Lenin từng nói một câu mà hậu bối của ông ít khi muốn nhớ, rằng xét đến cùng chủ nghĩa xã hội nếu muốn thắng chủ nghĩa tư bản sẽ phải thắng về năng suất lao động [1]. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn. Đó là lý do vì sao người ta đang dần nhận ra cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ [2] - yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng năng suất. Điều này cũng giải thích vì sao hai nước vừa tuyên bố đình chiến thương mại tạm thời nhưng ngay sau đó con gái chủ tịch Huawei - tập đoàn chủ đạo trong tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc - vẫn bị bắt.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vấn đề này khi mà sự phát triển vượt bậc vài thập kỷ qua của họ không dựa vào công nghệ phát triển tự thân. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất.
Công thức phát triển này của Trung Quốc, bởi vậy, đặt trọng tâm vào việc sao chép công nghệ của phương Tây bằng 3 cách thức chủ yếu sau (1) gián điệp công nghệ, (2) mua bán&sát nhập tập đoàn phương Tây để chiếm lấy công nghệ, và (3) dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Không phải Tây phương không nhận ra chiến lược này của Trung Quốc, song chỉ khi họ vỡ mộng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn đến cởi mở về chính trị mà trái lại còn giúp gia tăng quyền lực độc đoán đảng trị, và bừng tỉnh rằng siêu cường mới nổi này muốn tiếp bước Nga Sô thách thức trật tự quốc tế hiện hành, họ mới bắt đầu ra tay tấn công vào công thức phát triển của Đại lục với 3 đòn tương ứng sau (1) truy bắt gián điệp công nghệ, (2) siết chặt việc mua bán&sát nhập có yếu tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài), và (3) đẩy mạnh thương chiến nhằm sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu vào tạo thế bảo vệ các tập đoàn làm ăn trên đất Trung Quốc.
Trung Quốc quả thật nên lo lắng, nhất là khi mới đây họ đã thất bại trong việc dùng lợi ích gây chia rẽ nội bộ khối Tây phương [3] và đang chứng kiến mỗi khi một quốc gia Tây phương ra đòn thì cả khối lại hùa theo hưởng ứng. Giờ đây vận mệnh của Trung Quốc, như Tập tuyên bố, sẽ được đặt trong nỗ lực của quốc gia này tự lực phát triển công nghệ. [4]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét