Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

11093 - Tình báo Mỹ : Bắc Triều Tiên khó từ bỏ vũ khí hạt nhân



Giám đốc cơ quan Tình Báo Quốc Gia Mỹ Dan Coats trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, DC, 02/08/2018.NICHOLAS KAMM / AFP


Theo dự kiến, vào cuối tháng 2/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ họp thượng đỉnh lần thứ hai, rất có thể là tại Việt Nam, để cố khai thông bế tắc trong các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Nhưng hôm qua, khi ra điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, giám đốc Tình Báo Quốc Gia Dan Coats đã dội một gáo nước lạnh vào đầu tổng thống Trump khi khẳng định : Mặc dù đã hứa hẹn sẽ « phi hạt nhân hóa hoàn toàn », Bình Nhưỡng sẽ khó mà từ bỏ mọi vũ khí nguyên tử của họ.
Trong một báo cáo chuyển đến Quốc Hội Hoa Kỳ, ông Dan Coats viết : « Các kết quả thẩm định của chúng tôi tiếp tục cho thấy là có rất ít khả năng Bắc Triều Tiên từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các tên lửa của nước này, cũng như từ bỏ khả năng sản xuất của họ ».
Lãnh đạo Tình Báo Quốc Gia Mỹ nói thêm, mặc dù Bình Nhưỡng đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ hơn một năm nay, cũng như đã tháo dỡ một số phần của các cơ sở có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, « chúng tôi tiếp tục quan sát thấy có những hoạt động không tương hợp với tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn. »
Theo đánh giá của ông Dan Coats, Bắc Triều Tiên chỉ muốn thương lượng các biện pháp phi hạt nhân hóa một phần để đạt được những nhân nhượng quan trọng từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, chứ các lãnh đạo Bình Nhưỡng vẫn xem vũ khí hạt nhân là rất cần thiết cho sự tồn tại của chế độ này.
Tại cuộc gặp lịch sử với tổng thống Donald Trump vào tháng 6 năm ngoái ở Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đúng là đã tuyên bố muốn « phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên ». Nhưng cơ quan tình báo Mỹ lưu ý rằng, cho tới nay, kèm theo việc « phi hạt nhân hóa hoàn toàn », Bình Nhưỡng vẫn đặt điều kiện là Hoa Kỳ chấm dứt sự hiện diện quân sự và ngưng các cuộc tập trận chung trong vùng. Như vậy, Bắc Triều Tiên sẽ còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của chính quyền Trump là « phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được ».
Kể từ sau thượng đỉnh Singapore, các cuộc đàm phán về cam kết mơ hồ nói trên của ông Kim Jong Un đã đi vào bế tắc, do Bình Nhưỡng lại đòi Hoa Kỳ và quốc tế phải giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, trước khi chấp nhận những nhân nhượng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhưng Washington thì vẫn chủ trương là chỉ giải tỏa áp lực kinh tế, một khi chế độ Kim Jong Un từ bỏ toàn bộ các vũ khí hạt nhân.
Từ nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn rất hoài nghi thực tâm phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và đánh giá của họ trong báo cáo trình Quốc Hội hôm qua trái ngược hoàn toàn với thái độ lạc quan quá mức của tổng thống Trump, khi ông vội vã tuyên bố sau thượng đỉnh Singapore rằng Bắc Triều Tiên nay không còn là mối đe dọa hạt nhân đối với Hoa Kỳ nữa. Nói cách khác, đối với giới tinh báo Mỹ, hy vọng của ông Trump về « một bước đột phá » trong đàm phán hạt nhân với Kim Jong Un trong thượng đỉnh lần hai chỉ là hão huyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét