Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

11129 - Venezuela bên bờ nội chiến : Trận đấu giữa "hợp pháp" và "chính danh"



Venezuela bên bờ nội chiến : Trận đấu giữa « hợp pháp » và « chính danh »
Lãnh tụ đối lập, tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido trong cuộc biểu tình chống Maduro tại Caracas ngày 30/01/2019.REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Giàu tài nguyên chưa hẳn là có phúc. Đây là trường hợp của Venezuela, quốc gia Trung Mỹ có trữ lượng dầu hỏa quan trọng nhất thế giới, hơn cả Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, do một ý thức hệ hoang đường với một tập đoàn lãnh đạo chỉ biết dùng ngân sách để mua ổn định chính trị, vật giá leo thang 300.000.000% trong năm 2018, chuyện gì phải đến đã đến. Mượn bàn tay tư pháp để loại hai đối thủ, Nicolas Maduro chưa kịp an vị nhiệm kỳ hai thì chiếc ghế tổng thống bị một đối thủ thứ ba mới 35 tuổi ngang nhiên tranh đoạt.
Lực lượng đối lập Venezuela trong chiến dịch phản kháng vào mùa xuân 2017 bị đàn áp đẫm máu, 150 người chết và hàng ngàn người bị thương. Hai nhà đối lập có uy thế, người thứ nhất là Antonio Ledezma, bị bắt phải vượt ngục tị nạn tại Tây Ban Nha, người thứ hai là Leopoldo Lopez, bị quản thúc.
Tuy nhiên, trong hạ tuần tháng 01/2019, các đối thủ của tổng thống xã hội Nicolas Maduro đã huy động hàng trăm ngàn công dân phẫn nộ chống chế độ tham ô và bất tài làm cho đất nước lao xuống đáy vực khủng hoảng kinh tế, tài chính và thực phẩm. Cao điểm của ngày biểu tình 23/01/2019 là Juan Guaido, một dân biểu mới 35 tuổi, chủ tịch luân lưu Quốc Hội Venezuela, định chế chính trị còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chế độ, long trọng tuyên cáo ông là « tổng thống đương nhiệm » trong tiếng vỗ tay hoan hô của đám đông công dân biểu tình. Tuy chưa có tiếng tăm nhưng Juan Guaido ngay lập tức được Mỹ, Canada và đa số các nước láng giềng, tiếp theo là Úc và Israel công nhận là « tổng thống ».
Tại châu Âu, với tư cách mà một nước bảo hộ cũ, chính phủ cánh tả Tây Ban Nha vận động Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan ra tối hậu thư kỳ hạn cho Nicolas Maduro, cho đến Chủ nhật 03 tháng 02 phải thông báo tổ chức tổng tuyển cử. Nếu không, các nước châu Âu sẽ công nhận Juan Guaido.
Đây là lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính của trung tá Hugo Chavez năm 1992 thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa, ngọn gió chính trị có dấu hiệu đổi chiều.
Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Pháp, nhà nghiên cứu Pascal Drouhaud, chuyên gia của viện tư vấn Choiseul, Paris phân tích:
Một bước chuyển động tích cực đang thành hình tại Venezuela và hoàn toàn khác hẳn với những diễn biến trước đây. Juan Guaido, trẻ tuổi, có một lực lượng, có một động lực mà ai cũng thấy rõ. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy Juan Guaido có vẻ biết điều phối hoạt động trên trường quốc tế. Chúng ta đã thấy từ mấy ngày qua, tình hình diễn biến nhanh chóng và xu hướng chuyển tiếp chế độ đã hiện rõ.
Bối cảnh và tình trạng đất nước hiện nay đã góp phần thúc đẩy xu hướng muốn đổi mới này. Đó là tâm lý chán ngán chế độ, kinh tế khủng hoảng hết chỗ nói, tỉ lệ lạm phát trong năm nay được dự tính lên đến 10.000.000%. Không thể mường tượng nổi thế nào là lạm phát 10.000.000%, sống như thế nào đây ? Trong khi đó, Venezuela là một nước giàu, rất giàu tài nguyên, trữ lượng dầu lên đến 300 tỉ thùng. Là thành viên của OPEP, Venezuela lẽ ra phải là cường quốc đáng nể trong khu vực, thế mà hàng triệu công dân phải bỏ nước ra đi. Trong số 32 triệu dân, khoảng 2,3 triệu người đã vượt biên. Một triệu qua Colombia. Làm sao một nước như Colombia có thể cưu mang một triệu người tị nạn, phải cho họ những phương tiện sống, những điều kiện tối thiểu để tạm cư. Một triệu khác qua Ecuador, Peru hay Chilê.
Khủng hoảng đã kéo dài từ nhiều năm. Từ 2016, 2017 đã có những cuộc biểu tình lớn. Giờ đây, người ta có cảm tưởng như là tình hình tồi tệ hơn nữa, đời sống mỗi ngày mỗi khó làm người dân không còn chút ảo vọng nào đối với ông Nicolas Maduro.
Chưa biết, tình hình sẽ ngã ngũ ra sao nhưng rõ ràng là xu hướng chuyển tiếp càng ngày càng rõ nét. Bây giờ có hai khối đang đối đầu nhau : khối của tổng thống Maduro và khối của tổng thống tự xưng Guaido, được nhiều nước quan trọng ủng hộ như Hoa Kỳ.
Cuộc chiến giành chính danh
Một bên là đối lập, chiếm đa số tại Quốc Hội lập pháp, bên kia là chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro, vừa bắt đầu nhiệm kỳ hai nhưng bị nhiều nước không công nhận tính chính đáng. Hàng chục sĩ quan kêu gọi nổi dậy bị bắt trong khi theo cáo buộc của Nicolas Maduro, nhiều quân nhân đào ngũ thành lập lực lượng « đánh thuê » ở Colombia để lật đổ chế độ hợp pháp.
Nếu tam quyền phân lập là điều kiện tiên quyết để xác định một nền dân chủ thì tại Venezuela có lập luận đặc biệt : hành pháp và lập pháp tiêu trừ nhau. Tái đắc cử năm 2018, Nicolas Maduro không nhìn nhận tính hợp hiến của Quốc Hội bầu lên hai năm trước đó. Quốc Hội Venezuela, do đối lập kiểm soát qua một cuộc bầu cử dân chủ, cũng xem Nicolas Maduro là một tên bịp chính trị, sau khi loại các ứng cử viên đối thủ bằng thủ đoạn bất chính.
Lập luận của chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido như thế nào để biện minh cho quyết định tự xưng tổng thống ?
Thomas Posado, giáo sư chính trị đại học Paris 8, cho biết quan điểm :
Diễn giải Hiến Pháp, Juan Guaido cho rằng Maduro không có tính chính danh. Từ đó, Juan Guaido tự xưng là tổng thống Venezuela. Là một dân biểu đắc cử cách nay 3 năm rưỡi, trong một cuộc bầu cử còn tự do, có sự tham gia của đông đảo dân chúng.
Còn Maduro tái đắc cử vào tháng 05/2018 trong một cuộc bầu cử không minh bạch, nhiều ứng cử viên khác bị cấm, bị gạt qua bên lề. Chính quyền Madoro còn lạm dụng bộ máy Nhà nước để bắt chẹt người dân. Người nào không đi bầu cho Maduro thì bị cắt thẻ trợ cấp thực phẩm. Thế nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu vẫn thấp kỷ lục, tỉ lệ vắng mặt lên đến 54% làm lộ rõ thế yếu của Nicolas Maduro. Trong khi đó, Juan Guaido được hầu hết các nước trong khu vực ủng hộ, từ Brazil của Jair Bolsonaro cho đến Hoa Kỳ của Donald Trump.
Điều 355
Nếu tìm hiểu bản Hiến Pháp Venezuela, do tổng thống Hugo Chavez ký ban hành năm 1999, tức 7 năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự cánh hữu, thì điều 355 quy định như sau : « Nhân dân Venezuela không công nhận bất cứ một chế độ nào, một Quốc Hội nào hay một chính quyền nào đi ngược lại những giá trị, những nguyên tắc và bảo đảm dân chủ hoặc gây tác hại cho nhân quyền ».
Dựa vào Hiến Pháp này, Quốc Hội Vezenuela, bất chấp những hù dọa, cản trở của hành pháp, chỉ định chủ tịch Juan Guaido làm « tổng thống lâm thời » trong khi chờ một cuộc bầu cử mới.
Ai chính danh, ai hợp pháp trong số hai vị « tổng thống » Venezuela ?
Chuyên gia Pascal Drouhaud : Người ta có thể nghĩ rằng có một cuộc đấu giữa « hợp pháp » và « chính danh ». Đúng như thế, bởi vì năm 2015, có một cuộc bầu cử Quốc Hội lập pháp và trong cuộc bầu cử này, đối lập chiến thắng. Trong số dân biểu đắc cử có Juan Guaido và nhiều lãnh đạo đối lập. Thế rồi, Nicolas Maduro từng bước tước đoạt thẩm quyền của Quốc Hội lập pháp. Tòa án tối cao, trong tay Maduro, phủ quyết mọi quyết định của Quốc Hội lập pháp. Đến năm 2017, phe Maduro lập ra một cái « Quốc Hội lập hiến ». Thủ đoạn chính trị này nhằm mục đích vô hiệu hóa Quốc Hội lập pháp, song song với việc thành lập thêm một số định chế mới để « hợp pháp hóa » chính quyền Maduro mà chúng ta thấy rõ qua cuộc bầu cử thiếu minh bạch vào tháng 5/2018 mà cách nay mấy hôm, Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Người lừa đảo có quyền bắt đối thủ tự phong
Do quyền lực nằm trong tay tổng thống Nicolas Maduro và các định chế do ông lập ra thêm như Quốc Hội lập hiến, hay bổ nhiệm tay chân vào ghế lãnh đạo như Tòa án tối cao, tư lệnh các binh chủng, thì rõ ràng là ông mạnh hơn. Tổng thống đắc cử nhờ gian lận, lẽ ra là một can phạm, nhưng có quyền bắt tổng thống tự phong. Trái lại Juan Guaido không thể bắt Nicolas Maduro.
Nhưng nhờ có phối hợp trong ngoài, tương quan lực lượng có vẻ nghiêng về Juan Guaido.
Giáo sư Thomas Posado : Nếu so sánh tương quan lực lượng đồng minh chống lưng giữa hai phe thì Juan Guaido có vẻ mạnh hơn. Juan Guaido được nhóm Lima, với đa số chính phủ cánh hữu ở châu Mỹ Latinh ủng hộ. Ngoài ra còn có Hoa Kỳ, Canada và Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi đó, Nicolas Maduro được các đồng minh truyền thống như Nga, Cuba, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn do quyền lợi kinh tế và vì Venezuela có tài nguyên dầu hỏa dồi dào.
Tuy nhiên, do bị Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế gây nhiều khó khăn cho nên chế độ Caracas hoàn toàn bị bóp nghẹt về tài chính. Thêm vào đó, bản thân Venezuela đã bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá thảm hại. Hệ quả là lần đầu tiên, thành phần dân nghèo có truyền thống ủng hộ chính quyền cánh tả, nay cũng xuống đường chống Maduro.
Trong quân đội cũng có một vài dấu hiệu giới quân nhân cấp thấp không còn tin tưởng ở Maduro, vào khả năng cải thiện tình hình, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngày mai. Thế nào là cuộc sống với với tỷ lệ lạm phát là 10.000.000% ?
Chế độ chưa lung lay vì Maduro còn được một số nước có trọng lượng ủng hộ như Trung Quốc, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… khối quốc tế này chưa muốn bỏ rơi Maduro. Vấn đề là tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn thái độ dứt khóat, tuyên bố thẳng thừng là mọi phương án đã được chuẩn bị để đối phó kể cả trong trường hợp tình hình diễn biến xấu nhất tức là quân đội trung thành với Maduro ra tay đàn áp dân chúng.
Câu hỏi then chốt ở đây là liệu Nga, Trung Quốc có chấp nhận đọ sức với Mỹ và các quốc gia châu Mỹ Latinh để bảo vệ Maduro hay không ?
Khủng hoảng Venezuela sẽ đi tới một khúc quanh khi mà xã hội công dân đứng lên với lập trường ủng hộ đối lập. Tôi muốn nói đến Giáo Hội Công Giáo.
Juan Guaido cũng tỏ ra mà một nhà chính trị thông minh khi cam kết ân xá cho tất cả quân nhân, công chức quay về với nhân dân. Cho đến nay, quân đội vẫn án binh bất động cũng là một thành công của Juan Guaido.
Giáo sư Eduardo Rios Ludena, một nhà phân tích chính trị tại Caracas, dự đoán chế độ Caracas cuối cùng sẽ phải thương thuyết với tân lãnh đạo đối lập (Libération).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét