Tôi vừa đọc bài viết “Luật an ninh mạng trước nguy cơ dân túy” của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, thấy rằng đây là một bài viết thừa tiêu chuẩn để được đánh giá là dân túy, vì có nhiều ngụy biện rất nguy hiểm, có lẽ đã dẫn dụ được khá nhiều người đọc. Trong phần I này, tôi xin chia sẻ cùng quý độc giả một vài phản biện về bài viết này. Trong phần II, tôi sẽ chia sẻ tại sao Luật An Ninh mạng lại là một công cụ dân túy.
1.- Vuốt ve
Tác giả mở đầu bài viết bằng việc nêu đích danh Trung Quốc tấn công mạng một công ty gia công phần mềm kế toán Việt Nam, từ đó nâng tầm lên các cuộc tấn công hạ tầng viễn thông quốc gia, một lần nữa lại là từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, tác giả tiết lộ rằng, Việt nam đang dùng rất nhiều thiết bị của Huawei và ZTE. Trước những nguy cơ từ Trung Quốc, tác giả lập luận rằng bảo đảm an ninh mạng là cần thiết. Điều này không chỉ đúng, mà còn là hiển nhiên. Mỗi người Việt Nam đều nghĩ như vậy, trừ một số ít người lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ngay sau đó, tác giả nêu lên các lo ngại của các người dùng internet. Một sự đồng cảm, một sự thấu hiểu là một tiền đề tốt để vấn đề chính dễ đi vào lòng người đọc.
2.- Mục đích chính và những ngụy biện
Đi vào mục đích chính của bài viết, là một đoạn văn gồm 5 câu, trong đó có chứa ít nhất 2 ngụy biện.
Tác giả viết: “Tôi cho rằng lo lắng như thế là thái quá. Nếu không có ý định phạm tội, sử dụng mạng để xâm hại quyền lợi của ai khác, Luật An ninh mạng không thể là con ngáo ộp hay ông thánh ông thần nào đó có thể đe dọa được người sử dụng mạng. Trong 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 18 của Luật An ninh mạng không có điều nào cấm cản hay định tội người dùng mạng đưa ra chính kiến. Có một nhận định rất hay: ‘Nếu bạn không định làm hại người khác, không chống lại luật pháp thì trên trang cá nhân, bạn có quyền nói, đăng bất cứ điều gì bạn muốn, kể cả khi điều đó trái ngược ý kiến với người khác hay bị coi là phản cảm’. Với Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực, tôi tin rằng giá trị của nhận định này vẫn không thay đổi”.
Ngụy biện thứ nhất với điểm bắt đầu là: Nếu có ý định phạm tội thì lo ngại Luật ANM, chính vì thế người lo ngại luật này là người có ý định phạm tội. Nói cách khác, nếu không có ý định phạm tội thì không phải lo ngại Luật này. Như thế là đảo ngược (một) nguyên nhân và kết quả, để từ đó đưa những người phản đối luật này vào thế yếu của kẻ có ý định phạm tội.
Ngụy biện này còn mặc định rằng, chỉ có một nguyên nhân làm một người lo ngại Luật ANM, là có ý định phạm tội, mặc nhiên lờ đi rất nhiều nguyên nhân khác để một người phản đối luật này, trong đó bao gồm sự tôn trọng các quyền cơ bản nhất của con người như quyền riêng tư, quyền phát biểu quan điểm, cũng như lo ngại trước dã tâm đàn áp bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền.
Ngụy biện thứ hai là “Trong 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm… không có điều nào cấm cản hay định tội người dùng mạng đưa ra chính kiến”. Đúng là không có từ ghép “chính kiến” trong văn bản Luật. Tuy nhiên tác giả cố tình lờ đi thực tế là tại Việt Nam, các hành vi dân chủ bình thường ví dụ như phản đối chính sách của Đảng Cộng sản, Chính phủ hay phê bình quan chức Cộng sản (còn rất nhiều hành vi khác không đúng đường lối Đảng Cộng sản, về bản chất là nêu chính kiến) đều bị xem là tuyên truyền chống lại nhà nước, và là một trong những hành vi bị cấm.
Bài viết tiếp tục với một loạt các ví dụ cụ thể. Ví dụ thứ nhất về việc không được tố cáo một cô hoa hậu đút lót để giành vương miện khi không có bằng chứng, điều này đúng. Ví dụ tiếp theo, rằng các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ đã áp dụng Luật An Ninh mạng, và cái cảnh lấy từ phim rằng chỉ vài phút sau khi tin tặc tấn công mạng hay cơ sở dữ liệu, cảnh sáp ập cửa xông vào bắt hết, là một sự so sánh nhố nhăng, vô giá trị. Quốc gia dân chủ nào ngoài Trung Quốc có thứ Luật An ninh mạng với các điều khoản như Việt Nam? Không có một quốc gia nào như vậy! Đem cái đúng, và cái sai trộn lẫn với nhau, để rồi đúng sai lẫn lộn, đấy là mục đích của hai đoạn này.
Phải nói thêm rằng, ngay từ đầu, tác giả đã luôn luôn lấy các ví dụ về tin tặc tấn công mạng, để nói rằng luật này cần thiết, đúng, trong khi nhà cầm quyền đã gài vào trong đó các điều khoản cho phép đàn áp cả người bất đồng chính kiến. Nếu có điều kiện gặp, tôi cũng muốn hỏi vui tác giả rằng, trên phim của các quốc gia dân chủ có cảnh nào cảnh sát ập vào bắt một người phản đối chính quyền hay không?
Tác giả viết: “Một so sánh đơn giản, bạn có thể chê một hoa hậu xấu theo cảm quan của bạn nhưng bạn không thể vu cáo cô gái ấy, gán cho cô những việc mà bạn không có bằng chứng rõ ràng, kiểu như đã hối lộ, đút lót để giành vương miện, dù nhan sắc không xứng một hoa hậu.
Nếu chỉ đơn giản như thế thì có thêm Luật An ninh mạng, trước hết đã gây hoang mang lo lắng cho rất đông các thành phần xã hội để làm gì, khi mà các hành vi vi phạm pháp luật đã có thừa đủ các biện pháp chế tài luật pháp trong Bộ Luật Hình sự? Và thực tế, không chỉ Việt Nam, rất nhiểu quốc gia khác, kể cả quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ cũng đã thực thi Luật An Ninh mạng, phù hợp với hiến pháp, luật pháp của họ. Nếu xem nhiều phim Mỹ, hẳn bạn không lạ gì điều này: chỉ vài ba phút sau khi một tin tặc tấn công vào một mạng hay cơ sở dữ liệu nào đó, đội đặc nhiệm với vũ trang tận răng sẽ đạp cửa xông vào và đè nghiến những người có mặt trong phòng xuống sàn ngay, bất kể có chắc chắn họ có phải là tội phạm, là tin tặc hay không”.
Đoạn tiếp theo, là một sự tấn công vào những người phản đối Luật ANM, rằng họ là những người thích lên mạng chửi bới, mạ lỵ người khác vô căn cứ, và toàn phản dối ở những khía cạnh không tồn tại, hoặc tồn tại nhưng không hiểu rõ. Ngụy biện này không cần bàn cãi, vì bất cứ ai có ý thức nhỏ nhất và tôn trọng giá trị bản thân mình, thể hiện qua sự riêng tư, quyền được biết, được suy nghĩ và phát biểu suy nghĩ, tất sẽ nhận ra. Đây là một sự tấn công cá nhân nhằm hạ thấp uy tín của những người phản đối.
Ngụy biện tiếp theo bắt đầu với phát biểu sau “Luật An ninh mạng hướng tới những mục đích lớn hơn nhiều về an ninh, an toàn cho quốc gia, xã hội về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là mặt chính trị”. Bắt đầu bằng rất nhiều khái niệm lớn lao, ngay sau đó, tìm cách hạ thấp tầm ảnh hưởng của các ý kiến trên mạng (“vài ba phát biểu lăng nhăng của dân chơi mạng xã hội vốn bốc đồng, thiếu chính kiến và không có mấy tác động đối với xã hội”), tác giả phủ nhận mục đích khâu miệng người dân. Xin cần nhắc lại với tác giả rằng, quản lý, định hướng mạng xã hội là một nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản trăn trở suốt thời gian gần đây. Bằng hai câu, tác giả đã biến cái quan trọng thành không quan trọng, cái chính thành cái phụ không đáng lưu tâm.
“Một điều kỳ quặc, những người thích lên mạng chửi bới, mạ lỵ người khác vô căn cứ nhất lại là những người phản đối Luật An ninh mạng nhiều nhất. Và toàn phản đối ở những khía cạnh không tồn tại hoặc tồn tại nhưng người phản đối không chắc đã hiểu rõ. Thực tế, Luật An ninh mạng hướng tới những mục đích lớn hơn nhiều về an ninh, an toàn cho quốc gia, xã hội về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là mặt chính trị. Nó không rảnh và cũng chẳng buồn quan tâm đến việc “khâu miệng” vài ba phát biểu lăng nhăng của dân chơi mạng xã hội vốn bốc đồng, thiếu chính kiến và không có mấy tác động đối với xã hội, cho dù là tác động phá hoại.”
3.- Nguy cơ dân túy
Bài viết chủ đề là “Luật an ninh mạng trước nguy cơ dân túy”, nhưng hơn nửa đầu là các ngụy biện nhằm mục đích nói rằng Luật ANM phiên bản Việt Nam là cần thiết. Nửa phần sau là phần hoa lá về dân túy, cho theo kịp với các sự kiện câu khách trên thế giới gần đây. Có thể do trình độ, năng lực của tôi hạn chế, sự hiểu biết không đáp ứng được yêu cầu, nên không hiểu được khuynh hướng chính trị “bạo động thiên tả khuynh hữu” mà tác giả đã nêu ra. Tôi đoán đó là một thứ gì đó vừa tả, vừa hữu, có kèm bạo động.
Đúng như tôi dự đoán qua cách đưa tin của báo chí chính thống Việt Nam, sẽ có lúc phong trào Gilets jaunes được sử dụng cho mục đích tuyên truyền “Rõ nét và dễ thấy nhất là phong trào Gillet vàng ở Pháp vừa qua. Khởi đầu, nó mang tính chất biểu tình sự bất bình của quần chúng lao động lớp dưới trong xã hội (nhất là trong cộng đồng người lao động nhập cư)”.
Thứ nhất, khẳng định “nhất là cộng đồng người lao động nhập cư”, chứng tỏ tác giả không hiểu gì về phong trào này. Nòng cốt của phong trào này là những cư dân vùng nông thôn, người Pháp chính gốc. Nhưng phong trào này cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của dân cư Pháp (tỷ lệ dao động trong khoảng 65-75%, tùy thời điểm, nhưng kể cả khi có đụng độ tỷ lệ này cũng không xuống thấp).
Khởi đầu của phong trào không chỉ là việc tăng thuế xăng dầu như một biện pháp nhằm giảm khí thải ra môi trường, mà là các bất mãn về các chính sách ảnh hưởng tới công bằng xã hội (như xóa thuế đoàn kết trên các tài sản lớn ISF, cắt giảm dịch vụ công tại các vùng nông thôn (hành chính, y tế, giáo dục, bưu điện), vv.) , cho tới một số phát ngôn và cách xây dựng hình ảnh quyền lực của tổng thống đương nhiệm. Quan trọng hơn cả là việc sức mua (pouvoir d’achat, nói cách khác, mức sống) của những cư dân này sụt giảm, sự thụt cấp trong xã hội (déclassement social) cũng như nỗi lo lắng cho các thế hệ tương lai.
Không chỉ về kinh tế, phong trào còn đòi hỏi các các cách về chính trị, không chỉ là một vài bộ luật, mà là thay đổi cả hiến pháp nền Cộng hòa đệ ngũ. Tiêu biểu nhất là đòi hỏi áp dụng một cơ chế dân chủ trực tiếp (RIC), nơi người dân có thể bỏ phiếu trên các vấn đề quan trọng thu hút đủ số lượng chữ ký công dân quan tâm (mô hình Thụy Sỹ), kể cả việc phế chức một vị do dân bầu (bao gồm cả Tổng thống), chứ không hoàn toàn dựa vào cơ chế dân chủ đại diện thông qua các kỳ bầu cử tự do.
Những gì mà báo chí chính thống Việt Nam đăng tải “Paris ngập trong biển lửa”, “Bạo loạn khắp Paris”… đem lại một ấn tượng hãi hùng về phong trào này. Thứ nhất, tại Paris, phong trào chỉ diễn ra ở một vài điểm (chủ yếu là đại lộ Champs-Élysées, một vài phố nhỏ khác vào các ngày thứ 7, chứ không phải toàn thành phố). Thêm nữa, biểu tình diễn rất hòa bình tất cả các ngày trong tuần ở khắp nước Pháp, nơi những giao lộ. Những cảnh đập phá, đốt cháy tại Paris, chỉ là một phần nhỏ. Đây là hành vi của các nhóm kích động (những người vô chính phủ Anarchistes, những người cực hữu RN, hoặc cực tả, hoặc các nhóm tự do như Black bloc), vốn luôn tìm cách trà trộn vào các đoàn biểu tình để phá đám (ví dụ 1.5.2018). Tất nhiên những người quá khích này bị bắt rất nhiều trong những cuối tuần qua.
Là ngụy biện nếu đưa một nhóm nhỏ, không thuộc phong trào Gilets jaunes để làm giảm uy tín của nó. Nhưng đấy là cách báo chí Việt Nam làm, và tác giả bài viết đang phân tích đang làm, để chứng tỏ với người dân rằng tự do, biểu tình sẽ dẫn tới bạo động, đập phá. Không biết có báo chí Việt Nam nào đăng tin những cuộc biểu tình này đã dẫn tới những nhượng bộ từ phía chính phủ theo hướng có lợi cho người dân (tăng lương tối thiểu 100 euros/ tháng, hủy tăng thuế xăng dầu v.v…) cũng như một cuộc thảo luận quốc gia về các chính sách/biện pháp trong tương lai, nơi người dân có quyền nêu các ý kiến của mình và được xem xét.
Với những hiểu biết trên, đọc nhận xét sau của tác giả, tôi đánh giá ông ta không hiểu những gì ông ta viết (như đã phân tích ở trên), hoặc cố tình sử dụng sự ngụy biện để thay đổi bản chất vấn đề, từ đó đưa ra một sự liên hệ, bắc cầu khập khiễng (cũng có thể là cả hai khả năng): “Gọi là đấu tranh nhưng đám đông cũng không có mục đích rõ ràng, chỉ ngày càng nhiều hơn những hành vi tập thể thiên về đập phá, gây rối và không ngần ngại tạo ra những xung đột, xô xát với cơ quan chức năng giữ gìn an ninh trật tự. Những cuộc tụ tập lực lượng đều được loan truyền theo cấp lũy thừa trên mạng xã hội nên không thể phát hiện và ngăn chặn. Và cuối cùng là tình trạng mất kiểm soát, xô xát và đổ máu, tàn phá cả cơ sở vật chất lẫn sự bình an tinh thần cho xã hội”.
Nhìn cảnh đụng độ và đốt phá trong các cuộc biểu tình Pháp, không ai có thể vui. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ở Pháp, năm nào cũng có biểu tình lớn nhân dịp các cải cách về nhiều mặt. Họ biểu tình để phản đối. Họ cũng biểu tình để ủng hộ. Đấy là cách người dân thường tập hợp nhau lại, thể hiện ý kiến tập thể. Đấy là một quyền hiến định của công dân, cao hơn cả, đấy là một quyền cơ bản của con người. Nhờ quyền ấy, người dân có thể tác động để chính quyền thay đổi. Không vì có một số nhỏ người phá phách mà chính quyền Pháp tước đi quyền ấy của công dân. Trái lại, họ tìm cách làm hài lòng người dân, để tránh những cuộc biểu tình nhiều nhất có thể. Xin nhắc lại, tránh xảy ra biểu tình, chứ không phải là cấm biểu tình.
Bài viết này còn có một số ngụy biện khác, ví dụ việc nhắm vào tâm lý lo sợ tấn công mạng từ Trung Quốc, hay tỏ ra thấu hiểu các lo ngại về Luật ANM, nhằm chiếm thiện cảm của người đọc ngay từ đầu, hòng dễ bề dẫn dắt. Thêm nữa là việc sử dụng một cái tên của một người “am hiểu rất sâu về lĩnh vực quản trị và khai thác mạng”, với chức danh là Giám đốc một công ty gia công phần mềm kế toán mà tôi không thể tìm được quy mô, nhân sự, cũng như khách hàng http://nexsoft.vn/en/customer.html. Tôi nghi ngờ sự thật rằng một công ty như thế bị tấn công mỗi giây (ngụy biện không thể kiểm chứng).
4.- Cần phải hiểu thế nào
Như đã phân tích ở trên, chỉ trong một bài viết khá ngắn gọn, dễ đọc, dễ thấu, tác giả đã lồng ghép rất nhiều những thủ thuật đơn giản, nhưng tinh vi, và chắc chắn đã dẫn dắt được khá nhiều người đọc tới cách nhìn, cách hiểu mà ông ta mong muốn. Những điểm tôi đã chỉ ra, nếu tác giả đọc được, và muốn phản bác, hoàn toàn có thể làm công khai như tác giả vẫn làm.
Về phần độc giả, tôi nghĩ sẽ đồng tình với tôi, rằng đem những cái sai, cái xấu trà trộn vào những cái đúng, cái tốt, là một thủ đoạn rất hiệu quả.
Trong phần II của bài viết, tôi sẽ trình bày quan điểm của tôi về việc Luật An ninh mạng sẽ bị sử dụng như một công cụ dân túy bởi Tuyên giáo Cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét