“Ngụy quyền”, “tay sai giặc Mỹ”, “chính quyền bù nhìn của đế quốc Mỹ”.
Đây là những phản hồi tôi thường nhận được khi hỏi một vài bạn trẻ (ít nhất là trẻ hơn tôi) về Việt Nam Cộng hoà. Pháp luật Việt Nam Cộng hòa, theo đó, có thể được xem là một thứ pháp luật đàn áp, tàn độc, là thứ pháp luật “lê máy chém đi khắp miền Nam”.
Câu hỏi đặt ra là, với một hệ thống pháp luật đơn giản một chiều như vậy, làm sao quốc gia này có thể tồn tại tròn 20 năm và đạt được nhiều thành tựu thời chiến đáng ghi nhận cả về kinh tế, khoa học – công nghệ và đặc biệt là giáo dục khi so sánh với mặt bằng chung của quốc tế? Các mối quan hệ dân sự tại VNCH phát triển và được bảo vệ đến mức nào, hay chỉ tương tự như miền Bắc Việt Nam?
Đây là những câu hỏi rất khó để trả lời, vì lịch sử nhà nước và pháp luật của VNCH vẫn còn là đề tài nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ trong bất cứ cuộc trò chuyện nào của người dân Việt Nam, dù là thảo luận khoa học hay chỉ là tán gẫu.
Vậy nên, “Án lệ vựng tập”, một quyển sách công phu dày đến hơn 750 trang của thẩm phán, Chánh án Trần Đại Khâm, quả là một tài liệu quý giá.
Song, với một công trình đồ sộ như thế, không phải bạn đọc nào cũng có thời gian dò xét toàn bộ quyển sách. Dưới đây, tác giả điểm lại một số đặc điểm thú vị của hệ thống pháp luật và án lệ VNCH cả về dân sự, điền địa, lao động, lẫn nhà phố, thương mại, hình sự, quân sự và hành chính, hy vọng có thể kích thích trí tò mò của độc giả.
Tính kế thừa của pháp luật Việt Nam Cộng Hòa
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước nay được xem là kế thừa tính chính danh của chính quyền vua Bảo Đại, vậy nên các luật gia VNCH có xu hướng chấp thuận di sản pháp luật mà người Pháp để lại.
Điểm đáng chú ý về vấn đề này là quyển sách ghi nhận thời điểm Việt Nam thu hồi chủ quyền tư pháp là vào năm 1949. Dấu mốc này có thể ám chỉ đến Hiệp ước Elysée (Elysée Accords), văn bản thỏa hiệp giữa cựu hoàng Bảo Đại và chính phủ Pháp, chính thức trao lại nhiều chủ quyền tài chính, quân sự và quản lý nhà nước quan trọng cho Việt Nam.
Trong tổng hợp các án lệ, tòa án VNCH cũng như nhiều học giả vẫn dẫn chiếu và sử dụng Nghị định ngày 16/3/1910 (do Toàn quyền Đông Dương ban hành) để định hướng xử lý trình tự và thủ tục tố tụng của toà án. Nghị định này cũng được nhắc đến trong Sắc lệnh 03 của Hồ Chí Minh, Chủ tịch Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, liên quan đến luật áp dụng kể từ năm 1946. Văn bản pháp quy về mặt nội dung được ban hành trước năm 1945 như Sắc lệnh Điền thổ hay Hoàng Việt Hộ luật năm cũng đều được công nhận hiệu lực và áp dụng trong một số trường hợp.
Việt Nam Cộng hòa theo truyền thống pháp luật Dân luật (Châu Âu lục địa) hay Thông luật (Anglo-Saxon)?
Có nhiều tiêu chí để phân biệt các truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa và Anglo Saxon. Một trong những tiêu chí dễ nhận thấy nhất là việc hệ thống Anglo Saxon công nhận các bản án của các cấp toà như là một phần của hệ thống pháp luật và gọi nó là án lệ. Trong khi đó, các tòa thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa có thẩm quyền hạn chế hơn, chỉ ở mức giải thích và vận dụng văn bản pháp luật thay vì sáng tạo và đưa ra các nguyên tắc pháp luật mới.
Với tên gọi “Án lệ Vựng tập”, quyển sách có thể khiến cho độc giả nghĩ rằng pháp luật VNCH có xu hướng của Thông luật. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Văn bản pháp luật vẫn là nguồn chính yếu của pháp luật VNCH. Tuy nhiên, có vẻ như tòa án VNCH có một số quyền lực nhất định trong việc giải thích và quy định các trình tự thủ tục tố tụng thuộc thẩm quyền của mình. Điều này dẫn đến việc ta có thể xem xét sự giao thoa nhất định của hai truyền thống pháp luật trong hệ thống pháp luật VNCH.
Bảo vệ an toàn lao động ngay từ những năm 1950
Theo một bản án vào năm 1957, ông Ngô Văn Ba chết khi đang làm việc cho một xưởng sửa xe máy. Nguyên cớ là vì ông tự mình làm vỡ tủ kiến, bị cắt nhiều chỗ trên cơ thể và mất nhiều máu; không phải do máy móc hay công việc của xưởng giao cho. Dẫu vậy, theo pháp luật VNCH, ngay cả khi ông chết không phải do tác động trực tiếp từ máy móc, công cụ hay lỗi của chủ lao động, thì chủ lao động vẫn có trách nhiệm bồi thường cho ông.
Thêm vào đó, việc chi tiền, thỏa hiệp với người thân để bãi nại (không theo đuổi vụ kiện, không khởi kiện bên gây thiệt hại) là không có hiệu lực trong những vụ gây tổn hại sức khỏe, tính mạng. Quyền kiện đòi bồi thường trong những vụ việc này là tuyệt đối.
Quyền sở hữu bất động sản khá phát triển và hiện đại
Quyền sở hữu đất đai (không phải quyền sử dụng như hiện nay) của công dân được bảo hộ tuyệt đối bằng quá trình “đăng bộ”. Trong đó “bằng khoán” là minh chứng cho việc công nhận quyền sở hữu của mình.
Vật quyền trên bất động sản cũng cần phải được đăng tịch mới có thể làm bằng cớ để phản bác cáo buộc của bên thứ ba (đệ tam nhân).
Trách nhiệm, lỗi và yêu cầu bồi hoàn từ hành vi của công chức
Lỗi của công chức nhà nước được chia làm hai loại trong pháp luật VNCH, gồm lỗi chức nghiệp (faute de service) và lỗi cá nhân (faute personnelle). Nếu người khởi kiện cho rằng đó là lỗi chức nghiệp của công chức, tức là công chức tuân thủ đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, thì cơ quan của công chức ấy sẽ bị kiện trước tòa án hành chính. Nếu công chức phạm lỗi cá nhân thì sẽ bị khởi kiện trước tòa án dân sự.
Tuy nhiên, để đảm bảo rằng công dân bị thiệt hại có nhiều quyền nhất có thể khi kiện đòi bồi thường, lỗi cá nhân sẽ không loại trừ lỗi chức nghiệp. Nạn nhân vì vậy có thể đòi bồi thường vừa từ phía cơ quan nhà nước, vừa từ phía công chức.
Các chế định pháp lý dân sự phát triển ở trình độ phát triển cao và khá chi tiết
Đối với các hợp đồng (khế ước) nhằm che giấu một mật ước đằng sau thì chỉ có mật ước có hiệu lực pháp lý. Song do bản chất thực sự của khế ước bị che giấu, mật ước sẽ không thể tác động đến quyền và lợi ích của bên thứ ba.
Hay đối với nghĩa vụ liên đới, các án lệ thời kỳ đầu của VNCH cũng cho thấy lý luận pháp lý của các tòa tại Việt Nam không thua kém các tòa dân sự trên thế giới.
Nghĩa vụ liên đới đối với vật vô tri thì chỉ được xác lập trong trường hợp luật định hay có cam kết liên đới. Một số án lệ phân biệt rạch ròi giữa nghĩa vụ liên đới đối với đồ vật vô tri và các loại tài sản khác như nhà ở. Trong trường hợp người bán đồ vật vô tri (như xe hơi, xe máy) đã bán và hoàn thành việc chuyển giao đồ vật thì họ không phải chịu trách nhiệm gì về tai nạn mà chiếc xe đó gây ra. Ngược lại, nếu chủ sở hữu chỉ giao quyền chiếm hữu, sử dụng tạm thời cho một cá nhân khác thì họ luôn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với tai nạn tương tự.
Đối với nghĩa vụ liên đới trong tiền thuê nhà, cần xác định ranh giới giữa người thuê chính của căn nhà và những cá nhân thuê lại căn phòng trong căn nhà một cách riêng biệt. Người thuê lại căn phòng chỉ chịu trách nhiệm về tiền thuê nhà và những thiệt hại trong phạm vi căn phòng họ thuê lại.
Các chế định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tiếp nối và phát triển ngay từ năm 1941?
Hai văn bản pháp lý thường được sử dụng trong các tòa án VNCH để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc khu vực này là Dụ số 9 ngày 24/2/1941 quy định về quyền sở hữu văn chương, mỹ thuật và kỹ nghệ.
Việc ký nạp tác phẩm (có thể hiểu là đăng ký thông tin tác phẩm) được thực hiện tại Bộ Quốc gia Giáo dục. Tuy nhiên, việc ký nạp tác phẩm chỉ làm cơ sở xem xét hành vi xâm phạm quyền “trước tác” là có thể tố cáo tại Tòa Hình sự. Nếu tác phẩm chưa được ký nạp, tác giả hoặc người kế quyền vẫn có thể thưa kiện trước Tòa Dân sự.
Các khái niệm quyền sở hữu trí tuệ hiện đại như nhãn hiệu, sáng chế cũng được chính quyền VNCH học hỏi và áp dụng từ rất sớm.
Khác với pháp luật Việt Nam hiện nay, các án lệ VNCH liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ khẳng định rằng việc ký nạp nhãn hiệu chỉ có hiệu quả tuyên nhận, mà không có hiệu quả kiến tạo. Điều này có nghĩa là hành vi đăng ký chỉ là bắt đầu sự thừa nhận của chính quyền đối với quyền sở hữu nhãn hiệu. Như vậy, việc một nhãn hiệu đang tồn tại, chưa được ký nạp, không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể đăng ký nó thuộc quyền sở hữu của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét