Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

224 - Bạo lực trước Tết và đối đầu trên mạng



Đồng Tâm


Có lẽ xoay ngược đầu nhiều lần thì những vị cộng sản lão thành cũng không thể hình dung nổi có một sự kiện Đồng Tâm như đã diễn ra rạng sáng 9/1/2020. Đồng Tâm là điểm nóng truyền thông từ vài năm nay. Phía nhà nước làm tuyên truyền rất tốt: có đủ trên báo chính thống, trên các kênh gặp mặt trực tiếp tại chỗ, từ các KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng), và gần đây, theo những thông tin 'lề trái' là phát cả trên loa phóng thanh công suất cao vào làng. Chỉ cần muốn tìm hiểu thì không thiếu thông tin nào trên mạng.
Phía "dân Đồng Tâm" cũng vậy. Tôi đặt cụm dân Đồng Tâm vào ngoặc kép vì theo nhiều clip quay trực tiếp trên mạng thì không phải tất cả người dân Đồng Tâm đều có ý chí ngược lại với phía nhà nước trong chuyện này.
Tức là thông tin, lập luận của hai phe đối đầu đều không thiếu.
Nhưng, cả hai phe ấy đều mới chỉ dừng ở 'truyền' chứ đều chưa đạt được mức 'thông'.
Đơn cử, trong vụ rạng sáng 9/1/2020, người quan sát xem được chủ yếu hai clip được quay từ phía "dân Đồng Tâm" và phía lực lượng trấn áp. Clip phía "dân Đồng Tâm" thông báo rằng, công an đã bắn súng, ném lựu đạn và bắn hơi cay. Clip phía trấn áp lại cho thấy vô số chai bom xăng ném ra từ làng.
Tất cả các thông tin khác, như số người chết, bị thương, rồi lý do, bối cảnh… cũng vậy. Tất cả đều chỉ do hai phía đưa ra. Hoàn toàn không có thông tin nào của các bên thứ ba quan sát độc lập. Xét về mặt thông tin, như vậy là thất bại, vì nó không khách quan, khiến người xem dễ sa vào thiên kiến và phiến diện.
Về thời điểm trấn áp, phía nhà nước cầm chắc thua. Văn hóa truyền thống Việt Nam xem Tết Nguyên đán là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm. Đặc biệt, với làng xã miền Bắc, tháng Chạp đã là tháng Tết, và mọi người, mọi điều đều hướng đến sự sum vầy, vị tha. Trấn áp những người bất đồng trong một cuộc tranh chấp vào sáng 16 tháng Chạp là công nhiên thách thức truyền thống đó.
Thời điểm giống Lộc Hưng - Hà Nội chẳng thua TPHCM
Không ngạc nhiên khi có những nghi ngờ rằng, việc chọn thời điểm nhạy cảm này để trấn áp "dân Đồng Tâm" chỉ khẳng định ý chí của nhà nước muốn dân Đồng Tâm nhà tan cửa nát, giống với vụ vườn rau Lộc Hưng năm ngoái, vốn đầy phản cảm.
Chọn khoảng 4 giờ sáng để "cưỡng chế nhóm chống người thi hành công vụ" thì càng khiên cưỡng hơn nữa. Vì việc xây tường rào sân bay Miếu Môn không nhất thiết phải thực hiện vào lúc 4 giờ sáng. Giờ ấy, tôi đoán cũng không có người dân nào đi ra cản trở hay phá việc xây dựng tường cả.
Cơ hội để thuyết phục rằng "cái đúng thuộc về phía nhà nước" đã bị bỏ qua, hay nói đúng hơn là không hề được tính đến.



Tranh chấp của các hộ gia đình ở Đồng Tâm chưa đông bằng một khu phố, nhưng nay đã thành một điểm nóng. gay gắt trên truyền thông nước ngoàiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTranh chấp của các hộ gia đình ở Đồng Tâm chưa đông bằng một khu phố, nhưng nay đã thành một điểm nóng. gay gắt trên truyền thông nước ngoài

Nếu sự việc Đồng Tâm xảy ra vào vài tháng sau Tết, và vào ban ngày, để rồi sau đó, khi có những chống đối quyết liệt của người dân tấn công phía nhà nước, có lẽ giới quan sát sẽ có nhiều cơ sở để nhận xét khách quan hơn.
Quy trình xử lý sự việc cũng không thể chấp nhận được. Về nội dung, đây là vụ tranh chấp đất, phải được giải quyết theo Luật Dân sự và ở tòa án, theo chứng cứ và lý lẽ, giữa những luật sư bảo vệ cho các bên.
Nếu có hành vi vượt ngưỡng dân sự ở bất cứ phía nào, trở thành vi phạm hình sự thì tòa án dùng luật hình xử lý hành vi ấy và chỉ hành vi ấy mà thôi. Không thể để như hiện tại, vụ việc dân sự đã bị đẩy hết mức về phía bất lợi nhất cho chính quyền, với những bằng chứng khá rõ rệt về việc dùng bạo lực trấn áp dân.
Cả hai bên cho đến giờ này đã tỏ ra đối đầu đến nỗi đứng ở hai đầu chiến tuyến, mà thực ra tôi cũng không biết sự việc có đến mức ấy không. Những phát ngôn của "dân Đồng Tâm" tuy rất sắt máu, rất quyết tử, nhưng dù sao cũng chỉ là "media", là truyền thông.
Mà với kinh nghiệm riêng của tôi, người Nam, thì không ít bạn ở Bắc có một đặc điểm là giữa "media" và hành động có khoảng cách không nhỏ.
Thế nhưng, bản chất cách xử lý vụ việc của họ trên mạng xã hội lại giống nhau đến lạ kỳ: cả hai bên đều cực đoan, đều sôi nổi ném đá và ném chất thải vào nhau, đều hả hê thậm chí cười sằng sặc khi người phe bên kia chết, đều nguyền rủa đào bới tông ti tiên tổ nhà nhau ra… và chẳng ai nhận rằng phe mình không thể hoàn toàn đúng trong mọi điều.
Bi kịch nhất, không phải chỉ riêng những người đã tử nạn nằm ở chỗ một cuộc tranh chấp tuy rất gay gắt nhưng chưa ai tổn thương thân thể, cuối cùng đã dẫn đến cái chết mà có thông tin cho là gần chục mạng người. Bất đồng đã biến thành căm thù.
Sẽ rất khó hoặc không thể trở về điểm xuất phát vốn khá hòa bình để giải quyết tranh chấp được nữa. Dưới góc độ này, cả hai bên đều thua trắng; năng lực xử lý vụ việc của cả hai bên đều vô cùng tồi tệ.
Đồng Tâm, về quy mô dân số chỉ là một làng nhỏ. Nếu căn cứ vào các thông tin trên mạng xã hội từ cả hai phía thì nhóm "dân Đồng Tâm" càng nhỏ hơn nữa, chỉ quanh quẩn trong vòng vài chục người thuộc 14 gia đình.
Thế nhưng tranh chấp của 14 gia đình ấy (thôi cứ cho gấp đôi lên, 28 gia đình như nhà văn Nguyên Bình ở Hà Nội xác định), vốn chưa đông bằng một tổ dân phố, lại đã trở thành điểm nóng gay gắt trên báo chí toàn thế giới, với những từ khóa chỉ một màu bạo lực, thậm chí kinh rợn, như "thiêu sống", "phi dao", "đâm chết", "quân đội giết dân", "công an giết dân"...
Sau rạng sáng 9/1/2020, lịch sử Việt Nam giai đoạn này đã vấy thêm những điểm đen khó phai mờ, tiếp tục khắc vào ý thức của người dân hình ảnh một nhà nước có những quan chức bạo lực và vô cảm.
Tuy nhiên, tất cả những điểm đó vẫn chỉ là thành tố phụ trong mớ nguyên nhân dẫn đến sự kiện Đồng Tâm.
Nguyên nhân chính yếu, cốt lõi mà nếu không được giải quyết triệt để sẽ tiếp tục dẫn đến những Đồng Tâm khác là sự lúng túng, bất nhất trong các quy định của Luật Đất đai, cũng như quá trình thực hiện nó.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong cuộc tọa đàm với BBC News Tiếng Việt, có nêu ý kiến: Cánh đồng đang tranh chấp vốn của người dân sở hữu canh tác từ cả nghìn năm trước nên phải trả về cho người dân.
Ý kiến của ông Đài sẽ được một số người tâm đắc, nhưng xét trên thực tế Việt Nam, nó thiếu cơ sở và phi thực tế, hoàn toàn không thể thực hiện.







Đoàn Văn Vươn nói về vụ Đặng Văn Hiến

Luật của bên thắng cuộc và kẻ mạnh nhất

Ở cái mảnh đất Việt Nam đau khổ của chúng ta, các thể chế chính trị thay nhau khá nhanh chóng, và đều bằng các cuộc chiến đẫm máu trong đó rất nhiều người Việt chết. Khi một bên thắng cuộc, gần như đương nhiên lịch sử sẽ được xóa bàn làm lại, thể chế sau phủ nhận hoàn toàn mọi quy định và sự tồn tại của thể chế trước.
Đấy là thực tế Việt Nam. Có thể có người không đồng ý với việc này, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, đấy chính là quyền lớn nhất của phe thắng cuộc.
Không đồng ý? Mời tự nhiên ra đi.
Nếu đã ở lại, phải chấp nhận luật của kẻ mạnh nhất.
Các nước có sự chấp nhận và kế thừa pháp luật là những nước có nền dân chủ lâu đời, trong đó các thể chế thay nhau bằng cơ chế phiếu bầu; các cuộc thay đổi diễn ra trong hòa bình. Đánh nhau to là các cuộc võ mồm giữa các chính trị gia đang vận động tranh cử.
Đánh nhau thực sự là những cú thụi lưng, giật tóc giữa vài ông bà nghị máu nóng ở nghị trường. Không ai mang dao, súng, lựu đạn, bom xăng đi giành chính quyền cả. Dại gì. Tiền của và nhân lực đất nước tống vào đấy hết thì kẻ thắng cuộc cuối cùng cũng chỉ đứng đấm ngực cười như con đười ươi trên bãi chiến trường. Của ta rồi đấy, nhưng toàn đổ nát và hoang tàn.
Thể chế hiện tại mới chỉ tồn tại trên toàn cõi Việt Nam được 45 năm, nói ngắn thì không ngắn, mà dài cũng chưa hẳn dài. Thể chế ấy cũng được xây lên từ những cực đoan 'xóa đi làm lại', nếu không phải tất cả thì cũng gần hết.
Cho nên lý lẽ rằng, đất ta nghìn đời nên ta phải được sở hữu, bất chấp luật Việt Nam hiện tại, nghe thì rất hào hùng, nhưng sa vào nó là sa vào đống lầy. Nhà nước Việt Nam hiện tại sẽ không bao giờ chấp nhận hồi tố trong sở hữu đất đai, do vô vàn rối ren, mắc mớ giữa các đời chủ qua hàng chục năm chiến tranh.
Và tôi cho rằng, những người ủng hộ lý lẽ này có lẽ cũng khá giật mình, vì nếu truy ra thì người chủ sở hữu ngôi biệt thự hay cánh vườn của họ biết đâu lại đang là ông Việt kiều nào đó bên Pháp hay Mỹ, sau thời điểm 1975? Họ có sẵn sàng trả lại cho những người chủ đó không?
Tóm lại, tôi cho rằng lý lẽ của dân Đồng Tâm để đòi đất là rất thiếu căn cứ.



Cảnh sát bảo vệ bên ngoài phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn năm 2013Bản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionCảnh sát bảo vệ bên ngoài phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn năm 2013

Nói vậy không phải để bênh vực nhà nước Việt Nam. Bản chất của Luật đất đai Việt Nam có thể không vừa lòng nhiều người, nhưng cũng không thể phủ nhận qua hàng chục năm nay, sự ổn định đã dần dần tỏ ra thắng thế.
Gốc rễ của những bất đồng, thậm chí dẫn đến không đội trời chung, như vụ Lộc Hưng, Đồng Tâm… nằm ở chỗ những người có quyền đã xem nó như một 'cục bột' không hơn không kém, để rồi tha hồ mà nhồi nặn. Thích thì quy hoạch, đang thích đột nhiên không thích lắm nữa thì quy hoạch treo, hết thích thì giải tỏa quy hoạch.
Thời gian giữa những cái thích ấy có thể là cả một đời người.
Vị trí thích có thể là bất cứ đâu, bờ xôi ruộng mật hay rừng rú, trung tâm Sài Gòn phồn hoa rực rỡ, hay núi non sâu thẳm.
Mục đích có thể là bất kỳ: sân golf, khu du lịch, khu công nghiệp, khu xử lý rác hay khu dân cư (giàu và nghèo).
Người được giao đất có thể là bất cứ ai: ông trùm tài phiệt (nghe đồn) có dây to với giới chóp bu; con ông cháu cha nào đó, hay một anh long tong biết sử dụng các mối quan hệ…
Thế thì luật người chứ luật trời đi nữa đã không tin thì bồ hòn cũng méo. Dù có xây sân bay Miếu Môn thật đi nữa cũng không vì thế mà kịp phai đi tấm gương hàng loạt tướng tá, chủ tịch bí thư, bộ trưởng, phó thủ tướng... đã và đang nối nhau vào tù vì dính bất động sản.
Giải quyết được sự kiện Đồng Tâm có lẽ sẽ phải mất vài chục năm nữa, với vài chục cái 'lò' được đốt không ngưng nghỉ và đốt tận… tế bào gốc.
Trong vài chục năm ấy, mọi - xin nhấn mạnh là MỌI - dự án đất đai của nhà nước phải hoàn toàn minh bạch, phải thương lượng với người dân, phải sử dụng đúng pháp luật và đúng mục đích, phải phơi rõ để các bên thứ ba kiểm tra và có ý kiến công khai, phải xử lý ngay nếu có sai phạm…
Nghe cũng không khó lắm, quý vị nhỉ. Người ta làm được, chả lẽ Việt Nam mình anh hùng lại không làm được sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét