Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

272 - Giải mã chiến thuật của Trung Quốc trên biển “Mềm nắn, rắn buông”




Ảnh minh họa: Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Liêu Ninh - hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh AFP


Thời gian gần đây, việc các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu dân quân biển và tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển thuộc EEZ của các quốc gia khác ngày càng gia tăng. Việc đối phó của các quốc gia bị xâm phạm thì rất khác nhau. Dự báo mới nhất của RAND[1] về tình hình năm 2020 cho biết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn từng bước, thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” để thực hiện cho được mục đích địa chính trị của họ trên biển Đông”. Như vậy, cần tìm hiểu chiến thuật của Trung Quốc qua cách họ hành động trên biển sẽ có thể tìm ra cách để chống lại các hành động xâm phạm này của Trung Quốc.
Các học giả Trung Quốc, đặc biệt là các tướng lĩnh Trung Quốc luôn cao giọng “diều hâu” như “Trung Quốc là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại”, hoặc đe doạ “chiếm Việt Nam trong vòng 31 ngày”… Khi xảy ra căng thẳng, Hải quân Trung Quốc luôn “nhá hàng” bằng cách kéo dàn tàu chiến hùng hậu ra để “dằn mặt” đối phương.
Trung Quốc quả thực là một nước lớn, nhưng có “mạnh” không thì chưa chắc. Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn đã khái quát về dân tộc Trung Quốc là: “tàn bạo như con sư tử; gian xảo như con hồ ly (con cáo), và hèn nhát như con thỏ đế”. Nhiều người chắc sẽ không đồng ý ý kiến này chăng? Sao Trung Quốc giờ mạnh thế mà lại nói “nhút nhát như con thỏ đế”?
Lần giở lại lịch sử, ta có thể thấy rằng, Trung Quốc luôn là một cường quốc ở khu vực Đông Á, nhưng Trung Quốc cũng chưa bao giờ chiến thắng một kẻ địch mạnh hơn mình, mà chỉ chuyên “ỷ mạnh hiếp yếu”. Các cuộc chiến gần đây như Chiến tranh Thanh - Nhật hay các cuộc đụng độ giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa với Hoa Kỳ tại các chiến trường Triều Tiên hay Kim Môn, Mã Tổ đều cho thấy Trung Quốc không hề chiếm được ưu thế trước những đối thủ mạnh hơn mình. Lịch sử chiến tranh hàng nghìn năm giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng cho thấy, dù Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều lần, nhưng cũng đã nhiều lần quân Trung Quốc thảm bại tại Việt Nam.
Binh pháp Tôn Tử (một nhà chiến lược quân sự Trung Quốc cổ đại) cho rằng “không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Áp dụng quan điểm đó, Trung Quốc đang muốn không cần dùng chiến tranh quân sự mà vẫn đạt được ý đồ của họ ở biển Đông.
Vậy tại sao Trung Quốc muốn đạt được ý đồ của họ mà không sử dụng biện pháp quân sự? Phải chăng Trung Quốc tốt đến mức không muốn xảy ra chiến tranh? Không phải như vậy. Trong binh pháp Tôn Tử cũng nhấn mạnh, nếu muốn dùng quân sự thắng, phải có đủ “thế” và “thời”. Về “thế” thì dù Trung Quốc có khoe khoang về các tàu sân bay hay lực lượng tàu ngầm, tàu khu trục hùng hậu, nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu “chết người” trong các vấn đề công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc. Thêm nữa, Trung Quốc hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong việc tác chiến trên biển. Chưa có trận đánh nào của Trung Quốc trên biển mà được coi là những bài học chiến tranh mẫu mực cả, mà Trung Quốc chỉ mới chú trọng phát triển hải quân gần đây mà thôi.
Về “thời” thì đây càng không phải là thời điểm tốt. Chỉ cần Trung Quốc nổ súng tấn công bất cứ một quốc gia nào trước, chắc chắn vị thế “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc sẽ bị sụp đổ, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ có lý do để bao vây hoặc tấn công Trung Quốc. Hoa Kỳ đang muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giành địa vị “soái chủ” trên địa bàn toàn cầu cho nên đó sẽ là cơ hội cho Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, mà Trung Quốc không dám đơn phương tấn công phủ đầu trên biển một quốc gia nào đó, chứ không phải là Trung Quốc không muốn chiến tranh.
Để đạt được ý đồ trên biển Đông mà không cần thông qua xung đột vũ lực, Trung Quốc dùng ba cuộc chiến, đó là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh luật pháp.
Trong chiến tranh tâm lý, Trung Quốc luôn đánh vào tâm lý sợ chiến tranh với Trung Quốc của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ASEAN. Và giới truyền thông Trung Quốc luôn “phủ đầu” bằng các luận điệu “diều hâu”, khiến cho lãnh đạo nhiều quốc gia ASEAN “giật thót” mình vì họ chỉ muốn được yên ổn để làm ăn, sinh sống.
Về luật pháp, Trung Quốc luôn “rêu rao” bằng cách “nhai đi, nhai lại” các luận điệu cũ rích về “đường lưỡi bò”, nào là Trung Quốc có chủ quyền trên các quần đảo ở biển Đông, Trung Quốc có quyền lịch sử ở đường lưỡi bò…Lập luận về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đã bị Philippines “đâp” một cú “hoảng hồn” với Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016, khi Toà khẳng định rằng “yêu sách về quyền lịch sử đối với các vùng nước bên trong đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý, do đó vô giá trị”. Mặc dù Chủ tịch Tập tuyên bố rằng “phán quyết chỉ là một tở giấy lộn”, nhưng chỉ là một tờ giấy mà khiến cả đất nước Trung Quốc đau đầu. Tác dụng của Phán quyết năm 2016 tiếp tục tạo ảnh hưởng, như trong đệ trình của Malaysia về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 vừa rồi. 
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra trên biển AFP
Để tránh bị Hoa Kỳ và đồng minh có cớ để “bao vây và ngăn chặn”, Trung Quốc luôn sử dụng lực lượng dân quân biển hoặc tàu “thăm dò khoa học” có tàu hải cảnh hỗ trợ để xâm phạm EEZ của nhiều quốc gia. Mục đích là Trung Quốc muốn để cho các quốc gia quen dần với sự xâm phạm EEZ của Trung Quốc, khiến các quốc gia này mệt mỏi, chấp nhận như một sự đã rồi. Và rồi từ đó, Trung Quốc sẽ lấn tới dần, hiện thực hoá “đường lưỡi bò” cho dù nó không có cơ sở pháp lý hay được thừa nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc tuỳ vào phản ứng của từng quốc gia để tiếp tục hay rút lui. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu xâm phạm vào EEZ của Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trước đó, năm 2014, Trung Quốc đã cho cả một giàn khoan khổng lồ với đoàn tàu hộ tống hùng hậu để tiến hành thăm dò ngay trong EEZ của Việt Nam. Trong sự kiện năm 2014, phía Việt Nam đã kiên quyết tố cáo Trung Quốc ra thế giới, thậm chí phía Việt Nam mời hẳn các phóng viên quốc tế ra thực địa, Chính phủ Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn sàng theo bước Philippines khởi kiện Trung Quốc ra một Toà trọng tài theo phụ lục VII của Công ước luật biển (UNCLOS), trước các hành động động kiên quyết đó, Trung Quốc đã xuống thang, rút giàn khoan khỏi EEZ của Việt Nam.
Hồi tháng 12/2019, một số tàu “nghiên cứu khoa học” của Trung Quốc tiến hành tại EEZ của Ấn Độ, lập tức Ấn Độ đã dùng tàu hải quân trục xuất ra khỏi khu vực này, sau đó phía Trung Quốc tuyên bố các tàu nghiên cứu Trung Quốc cần phải tuân thủ UNCLOS khi tiến hành nghiên cứu tại vùng biển nước ngoài.[2]
Cũng cuối tháng 12/2019 tới đầu năm nay, một số tàu Trung Quốc đã xâm phạm EEZ của Indonesia tại khu vực Natuna, phía Indonesia đã hành động quyết liệt, điều tàu chiến và máy bay chiến đấu để trục xuất các tàu Trung Quốc. Tổng thống Indonesia còn bay tới tận nơi để thị sát, ông cũng phát biểu mạnh mẽ với truyền thông là không đánh đổi chủ quyền lấy đầu tư từ Trung Quốc. Trước các hành động quyết liệt như vậy từ Indonesia, các tàu Trung Quốc đã phải thoái lui khỏi EEZ của Indonesia.
Tuy nhiên, trong sự kiện khu vực Bãi Tư chính năm 2019, khi một đội tàu của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam 113 ngày thì bởi vì phản ứng của Việt Nam rất yếu ớt. Truyền thông Việt Nam chỉ được đưa tin khi có yêu cầu, với những thông tin thiếu và nhỏ giọt. Các lãnh đạo cao cấp Việt Nam còn thể hiện thái độ hoà hoãn, như khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang có chuyến thăm Trung Quốc vào lúc xảy ra sự kiện khu vực Bãi Tư chính, nhưng bà ta đã không có một động thái nào thể hiện thái độ, mà vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh thì trả lời “chúng ta không thể quay lưng được với Trung Quốc”. Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thì nói với bào giới “chúng ta cần gìn giữ hoà bình”. Chính “nỗi lo ngại chiến tranh” với Trung Quốc đã khiến các lãnh đạo Việt Nam “chùn bước”. Điều đó cho thấy, chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông của Trung Quốc đã có tác động.
Xem xét lại các hành động của Trung Quốc, chúng ta thấy rõ chiến thuật “mềm nắn rắn buông” của Trung Quốc trên biển, đặc biệt là biển Đông. Trung Quốc luôn đe doạ bằng cách thể hiện như “kề bên miệng hố chiến tranh” khiến các quốc gia khác khiếp sợ, thế nhưng thực chất Trung Quốc luôn chỉ dám thực hiện việc ức hiếp “dưới ngưỡng chiến tranh” để đạt được mục đích của mình mà không bị cô lập và phản đối.
Chính vì vậy, hiện nay, đã có thông tin cho biết một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tái xuất hiện tại khu vực Bãi Tư chính trong thời gian gần đây. Chúng ta mong chờ phía Việt Nam nắm vững được “luật chơi” của Trung Quốc để có thể chống lại các hành động xâm phạm EEZ của Trung Quốc một cách hiệu quả như Indonesia hay Ấn Độ đã làm.

[1] https://www.rand.org/blog/2020/01/what-to-expect-from-china-in-2020.html?utm_campaign=&utm_content=1578085154&utm_medium=rand_social&utm_source=twitter
[2] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3041693/china-steps-compliance-un-sea-law-after-ships-expulsion-india?fbclid=IwAR2Samg8yW8MLHgaU6IwSla5i4bK9uJwzNUu4z2brtG5W6TP4xKKTpqmQl8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét