Đảo Phú Lâm chụp từ trên không
Trong tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều biến động, trật tự quốc tế đang có những thay đổi khó lường. Tuy nhiên với tham vọng và quyết tâm trở trành “siêu cường”, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lấn tới ở Biển Đông bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự kiện Trung Quốc cho tàu thăm dò HD8 cùng nhiều tàu hải cảnh xâm phạm EEZ của Việt Nam, cùng với việc xâm phạm EEZ của Malaysia, Philippines trong năm 2019 vừa qua, đặc biệt là căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc đầu năm 2020 đã cho thấy âm mưu muốn kiểm soát, khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không hề thay đổi, chỉ khác về cách thức triển khai trên thực tế.
Năm 2021 sẽ là kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 kết thúc 1 nhiệm kì nữa của Tập Cận Bình. Do đó, tình hình Biển Đông năm 2020 chắc chắn sẽ còn “dậy sóng”. Một số chuyên gia cho rằng, sự kiện ở khu vực Bãi Tư Chính năm 2019 vừa rồi chỉ là một cách thức thăm dò của Trung Quốc xem phản ứng của các nước, đặc biệt là Việt Nam như thế nào. Mục đích xa hơn mà Trung Quốc muốn là đưa giàn khoan cắm chốt ở bãi Tư Chính, biến Tư Chính thành khu vực tranh chấp, buộc Việt Nam phải chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc. Đồng thời, coi thùng dầu đầu tiên khoan được ở khu vực này là một trong những thành tích quan trọng kỉ niệm 2 mốc sự kiện nêu trên.
Thêm nữa, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác khai thác chung với một số quốc gia ven Biển Đông, thông qua đó thao túng và chia rẽ các quốc gia thành viên của ASEAN. Trung Quốc và Philippines đã ký kết thỏa thuận "Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dầu khí" năm 2018. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành những bước cuối cùng trong việc khai thác chung với Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Vì vậy, khai thác chung ở khu vực Biển Đông trước hết sẽ được Trung Quốc thực hiện với Philippines trong năm tới sự thúc ép từ phía Trung Quốc. Trung Quốc muốn thông qua khai thác chung với Philippines sẽ “rêu rao” với thế giới về thành công này của “gác tranh chấp cùng khai thác”, tiến tới ép Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei phải theo bước thực hiện.
Trung Quốc cũng tiếp tục thúc đẩy các vòng đàm phán COC, nhưng muốn một COC theo ý Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc muốn dùng COC để ngăn cản sự tham gia của các công ty Mỹ trong việc khai thác tại biển Đông, cũng như đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Chính vì vậy, để đi đến một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp do lập trường của các bên còn rất xa nhau. Niềm tin của các quốc gia ASEAN vào sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc càng ngày càng bị các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông làm xói mòn. Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn bị chia rẽ bởi lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, thực lực và vị thế của Trung Quốc lại ngày càng lớn mạnh, đang dùng mọi cách để ép buộc các nước ASEAN chấp thuận dự thảo COC theo ý muốn của mình. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán thực chất COC, thì đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối lớn đối với Việt Nam.
Cùng với việc đưa ra thời gian biểu trong vòng 3 năm tới Trung Quốc và ASEAN sẽ hoàn thành việc đàm phán COC, trong năm 2020 đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm mà hai bên nỗ lực thúc đẩy.
Năm 2020 Mỹ sẽ gia tăng các hoạt động FONOP, tuần tra giám sát ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng xảy ra các vụ đụng độ giữa lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này không cao, do cả hai bên cùng kiềm chế tối đa. Trong thời gian tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu của Mỹ thì Mỹ sẽ cần một chính sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông như yêu cầu Trung Quốc rút các trang thiết bị quân sự tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy vậy, điều này rất khó khăn vì Trung Quốc đã tiến một bước dài trong quá trình xây dựng chỗ đứng vững chắc ở khu vực Biển Đông .
Sự cạnh tranh chiến lược giữ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục tăng cường và còn kéo dài. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gây những tác động lâu dài trên toàn bộ thế giới. Hai quốc gia này sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhau trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trung Quốc thực hiện các biện pháp ngày càng quyết đoán ở Biển Đông cùng với việc Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1 cho thấy, Biển Đông sẽ là một trong những địa bàn quan trọng để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bối cảnh đó, có thể đẩy Việt Nam vào tình thế lựa chọn khó khăn. Nhưng đồng thời, cũng đem đến cho Việt Nam những cơ hội hợp tác mới. Với vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực, cùng với vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, Việt Nam sẽ là một nhân tố thu hút sự lôi kéo của các quốc gia lớn. Vấn đề là Việt Nam cần có một chính sách ngoại giao năng động và thiết thực để có thể khéo léo ứng xử trước các mối quan hệ phức tạp như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét