Seth Mydans
The New York Times International Edition
Chúng là những người hàng xóm của nhau, hai tên giặc già về hưu, chăm sóc khu vườn của chúng và chơi đùa với cháu con của chúng, trong khi hy vọng rằng thế giới sẽ “để cho những gì đã qua được qua đi” mà quên rằng chúng là những lãnh đạo (mà lại là những lãnh đạo chóp bu cuối cùng còn sống sót – người dịch) của chế độ Khmer Đỏ giết người.
Nhưng cảnh đời hưu nhàn của chúng đã không kéo dài được bao lâu. Mười một năm sau khi bị bắt và sau một phiên tòa kéo dài đằng đẵng và tốn kém, chúng là những thành viên duy nhất còn sống sót của ban lãnh đạo Cộng sản một lòng đoàn kết (nguyên văn: “a tight-knit Communist leadership”) phải chịu trách nhiệm về việc đã giết chết ít nhất 1,7 triệu đồng bào của chúng từ năm 1975 đến 1979. Vào hôm thứ Sáu, ngày 16 tháng Mười một, 2018, một tòa án đã phán quyết rằng chúng đã phạm tội ác diệt chủng.
Một trong số hai tên này, Khieu Samphan, đã 87 tuổi, từng là một giáo viên khả kính, trong sạch và là thành viên của Quốc hội Campuchia, người đã thoát khỏi một cuộc vây bắt vì quan điểm cánh tả của mình trong thập niên 1960 và tham gia phong trào nổi dậy của giới trẻ ở nông thôn. Nhẹ nhàng và biết nói mấy thứ tiếng, về sau con người này đã trở thành gương mặt quốc tế của Khmer Đỏ với tư cách là nguyên thủ quốc gia.
Khieu Samphan |
Một tên khác, tên là Nuon Chea, đã 92 tuổi, được mệnh danh là nhà ý thức hệ, nhà tư tưởng của phong trào (nguyên văn: “the movement’s ideologue”), có lẽ là con người tin tưởng một cách trung thành nhất vào nỗ lực biến Campuchia thành một vương quốc nông nghiệp hoang tưởng, trong khi tàn sát những người có học thức và tổ chức lại quốc gia thành một trại lao động khổ sai toàn quốc. Được biết đến với tư cách là “anh Hai”, chỉ đứng sau tên thủ lĩnh đã chết của Khmer Đỏ là Pol Pot (1925 - 1998), tên Nuon Chea chịu trách nhiệm chỉ huy đối với việc tiến hành một làn sóng thanh trừng giết người. Sau đó, hắn cam đoan với một người phỏng vấn rằng “chúng tôi chỉ giết những người xấu chứ không giết những người tốt” (nhưng làm sao chúng lại có đủ tư cách để phán xét ai là người xấu và ai là người tốt cơ chứ! – người dịch.
Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ bởi một cuộc xâm lược của Việt Nam, chúng rút lui vào rừng rậm, nơi mà, một lần nữa, chúng lại trở lại nguyên dạng là một đội quân nổi dậy trong một cuộc nội chiến. Sự lãnh đạo của chúng sụp đổ vào năm 1998 sau một loạt các vụ đào ngũ trở về với chính quyền mới.
Vào năm 1998 đó, khi hai tên Nuon Chea và Khieu Samphan đào ngũ, Thủ tướng Hun Sen, người đã từng là một cán bộ Khmer Đỏ cấp thấp, đã chào đón chúng bằng những cái bắt tay và khuyên bảo hai tên đồng loại của mình trong một câu nói không thích hợp là “hãy đào hố và chôn vùi quá khứ” (nguyên văn: “in an unfortunate phrase, to “dig a hole and bury the past”).
Chúng được tạm trú trong một khách sạn sang trọng, nơi có những tiện nghi bao gồm các giỏ trái cây. Nhưng trước khi có thể được thụ hưởng một sự chào đón nồng nhiệt như thế này, chúng đã bị bao vây bởi một đám đông các phóng viên chen lấn, xô đẩy, la hét các bên ngoài khách sạn.
“Chúng đã bắt đầu một cuộc bạo loạn!”, con người đàn ông yếu đuối, dặt dẹo có tên là Nuon Chia này chống gậy bước đi và nhìn chằm chằm vào thế giới qua cặp kính đen to tướng.
Còn tên Khieu Samphan, sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới, đã nhuộm cho mái tóc trắng của mình một màu nâu hạt dẻ, dường như hắn hy vọng đòi lại sự kính trọng mà hắn đã từng được đối xử với tư cách là bộ trưởng ngoại giao của Khmer Đỏ.
Trong một cuộc họp báo ồn ào, mà tôi (tức là Seth Mydans, tác giả bài báo – người dịch) đã từng đưa tin cho tờ Thời báo New York, tên này đã trình bày kế hoạch của hắn cho những năm hậu Khmer Đỏ. Hắn nói “Hãy để cho những điều đã qua đi được qua đi”.
“Để nói rằng ai sai và ai đúng và ai đang làm điều này và ai đang làm điều nọ, v.v. và v.v.”, hắn nói thêm, nhưng câu nói của hắn ngưng dần rồi im bặt. “Xin vui lòng đừng khuấy tung mọi thứ lên nữa”.
Trong khi tuyên bố rằng cho đến bây giờ mới biết được sự tàn bạo dưới sự chỉ huy của mình, tên Khieu Samphan này nói rằng “đó là một điều bình thường khi mà những người bị mất gia đình – biết nói như thế nào nhỉ - cảm thấy có một sự phẫn nộ nào đó”.
Bị choáng khi đứng trước các phóng viên, hắn lẩm bẩm một lời xin lỗi miễn cưỡng: “Xin lỗi, rất xin lỗi” (nguyên văn: “Pressed by reporters, he mumbled a reluctant apology: “Sorry, very sorry”).
Khi được hỏi rằng liệu bản thân có đưa ra một lời xin lỗi tương tự hay không, tên Nuon Chea đồ tể này đã đưa ra một suy nghĩ mà được xem như một cái nhìn thoáng qua về não trạng rất kỳ quặc của hắn (nguyên văn: “Nuon Chea offered what seemed a glimpse into a very strange mind-set, saying”), hắn nói rằng “Chúng tôi rất lấy làm tiếc không chỉ cho những mạng sống của người dân Campuchia, mà còn rất lấy làm tiếc về những mạng sống của tất cả những con vật phải chịu đựng vì chiến tranh”.
Sự sỉ nhục của chúng chỉ càng tăng lên khi ông Hun Sen, người mà vẫn đối đãi với bọn chúng như những vị khách danh dự, đã bố trí cho bọn chúng một chuyến đi nghỉ mát tại một bãi biển, nơi mà bọn chúng đã trải qua một đêm giao thừa đón năm mới kinh hoàng, co rúm người lại trong căn phòng khách sạn của chúng để tránh bị các phóng viên vây hãm.
Hai tên này lui về ẩn náu tại thị trấn Pailin biên giới xa xôi, nơi hầu hết cư dân cũng là những tên Khmer Đỏ, cho đến khi chúng bị bắt giữ vào năm 2007. Kể từ đó, hai tên này vẫn là hàng xóm của nhau, nhưng giờ đây đã là hai phòng giam bên cạnh nhau.
Chúng bị xét xử cùng với hai thành viên còn sống sót khác của bộ sậu lãnh đạo cao cấp nhất (của Khmer Đỏ, là Ieng Sary, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng dưới thời Khmer Đỏ và được coi là nhân vật số 3 của Khmer Đỏ; và Ieng Thirith là em vợ của Pol Pot và cũng là vợ của Ieng Sary – người dịch). Cả hai vợ chồng tên này đều đã chết trong thời gian xử của phiên tòa kéo dài đằng đẵng 11 năm trời, cũng như tên Kaing Guek Eav, hay còn gọi là Duch - chỉ huy nhà tù Tuol Sleng khét tiếng, tên này đã bị kết án và hiện đang chịu án tù chung thân.
Trong khi tên Khieu Samphan bám lấy lời biện hộ của hắn rằng hắn không hề biết gì về những hành động ghê tởm của những tên trùm Khmer Đỏ khác, thì tên Nuon Chea vẫn tỏ ra ương ngạnh và khinh thường, ngạo mạn đến cùng.
Trong lời nói cuối cùng trước tòa, tên này đã chỉ vào bản tóm tắt dài 500 trang giấy về những cáo buộc đối với hắn, bao gồm tới 4.000 chú thích, mà theo lời luật sư của hắn, Victor Koppe, là đã trình bày về lịch sử thực sự của Khmer Đỏ, “chứ không phải là một lịch sử giả mạo nào đó với những trích dẫn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét