Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

192 - Kỷ luật ông Lê Thanh Hải có phải là 'đánh trống bỏ dùi'?



Hình minh họa. Ông Lê Thanh Hải và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Sau kỳ họp thứ 42 từ ngày 3 đến 8 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo xem xét đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời.
Tuy nhiên hàng trăm hộ dân tại đây đến giờ vẫn đi khiếu kiện ra trung ương vì cho rằng việc giải tỏa, đền bù không hợp lý, không đúng chủ trương của Chính phủ.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành Ủy mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 8/1/2020, nhà báo Sương Quỳnh – một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định liên quan việc này:
“Thực tế với những sai phạm của ông Hải, và thời đó ông Lê Hoàng Quân là Ủy viên Trung ương đảng cũng bị dính dáng, rồi ông Nguyễn Văn Đua, Vũ Hồng Việt… đều phải có trách nhiệm đối với những sai phạm ở thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ có Thủ Thiêm, mà cả những quận lân cận khi mở rộng. Do đó về mặt đảng, họ kỷ luật là đương nhiên, là cách của họ, và cách đó cũng như cách rung cây dọa khỉ.”
Theo nhà báo Sương Quỳnh, ‘rung cây dọa khỉ’ là nhằm để những người sai phạm phải ‘chạy lên chạy xuống lo lót’, hay những người có thể liên quan cũng phải lo như vậy.
Ngoài ông Lê Thanh Hải, còn có một số lãnh đạo cấp cao khác của thành phố, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có sai phạm là: ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố…
Một dân oan Thủ Thiêm, mục sư Nguyễn Hồng Quang, khi trả lời RFA hôm 8/1, nói:
“Cái sai phạm của ông Lê Thanh Hải là khi làm Bí thư Thành ủy TPHCM, là Chủ tịch UBND TPHCM, là người chỉ đạo cho anh Nguyễn Văn Đua, ký bác quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt liên quan Thủ Thiêm. Chính quyền TPHCM, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, đã vi phạm nghiêm trọng, hỗn quan, hỗn quân, đảo lộn trật tự pháp lý quốc gia, khi bác các văn bản quy phạm pháp luật của cấp thẩm quyền trực thuộc trung ương, như vậy không kỷ luật mới là lạ.”
Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một dân oan Thủ Thiêm, giải thích thêm với RFA hôm 8/1, về việc ông Lê Thanh Hải đã tự ý thay đổi nhiều nội dung trong quyết định 367 của chính phủ:
“Quyết định này tồn tại hai điểm quan trọng là 160 hecta dành cho tái định cư và 5 khu phố ngoài ranh. Đằng này ông Hải lấy hết và tuyên bố không cần tập trung 160 hecta để tái định cư, mà tái định cư ở những khu nhỏ, rồi lấy 160 hecta chia cho 52 công ty để bán. Rồi lấy thêm một trăm bốn mươi mấy hecta từ các phường như Cát Lái, An Lợi Đông… để bù vô khoảng thiếu hụt 160 hecta. Việc làm của Lê Thanh Hải là cực kỳ sai trái.”
thu thiem
Một người dân Thủ Thiêm bị mất đất Courtesy of zing.vn
Vào năm 1996, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính: Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha. Thời điểm này, Thủ Thiêm vẫn thuộc Huyện Thủ Đức, chưa thuộc Quận 2 như hiện nay.
Khu Đô Thị Thủ Thiêm hiện thuộc Quận 2, chỉ cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông, nơi mỗi mét vuông đất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, mức đền bù 18.380.000 VND/ một mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng.

Đánh trống bỏ dùi?

Theo ông Nguyễn Đình Đệ, nếu chỉ kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì người dân không đồng tình. Theo ông, trong điều 16 Hiến pháp, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai là phải xử lý, chứ không thể đánh trống bỏ dùi, như vậy cán bộ sẽ tiếp tục sai phạm. Ông nói tiếp:
“Tôi là người phát biểu đầu tiên ở khu Thủ Thiêm, yêu cầu xử lý Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bắt những người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cách đây hơn một năm, khi họp trước Đại biểu Quốc hội, trước mặt Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Nhân. Mọi người rất ngạc nhiên khi tôi mạnh miệng nói vậy.”
Trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải, vào ngày 26 tháng 12 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, đã quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức tước bỏ các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy… vì đã vượt thẩm quyền trong phê duyệt và ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường đắt đỏ dài 12 km, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Trong mắt người dân Thủ Thiêm, ông Tất Thành Cang là một nhân vật được gọi tên là “sát thủ”, khi được đưa về Thủ Thiêm để thực hiện những sai phạm do thành phố chủ trương.
Trước khi ông Lê Thanh Hải bị đề nghị xem xét kỷ luật, hàng loạt quan chức thân cận dưới thời của ông Lê Thanh Hải như cựu phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang, các cựu phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín cũng lần lượt đều bị kỷ luật và cách chức vì các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là liệu mức độ kỷ luật mà ông Hải sẽ phải chịu sẽ như thế nào?
Liên quan vấn đề này, Nhà báo Sương Quỳnh, nhận định:
“Theo tôi biết, trước tiên nếu như thật sự sẽ có chuyện xử lý ông Lê Thanh Hải đến mức vào tù như ông Son, ông Tuấn, thì việc đầu tiên họ sẽ kỷ luật. Trong giai đoạn kỷ luật, họ sẽ xem xét, cân nhắc… Tất nhiên sẽ có ông thoát, nhưng có ông cũng sẽ vào lò như cách nói của ông Trọng. Theo tôi đoán là có khả năng (ông Hải vào lò …”
Theo Nhà báo Sương Quỳnh, nếu ông Nguyễn Phú Trọng đưa được ông Lê Thanh Hải và những người được cho là thuộc “phe” của ông vào tù, thì bà rất ủng hộ.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm chia sẻ suy nghĩ của ông liên quan việc kỷ luật ông Hải:
“Việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì người dân đã yêu cầu cả chục năm qua rồi, tới giờ phút này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đề xuất kỷ luật, phần nào cũng làm người dân Thủ Thiêm nguôi ngoai phần nào nỗi uất hận. Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ nói thật, làm thật, chứ không ‘giơ cao đánh khẽ’.”
Còn Bà Lung, cũng là một dân oan Thủ Thiêm thì bày tỏ hy vọng, qua việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải thì những khiếu kiện của bà con dân oan Thủ Thiêm sẽ được giải quyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét