Tôi sinh ra ở nông thôn, ba má tôi là nông dân rặt. Tuy vậy, trong những đám tiệc đông đủ bà con, thỉnh thoảng có người bảo ba tôi là “ẩn sĩ quy điền” với ý khen ba tôi là người được học cao nhất trong dòng họ. Những buổi tối ngà hơi men, ba tôi thường đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ, vài đoạn Truyện Kiều, Lục Vân Tiên hoặc kể chuyện về ông Lê Lai cứu chúa, ông Tử Lộ đội gạo… rất là lý thú.
Lớn lên một chút, dù gia cảnh túng thiếu, sự ăn ở gần như bất định vì phải lo chạy giặc, tản cư liên miên, nay ở đậu người này, mai ở nhờ người khác kể từ sau Tết Mậu Thân 1968, nhưng tôi rất may mắn, được ba má cho đến trường. Ở đó tôi lại học những bài thơ, câu chuyện mà ba tôi từng đọc, từng kể. Những bài thơ, câu chuyện đó cứ đeo đẳng mãi trong tôi. Đến cấp II, tình cờ tôi mượn được cuốn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam từ ông thầy dạy toán quê ở Tuy Hòa. Tôi thích cái truyện Tình nghĩa giáo khoa thư nhẹ nhàng mà chứa chan tình cảm, nhất là các mẩu hồi tưởng giữa hai nhân vật về một quyển sách mà thời nhỏ họ cùng được học.
Sau này, khi Quốc văn giáo khoa thư tái bản (1994), tôi vội vã tìm mua và đọc từng trang với cảm giác thật khó tả vì thấy bao điều quen thuộc trong ấy. Thì ra những bài thơ, câu chuyện mà tôi biết qua ba tôi, qua sách quốc văn hồi tiểu học đều được rút ra từ quyển sách xưa cũ này. Quốc văn giáo khoa thư đối với tôi như một người bạn cố tri, làm gợi nhớ đến ba tôi, gợi nhớ về tuổi thơ đi học của tôi.
Bây giờ đã trưởng thành, đã làm thầy giáo, đôi lúc tôi tự hỏi vì sao Quốc văn giáo khoa thư lại ám ảnh mình đến như vậy?
1. Tác giả Quốc văn giáo khoa thư gồm các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đình Phúc, Đỗ Thận – đều là những học giả tiếng tăm đương thời. Sở học và vị trí vững vàng của họ trong học giới giúp họ có tư thế và tư cách xứng đáng của người biên soạn sách giáo khoa. Nhưng điều quan trọng hơn, với những gì họ viết, chứng tỏ họ là những nhà sư phạm tài năng, mẫu mực. Họ viết sách để dạy học trò, để học trò có thể tự học chứ không nhằm phô diễn kiến thức bản thân. Những bài học do họ “thiết kế” hầu hết đều dung dị, chân phương, phù hợp với quy luật nhận thức của người mới bước vào cánh cửa học đường (việc học, cách học, quan hệ và cách ứng xử với gia tộc, thầy cô, bạn bè, xã hội…).
Cái tam giác quan hệ giữa người biên soạn sách, người dạy và người học được thiết lập một cách rõ ràng, mực thước. Trong đó, các tác giả tỏ ra rất tôn trọng và tin cậy vào khả năng, kinh nghiệm cá nhân của người thầy; còn học trò thì họ đòi hỏi lấy việc “hiểu ý nghĩa trong bài” làm điều cốt yếu. Nói chung, các tác giả Quốc văn giáo khoa thư làm cho người ta thấy rằng việc dạy, việc học là việc nghiêm túc, thiêng liêng; và học đường là nơi con người sẽ được khai tâm, khai trí. Nội dung, văn phong, khẩu khí của quyển sách tự nó đã toát lên yêu cầu rất cao về đức độ, phẩm hạnh của người thầy; về tâm thế cầu thị, cầu tiến của người đi học. Nghĩa là cuốn sách có uy thế, tầm vóc của một thứ kinh điển. Điều mà sách giáo khoa hiện nay không có được!
[Theo tôi đội ngũ biên soạn sách giáo khoa hiện nay chưa được chọn lựa kỹ càng. Nhiều người có học hàm, học vị cao nhưng xã hội không biết đến, học giới chưa nể trọng. Đó là chưa kể năng lực, tư cách của một vài người còn không ít điều khả nghi. Họ viết sách giáo khoa như những nhà khoa học chứ không phải như những nhà sư phạm. Viết để phô phang kiến thức, muốn trình bày cho hết mọi lý lẽ mà ít chú ý đến điều kiện, khả năng, tâm sinh lý của người học. Thành ra sách giáo khoa của họ trở nên quá rườm rà, nặng nề, khô cứng, chứa đựng nhiều điều vô bổ. Sách giáo khoa mà thầy không tự dạy được (nên mới có sách hướng dẫn đi kèm), học trò không tự học được (nên mới có loại sách “để học tốt…” ăn theo), phụ huynh cũng không trợ giúp được gì cho con em mình (nên đành cho học thêm) thì chất lượng, hiệu quả giáo dục đi đến đâu?
Tôi chưa thấy ai chê các nhà biên soạn Quốc văn giáo khoa thư nhưng đã chứng kiến nhiều lần dư luận và giới truyền thông lên tiếng về lổ hổng kiến thức của các tác giả sách giáo khoa hiện nay!].
2. Qua cấu trúc nội dung quyển sách, cho thấy các tác giả Quốc văn giáo khoa thư có quan niệm, triết lý giáo dục hết sức thực tế và đúng đắn. Họ quan niệm xã hội và con người, về bản chất là có tính nhị nguyên. Trong xã hội, trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt đối lập: tốt và xấu, đúng và sai, thiện và ác, hay và dở, khôn và dại, thực và giả… Do vậy, nhiệm vụ trước tiên của giáo dục là phải giúp người học có được năng lực nhận ra sự thật; gieo vào họ lòng cảm kích, quý trọng đối với điều chân thiện mỹ; gợi nơi họ thái độ căm ghét và xa lánh đối với cái xấu, cái cái ác và sự ngụy trá; từ đó mà hình thành dần bản lĩnh, nhân cách của người học. Không phải ngẫu nhiên khi các tác giả đặt bên cạnh Lòng thảo hiếm có của Mẫn Tử Khiên, Lòng kính yêu chị của Lý Tích, Một người anh tốt Thôi Lượng là Anh nói khoác, Người say rượu, Người nghiện thuốc phiện, Kẻ ham mê cờ bạc; bên cạnh những Học trò chăm học, Học trò tốt cũng có những Học trò lười biếng, Học trò xấu…
Thực ra, xét cho cùng thì bản lĩnh, nhân cách quan yếu của người có học thể hiện ở chỗ họ nhận thức được cái đúng và cái sai, điều tốt và điều xấu, việc nên làm và việc nên tránh chứ không phải là những kiến thức cao siêu. Có thể nói phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Khai tâm rồi mới khai trí” quán triệt rất rõ trong toàn bộ Quốc văn giáo khoa thư, chứ không riêng ở phần luân lý. Điều này đã làm nên giá trị bền lâu của quyển sách. Trả lời câu hỏi “Đi học để làm gì”, các tác giả viết: “Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật trình, thấy điều gì hay thì bắt chước. Tôi đi học để biết tính toán, biết đọc mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khỏe mạnh. Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để trở thành người con hiền thảo và người dân lương thiện” (trang 146). Đối với lớp đồng ấu thì mục tiêu giáo dục này rất hợp lý.
[Sách giáo khoa hiện nay hình như được xây dựng trên nền tảng quan niệm, triết lý rằng xã hội tốt đẹp và phát triển, cuộc sống ổn định và nền nếp, mọi người đều thực thi tròn vẹn chức phận của mình…, nên người học chỉ cần tin và làm theo mà thôi. Đó là quan niệm, triết lý công thức, giáo điều, nhằm vào việc đào tạo ra những con người dễ bảo, dễ sai khiến, dễ phục tùng chứ không nhằm vào việc đào tạo ra những con người cá nhân, tự chủ, có tư duy phê phán và tư duy sáng tạo. Do thiếu bản lĩnh nên học sinh ngày nay dễ chao đảo, dễ mất niềm tin trước các hiện tượng tiêu cực xuất hiện nhan nhản trong xã hội.
Nếu thử làm một cuộc khảo sát với câu hỏi “Đi học để làm gì?” trong học sinh tiểu học, chúng ta có thể hình dung được triết lý, mục tiêu, phương châm giáo dục của nước ta hiện nay vừa xơ cứng vừa viển vông như thế nào. Hoặc thử so sánh một số bài học sau trong Quốc văn giáo khoa thư và sách Tiếng Việt hiện nay: Tràng học vui (QVGKT, trang 144) và Trường em (Tiếng Việt 1, tập II, trang 46), Ngôi trường mới (Tiếng Việt 2, tập I, trang 50, 51); Ông tôi (QVGKT, trang 154) và Ông và cháu (Tiếng Việt 2, tập I, trang 53), Thương ông (Tiếng Việt 2, tập I, trang 83)].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét