Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

11099 - Đến Ba Chúc để hiểu thêm về chuyện ‘giặc là ai’?



Bà Nguyễn Thị Dễ, cư dân thị trấn Ba Chúc kể rằng hồi đó ở khu nhà mồ Ba Chúc có để câu nhắc nhớ về kẻ thù hậu thuẫn cho Pôn Pốt giết người dân nơi đây chính là ‘bành trướng Bắc Kinh’. Giờ thì nhà mồ được xây lại vài lần rồi, và câu nhắc nhở ấy cũng đã không còn nữa.

Cây dầu trên 300 tuổi ở Ba Chúc. Ảnh: M.Tr

Trong ngày còn lại của năm cũ Mậu Tuất, tôi về thăm lại Ba Chúc, một thị trấn miền biên viễn của An Giang với dãy thất sơn phân ranh giới với xứ chùa tháp Campuchia. Nơi đây chiến tranh đã đi qua với bao tàn khốc mà nói như lời ông Hai Tổng, thủ nhang chùa Phi Lai của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cả thời kháng Pháp rồi chống Mỹ, người dân nơi đây nếu có thiệt mạng thì cũng do tên bay, đạn lạc chứ ‘giặc’ không hề giết dân. “Bởi vậy nên tụi tui đâu có chịu di tản, bỏ lại đất đai mồ mả ông bà, rồi chén cơm manh áo mưu sinh sẽ biết ra sao nếu rời nó?”. Ông Hai Tổng trải lòng.
Tháng ba âm lịch hàng năm ở Ba Chúc có một lễ giỗ chung cho hơn 1.000 người dân vô tội đã bị giặc Pôn Pốt giết hại. Kỷ Hợi này, là lần giỗ thứ 41. “Đến tận hôm nay tụi tui vẫn không thể lý giải nỗi vì sao họ lại tàn ác đến như vậy?”, một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình tỉnh An Giang chia sẻ. Tư liệu phỏng vấn của đồng nghiệp từ Hãng phim TFS được trích dẫn ở bài viết này, sẽ cho thấy một trong những nguyên nhân gián tiếp đưa đến cái chết của người dân vô tội sau năm 1975, là từ men say chiến thắng, đưa đến lỗi nhận định ở những quan chức cấp cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam. 
Đại tá Đoàn Thanh Long, nguyên Tham mưu phó Mặt trận 479, kể lại câu chuyện của gần 44 năm về trước. Ông nói sau chiến thắng tháng tư, 1975 thì quân đội phần lớn chuyển sang làm kinh tế. “Bộ đội mình còn lại là bộ ‘khung’. Sư 5 còn một trung đoàn thôi mà. Một trung đoàn đó đi càn quét fulro ở đường 20, còn nhiêu thì đi sản xuất hết!”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, nguyên Trưởng phòng Quân báo Quân khu 7, cho biết từ hơn 1 triệu quân, rút xuống còn chưa đến một nửa. “Phần lớn đi làm kinh tế. Lực lượng thường trực thì tổ chức rất yếu, chất lượng giảm sút, cán bộ mới thì trẻ, cho nên tinh thần sẳn sàng chiến đấu là rất kém. Gần như chúng ta chưa chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh xảy ra trên biên giới… Khi ấy, chỉ thị của Hà Nội đối với các đơn vị vũ trang ở địa phương là “nỗ lực bảo vệ nhân dân, bằng mọi giá phải giữ cho được tình hữu nghị, tránh đụng độ giữa hai nước”. Đại tá Lân nói.
Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, kể: “Từ Quân khu 5 cho đến Quân khu 7, Quân khu 9 đều nhận thức rằng đối phương tức là địch bắt đầu phản động. Còn do ai xúi giục thì không biết. Nhưng khẳng định rằng họ sẽ tấn công Việt Nam. Mình báo cáo lên cấp trên thì ở trên lại không tin”.
Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 cho biết tâm lý chung lúc ấy là… ‘ngỡ ngàng’.
“Ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng là cái từ đúng nhất để nói lên cái tâm thế của các đơn vị vũ trang của Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng ta ngỡ ngàng mà đến khi cuộc chiến buộc phải chúng ta phải cầm súng để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ, thì chúng ta đã thực hiện một cuộc chiến đấu trông rất lúng túng. Lúng túng vì trước hết chúng ta chưa xác định được tính chất của cuộc chiến tranh. Chúng ta chưa xác định được rõ kẻ thù. Chúng ta chưa hiểu kẻ thù và cách đánh của kẻ thù. Và chúng ta vừa đánh, vừa tự hỏi ‘ồ, sao nhỉ, sao lại như thế?’. Quá trình đó kéo dài bắt đầu từ tháng tư năm 1977 cho đến tháng 5 năm 1978”. Nguyên văn trích băng hình lời của đại tá Hồ Sơn Đài.
Sự ngỡ ngàng này theo lý giải của đại tá Đoàn Thanh Long, thì “Trước đó nó là bạn. Mình ăn chung với nó, mình ngủ chung với nó. Mình sinh hoạt kề cận với nó, lúc chưa giải phóng toàn Campuchia. Chuyện xảy ra là có thể có cái gì đó, xung đột gì đó, đụng chạm gì đó. Ngay Sư 1 xuống dưới đó, thằng Tà Mốc trước đây là cái thằng rất thân với mình, hồi cái thời đánh Pháp. Bây giờ nó oánh, nó diệt mình một đại đội chứ ít sao?”. 
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu, nói rằng ông đã không tưởng tượng được tại sao xảy ra cái chuyện đến vậy. “Giữa mình, ba dân tộc Đông Dương với nhau. Mình với Campuchia như răng với môi, như anh em ruột thịt như thế mà tại sao họ làm như thế này?”.
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để một Campuchia khi đó, có từ 6 đến 7 triệu người lại dám gây chiến với một Việt Nam có tới hơn 50 triệu dân? Phải đến cuối năm 1977, đảng cộng sản Việt Nam mới thừa nhận sự thật ở lời xa gần của cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao một nước Israel có hơn 3 triệu dân lại dám xâm lăng một nước Ai Cập có tới 35 triệu dân? Vì sau lưng Israel có cả sức mạnh của Hoa Kỳ làm chỗ dựa. Và Khmer đỏ cũng vậy. Việt Nam đã phải trả một cái giá quá đắt vì sự mất cảnh giác của mình...
Răng với môi mà còn giết nhau đầy thù hận như vậy, sá gì chuyện kiểu bạn vàng 16 tốt giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung. 
Người xứ bảy núi Tri Tôn nói với người viết rằng hãy chụp hình cây dầu hơn 300 năm tuổi của thị trấn Ba Chúc. Cây dầu cổ thụ đó được xem là biểu hiện sức sống trường tồn của người dân nơi đây, bất chấp ‘giặc là ai’…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét