Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM, vừa nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thành phố này phải… “nghiêm”. Tại buổi tổng kết hoạt động của lực lượng Thanh tra TP.HCM năm ngoái và triển khai nhiệm vụ năm nay, Ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM, than rằng, lực lượng này phát giác sai phạm là mười thì khi tổ chức kiểm điểm chỉ còn bốn hay năm!
Muốn biết thực trạng làm ông Tuyền phải than thở công khai nghiêm trọng đến mức nào thì cần phải nhớ, Thanh tra là lực lượng đang đảm nhận vai trò phòng – chống tham nhũng!
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì ông Phong rất đồng cảm với ông Tuyền nói riêng và lực lượng Thanh tra nói chung. Ông Phong cho rằng, chuyện Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng khi xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm (1).
Bởi ông Phong phê phán, xử lý các sai phạm do Thanh tra phát giác mà chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm, thành ra nên thử xét xem ông Phong và hệ thống chính trị (mà ông là Phó Bí thư), hệ thống công quyền (mà ông là Chủ tịch) có khả năng “nghiêm” hay không?
Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước phát giác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) – một doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, vi phạm hàng loạt qui định về quản lý đất đai, công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới.
Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI hứa hẹn. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (2).
Cũng năm ngoái, Thanh tra TP.HCM kết luận, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch, làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi “tham quan – học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3).
Giống như Kiểm toán Nhà nước, sau khi thanh tra SAGRI, Thanh tra TP.HCM nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, công thổ, điều hành SAGRI. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất.
Cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra TP.HCM cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở TP.HCM xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, bào đệ của ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt tử hình hay chung thân do “tham ô tài sản”...
Tuy nhiên tháng 3 năm 2018, dù cho biết là dựa trên kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM như vừa lược thuật, song ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM, chỉ quyết định “khiển trách” ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.
Quyết định “khiển trách” vừa kể tất nhiên là bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng không ăn thua. Mãi tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi “khiển trách”, UBND TP.HCM mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ “khiển trách” lên… “cảnh cáo” (3).
Lúc đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM có biện bạch rằng, xét thấy “khiển trách” chưa đúng với mức độ sai phạm của ông Hùng, bà Thúy nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo thành lập một hội đồng kỷ luật mới để xem lại hình thức kỷ luật. Tuy nhiên nếu để ý một chút, ắt sẽ thấy, việc xem lại hình thức kỷ luật chỉ được tiến hành lúc bào huynh của ông Hùng đã bớt “thiêng” vì liên tục bị cáo buộc là chính phạm gây ra thảm nạn Thủ Thiêm.
Trung tuần tháng này – ba tháng sau khi UBND TP.HCM “cảnh cáo” ông Hùng và bà Thúy, Thành ủy TP.HCM nhất trí “cảnh cáo” đồng chí Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy SAGRI và đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Đảng ủy viên SAGRI. Nói cách khác, xử lý sai phạm của ông Hùng, bà Thúy đã xong.
Đem đối chiếu việc Chủ tịch TP.HCM xử lý ông Lê Tấn Hùng với tuyên bố, chỉ đạo mới đây của chính ông khi tham dự tổng kết hoạt động của Thanh tra TP.HCM, có thể thấy ngay là ông Phong… “giỏi”.
Ông không hề đắn đo, cũng chẳng cảm thấy thẹn, chẳng bận tâm chút nào về chuyện thiên hạ nghĩ gì khi ông cao giọng phê bình tình trạng không… nghiêm: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng lúc xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách!
Không may là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chính quyền các tỉnh, thành phố như ông Phong đều… “giỏi” như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét