Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

11056 - Dầu hỏa Venezuela, con dao hai lưỡi trong tay Hoa Kỳ



Nhà máy lọc dầu ở Puerto La Cruz, Venezuela. Ảnh 18/07/2018.VENEZUELA-PDVSA/MILITARY REUTERS/Alexandra Ulmer

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Juan Guaido hôm 23/01/2019, ngay sau chủ tịch Quốc Hội Venezuela tuyên bố đảm nhiệm luôn cả chức vụ tổng thống tại quốc gia dầu hỏa này.
Washington đang nghiên cứu khả năng ban hành một số biện pháp mới trừng phạt chế độ Maduro. Nhưng khác với trường hợp của Iran, Nhà Trắng đã không vội vã ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa Venezuela trong lúc các nhà chiến lược Mỹ thừa biết rằng, vận mệnh Venezuela nằm trong tay phe nào kiểm soát được quân đội và dầu hỏa.Vậy phải chăng đối với Venezuela, chính quyền Trump chơi trò giơ cao đánh khẽ để trấn an công luận bề ngoài ?
Tại sao chính quyền Trump vốn không che giấu ý đồ lật đổ tổng thống Nicolas Maduro ở Caracas lại không thẳng tay đánh vào túi tiền của chế độ này ? Nhất là khi hỏa bảo đảm đến 90 % nguồn thu nhập cho Venezuela. Mỹ lại là khách hàng quan trọng số 1 của Caracas. 40 % xuất khẩu dầu hỏa của Venezuela là để bán sang Hoa Kỳ. Bài toán tưởng chừng quá đơn giản đối với Washington : có gì dễ hơn là dùng lá bài dầu hỏa để giáng một đòn chí tử vào chế độ Maduro, và bước kế tiếp, trở thành điểm tựa thực sự cho tổng thống tự phong Juan Guaido ?
Có ít nhất hai lý do khiến ngay cả một nhà lãnh đạo nóng tính như Donald Trump cũng phải dè chừng.
Về kinh tế, nếu cấm vận dầu hỏa Venezuela, Hoa Kỳ bị thiệt hại không kém. Đành rằng không bán được dầu hỏa cho Washington, Caracas sẽ điêu đứng, nhưng trên thực tế, hai quốc gia thù địch này lại rất cần có nhau : Mỹ cần dầu thô của Venezuela, dù muốn hay không Hoa Kỳ vẫn còn phải nhập dầu của thế giới. Thêm vào đó, cấm nhập dầu của Venezuela sẽ làm phương hại trực tiếp đến các hãng lọc dầu của Mỹ trong vùng Vịnh Mêhicô, hoạt động nhờ nhập khẩu hàng trăm ngàn thùng dầu Venezuela mỗi ngày. Thống kê gần đây nhất cho thấy, mỗi ngày Venezuela vẫn xuất khẩu 500.000 thùng dầu thô sang Hoa Kỳ.
Một chuyên gia về dầu hỏa của Mỹ được đài truyền hình CNN trích dẫn cho rằng, tẩy chay dầu thô của Venezuela sẽ đẩy giá dầu trên thị trường Hoa Kỳ lên cao và thậm chí còn đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ.
Mùa hè 2017 vào lúc căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Caracas đang cao trào, thì một tập đoàn dầu hỏa của Mỹ tại bang Oklahoma vẫn ký hợp đồng hơn 1 tỷ đô la với Venezuela để đổi lấy quyền khai thác 200 giếng dầu trong vòng ba năm.
Điểm thứ nhì cần lưu ý là về mặt ngoại giao, Mỹ và Venezuela là hai quốc gia thù địch, nhưng ngành công nghiệp dầu lửa của hai quốc gia này lại đan xen chặt chẽ với nhau.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA qua công ty con là Citgo đang làm chủ nhiều hãng lọc dầu và cả một hệ thống đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là tại các bang Texas, Lousianna và Illinois. Hiện tại, khoảng 4.000 công nhân Mỹ làm việc cho Citgo và có trên 5.000 trạm xăng ở Mỹ là của tập đoàn dầu khí Venezuela này. Một nguồn tin được bản tin của AFP ngày 16/11/2017 trích dẫn còn tiết lộ, Citgo từng trích nửa triệu đô la để đóng góp cho quỹ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump hôm tháng 01/2017. Tương tự như hai ông khổng lồ trong ngành dầu khí của Mỹ là Chevron và ExxonMobil , Citgo nằm trong danh sách 20 tập đoàn đóng góp nhiều nhất cho quỹ này.
Bên cạnh hai yếu tố vừa nêu, còn có một thực tế không thể chối cãi, đó là theo thẩm định của Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Hỏa, nguồn dự trữ vàng đen của Venezuela còn lớn hơn cả Ả Rập Xê Út và chỉ một điểm này thôi, cũng đủ để chính các tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ và các cố vấn Nhà Trắng phải cân nhắc kỹ trước khi trừng phạt Caracas. Sau cùng, trong số các nước châu Mỹ La Tinh, Venezuela vốn có tinh thần bài Mỹ rất nặng, chính quyền Washington cũng cần thận trọng với quốc gia này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét