Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

281 - Đồng Tâm: Lãnh đạo thời nay yếu kém hơn thời Thái Bình?




Trước lựa chọn đối đầu với dân và dùng vũ lực thay vì đối thoại ở Đồng Tâm, câu hỏi đặt ra là liệu việc mất mấy mạng người, cả dân và quân chính quyền, có nhất thiết phải xảy ra không? Câu trả lời có lẽ sẽ là không nếu câu hỏi được đặt cho ông Nguyễn Công Tạn, cựu phó thủ tướng và người từng là cánh tay phải của ông Phạm Thế Duyệt trong vụ tháo ngòi nổ tranh chấp và xung đột liên quan tới đất đai ở Thái Bình.
Ngay sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng, ông Tạn được trang Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn và ông kể lại diễn biến ở Thái Bình:
“Vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây mười mấy năm cũng rất nóng bỏng.
“Khiếu kiện, biểu tình ngay ở huyện tôi. Lúc tôi về họ chuẩn bị dùng bạo lực.
“Cánh bên chính quyền bảo: “Chúng em chuẩn bị súng sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”.
“Tôi nói chúng ta mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí có muốn đổ máu nữa không? Mối hận thù này bao giờ nguôi nếu đổ máu.
“Về bỏ hết súng ống đi. Nếu các anh em kia sai anh dùng súng ống với người ta thì anh cũng sai. Trước súng ống, người ta chống lại, lại sai tiếp. Đua nhau sai.”
Ông Tạn cũng nhắc tới các vụ tranh chấp đất đai khác ở các địa phương khác nhau mà ông đã tham gia giải quyết để không phải dùng tới bạo lực.
Trong số đó có vụ việc ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Ông Tạn nói: “Khi tôi là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm [19]80 xảy ra vụ Song Phương, mâu thuẫn đến mức hai bên, phía nông dân và phía khác đã dàn trận chuẩn bị đánh nhau.
“Điều nguy hiểm là trong làng cất trữ nhiều vũ khí của dân quân. Tôi cho lực lượng đặc nhiệm đột nhập lấy vũ khí ra để khỏi đánh nhau nhưng do có canh gác kỹ quá, không lấy được. Tình hình rất căng.
“Quân khu Thủ đô hồi ấy định đưa xe bọc thép bao vây làng, tôi bảo như thế chẳng khác đổ dầu vào lửa.
“Tôi cùng anh Phạm Chuyên, lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, vào đối thoại với dân.
Anh Chuyên hỏi: “Anh đi thế này có nguy hiểm không”. Tôi bảo: “Không, cứ vào đấy xem sao”. Anh Chuyên lại hỏi: “Em có mang súng theo không?”. Tôi bảo: “Bỏ súng, chúng ta tay không vào với dân”. “Nguy hiểm thì sao?”. Anh Chuyên vẫn băn khoăn. Tôi mới an ủi: “Dân thấy chúng ta vào tay không vì lợi ích của họ sẽ không nỡ lòng nào. Giả thiết họ đánh lại chúng ta đành chịu vậy vì ổn định xã hội”.
Trong phỏng vấn từ cách đây nhiều năm, ông Tạn cũng tỏ ra là người hiểu tâm lý của người nông dân và biết cách đối xử với họ cho được việc nước mà tránh đổ máu.
Ông nhận xét về người nông dân Việt Nam:
“Nông dân ta chân lấm tay bùn, nhiều người nghèo, có mảnh đất kiếm sống, học vấn thấp, luật pháp cũng không phải ai cũng hiểu hết.
“Nông dân dễ manh động, tức lên là bất chấp, khi bộc phát lên khó mà tự kìm chế. Cho nên chúng ta là người lãnh đạo phải biết cách xử sự với họ bằng đạo lý, pháp luật, tình cảm.
“Khi nông dân nghe giải quyết có tình thì “tin sái cổ”, thậm chí thiệt mà không cần đền nhưng khi tức lên một đồng, một xu cũng đối đầu đến cùng.”
Những kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đất đai một cách hoà bình mà ông Tạn nêu ra đã không được áp dụng trong vụ Đồng Tâm hôm 9/1.
Tam trụ của Việt Nam, Tổng bí chủ Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đứng nhìn cuộc đụng độ đẫm máu giữa dân và quân chính quyền vào lúc đêm hôm và khi chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết truyền thống.
Không loại trừ chuyện chọn tấn công nơi ở hợp pháp của người dân vào ban đêm mà không đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào đã góp phần gây ra cái chết của lực lượng thi hành do trời tối ảnh hưởng tới khả năng quan sát và phán đoán của họ. Với sự nhiễu loạn thông tin, cũng không thể khẳng định ba cảnh sát cơ động thực sự chết ở đâu và trong hoàn cảnh nào.
Những tấm huân chương chiến công hạng nhất của họ cũng khiến người ta đặt câu hỏi họ vừa lập chiến công gì? Có phải đó là chiến công tham gia cuộc trấn áp lúc nửa đêm gà gáy mà trong đó cho tới nay một ông già 84 với hơn nửa thế kỷ theo đảng đã bị chính đảng của ông giết chết?
Ngay sau khi có tin ba cảnh sát cơ động chết, người ta cũng trưng được ngay băng video lời khai của một trong những người bị bắt rằng ông Kình chỉ đạo “cứ cho ba thằng chết là phải chạy hết”.
Ngoài ra báo chí nhà nước cũng đăng tin khi khám nghiệm tử thi trên tay ông Kình vẫn còn cầm lựu đạn.
Chi tiết này đã bị hai chuyên gia, một ở trong nước và một ở nước ngoài, chỉ ngay ra rằng là điều hoàn toàn bị đặt.
Vợ ông Kình, bà Dư Thị Thành, nói trong một video được nhà hoạt động Lã Việt Dũng đưa lên Facebok: "Người ta bắt khai ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Xong bắt đầu cứ thế nó đá vào hai ống chân.”
Sau vụ Đồng Tâm, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn Đêm giữa ban ngày, nhận xét rằng “cùng với sự ra đi của người, cái mặt nạ cuối cùng của quỷ đã rớt xuống”.
Những người thực sự hiểu chế độ cộng sản sẽ lại nói rằng lũ quỷ nhìn vào gương, chỉ thẳng vào mặt mình trong đó dõng dạc nói: “Đây không phải mặt tao.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét