chớ có dại mà tham. Điều căn bản ấy luôn được thầy-cô nhắc nhở học trò. Phật răn dạy nhẹ nhàng nhưng rất thấm: cái gì không phải của mình đừng lấy. Mừng Đảng trước mừng Xuân, trong dịp đón Xuân, làm khẩu hiệu duy ý chí như vậy, để lộ lòng tham, cái không phải của mình vẫn cứ nhặt nhạnh cho vào túi. Tuyên truyền áp đặt như vậy lợi bất cập hại, phản tác dụng.
“Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên”. Gán mừng Đảng với mừng Xuân, thậm chí để Đảng ngự trị trước Xuân (mùa Xuân) cũng là một cách ép. Xuân tự nó có tính lựa chọn, có tính phản kháng theo quy luật tự nhiên. Phải tôn trọng quy luật tự nhiên để đừng bao giờ ghép ý muốn chủ quan trái quy luật.
***
Chính phủ vừa đưa ra quy định thuộc cấp không đươc nịnh cấp trên. Từ thời phong kiến, cách đây hàng trăm năm, tổ tiên ta đã sống và làm việc theo đạo lý ấy. Bây giờ, khi quan hệ trên-dưới trở nên bát nháo, chính phủ phục hồi nếp sống xa xưa, đã quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Để rồi xem “vị thuốc” cổ truyền quý giá có tác dụng như thế nào với quan chức thời nay.
Khắp nơi giăng đầy khẩu hiệu “mừng Đảng, mừng Xuân (đặt Đảng trước Xuân), phải chăng cũng là một cách nịnh. Chính phủ cấm thuộc cấp nịnh cấp trên. Đảng cũng rất nên cấm các hành vi nịnh đảng. Là nhà lý luận, chắc chắn bác Trọng có nhiều cách để giải bài toán này.
Thật khó quên lời của Khổng Tử, đọc một lần vẫn nhớ mãi:
Người khen đúng ta là bạn của ta.
Người chê đúng ta là thầy của ta.
Người nịnh ta là kẻ thù của ta.
Loại “văn hóa nịnh” đang tràn ngập trong đời sống xã hội đương thời, nhất là những nơi sử dụng quyền lực theo kiểu ban phát, mua-bán. Nịnh trở thành ma túy với bọn quan chức “tỷ phú” lòng tham, nhưng điếc năng lực chuyên môn. Đảng suy yếu bởi nhiều lý do, trong đó có phần “đóng góp” không nhỏ của những kẻ tiến thân bằng nịnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét