Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

292 - 04/11/1979: Sinh viên Iran tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ



04


Vào ngày này năm 1979, hàng trăm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hơn 60 con tin người Mỹ. Nhóm sinh viên này ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ Ayatollah Khomeini. Họ đòi trục xuất nhà lãnh đạo bị lật đổ của Iran, Shah Mohammed Reza Pahlevi, người đã trốn sang Ai Cập hồi tháng 1/1979, và tới tháng 11 thì được điều trị ung thư tại Mỹ. Sau cuộc tấn công của sinh viên, Tổng thống Jimmy Carter đã ra lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Iran.
Lệnh cấm vận này chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đã diễn ra từ đầu năm 1979. Một cuộc đình công trên các giếng dầu Iran và cuộc cách mạng vào tháng 1 đã làm gián đoạn nguồn cung dầu từ nước này. Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng tăng giá dầu xuất khẩu.
Tất cả đẩy giá dầu lên mức cao nhất mọi thời đại. Tính đến thời điểm sinh viên chiếm Đại sứ quán vào tháng 11, người Mỹ đã phải đối mặt với hậu quả của cuộc khủng hoảng này: rất nhiều người xếp hàng ở trạm bơm, tranh nhau vì xăng dầu thiếu hụt, và thất vọng với những chiếc xe hao xăng do các hãng xe Mỹ sản xuất.
“Cú sốc dầu mỏ” này nhắc nhở người Mỹ về cuộc khủng hoảng dầu 1973 – 1974, khi cấm vận của OPEC đã đẩy giá xăng dầu tăng vọt. Vào thời điểm cấm vận kết thúc, giá gas bán lẻ trung bình tăng từ 38 cent/gallon lên đến 84 cent/gallon. Kết quả là việc chạy xe hơi hạng nặng của Mỹ trở nên cực kỳ đắt đỏ, nhiều chiếc tốn cả gallon xăng để chạy chưa tới 10 dặm! Nhiều người đã bán chiếc xe hơi “khổng lồ” của mình để mua những chiếc xe nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tình trạng này dẫn đến một kết thúc chẳng mấy tốt đẹp đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ, những người đã vội vã đưa ra thị trường một số loại xe nhỏ hơn nhưng lại không kiểm tra kỹ lưỡng, khiến họ bị mang tiếng là không đáng tin và chất lượng chế tạo kém. Khi cuộc khủng hoảng lắng xuống, hầu hết các mẫu xe của các nhà sản xuất trong nước đã bị vứt xó tại đại lý.
Khủng hoảng con tin năm 1979 làm phức tạp thêm khủng hoảng năng lượng. Thực tế, có nhiều nhà sử học tin rằng sự kết hợp của hai sự kiện này đã khiến Tổng thống Carter mất chức. Tuy nhiên, vẫn có một vài người được hưởng lợi. Chẳng hạn, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã gầy dựng danh tiếng là người sản xuất các mẫu xe giá rẻ, đáng tin cậy, hoạt động hiệu quả, đặc biệt thích hợp với giai đoạn thắt lưng buộc bụng. Mẫu sedan của các hãng Datsun, Subaru, Toyota và Honda là những chiếc xe thành công nhất năm 1979. Tất cả đều nhờ khủng hoảng năng lượng để giành được chỗ đứng lâu dài trong thị trường Mỹ.
Tháng 4/1980, Tổng thống Carter đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với chính phủ Iran, nhưng sau khi sứ mệnh giải cứu tuyệt mật bị thất bại, ông buộc phải tiếp tục đàm phán với chế độ Khomeini. Bất chấp nỗ lực giải cứu con tin của Carter, ông đã không thể giúp họ được tự do khi còn là Tổng thống. Phía Iran cuối cùng đã chịu thả con tin vào ngày 20/01/1981, chỉ vài phút sau khi tân Tổng thống Ronald Reagan hoàn thành phát biểu nhậm chức.
Nguồn: Iranian students storm U.S. embassy in Tehran, leading to oil embargo, History.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét