Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

202 - Vụ Đồng Tâm: Cụ Lê Đình Kình và con trai thiệt mạng





Cụ Lê Đình Kình, “lãnh tụ tinh thần” của người dân Đồng Tâm, và con trai là Lê Đình Chức, đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng chức năng hôm 9/1, hai nguồn tin thân cận với gia đình ông Kình cho VOA biết chiều ngày 10/1. Một phụ nữ sống gần gia đình ông Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nói với VOA: “Người dân thiệt mạng mới vừa nhận được, đang ở ngoài kia và trên đường về là bác Lê Đình Kình và con trai thứ hai của bác là Lê Đình Chức.”
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện về khu đất liên quan đến sân bay Miếu Môn.
Người phụ nữ thứ hai, vừa từ nhà con gái cụ Kình trở về, cho VOA biết:
“Tôi mới từ nhà con gái nhà ông Kình quay về. Tôi có nhìn thấy giấy báo của chính quyền xã, mời lên xã, ký vào giấy để nhận xác ông Kình về mai táng. Ông Kình đã chết từ lúc 12 giờ”.
“Một người cháu của ông ấy nói rằng đêm nay người ta đưa cả [xác] ông Kình và ông Chức về”.
“Hồi nảy ở ngoài đó thì chỉ thấy rất đông lực lượng công an, không ai vào nhà cụ Kình được vì bị công an bao vây kín”.
Chính quyền địa phương cũng đã xác nhận thông tin ông Kình chết. Ông Trịnh Xuân Viết, Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức cho biết, “người chống đối tử vong là ông Lê Đình Kình (ngoài 80 tuổi)”.
“Ông Kình bị ngạt khói, sau đó được đưa đi viện và 7h sáng nay, thi thể ông được bàn giao cho gia đình”, VNExpress hôm 10/1 trích lời ông Viết nói.
Vào thời điểm 8h tối 10/1, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương viết trên Facebook cá nhân rằng thi hài cụ Kình “vẫn đang ở nhà xác chưa đưa trả về cho gia đình”.
Từ Dương Nội, một nơi có tranh chấp đất đai khác giữa chính quyền và người dân, ông Phương dẫn lời hai nhân chứng vừa gặp người nhà của cụ Kình cho biết nguyên nhân gia đình cụ nhất quyết không ký biên bản nhận xác là vì trong văn bản đó có câu “công nhận đất ở Đồng Sênh là đất quốc phòng và cụ Kình bị chết tại khu đất đó”.
Ông Phương gọi đó là “thủ đoạn quá tinh vi và thâm độc của nhà cầm quyền cộng sản”.
Trong khi đó, một số báo Việt Nam gồm Thanh Niên, Tiền Phong, VietnamNet, VTC, v.v... đưa tin việc “cơ quan chức năng” bàn giao thi thể cụ Kình cho đại diện gia đình cụ đã hoàn tất.
Trả lời VOA về số người bị thương, người phụ nữ cùng thôn ông Kình nói:
“Số bị thương có bác Bùi Viết Hiểu, bị thương nặng đang mổ cấp cứu ở bệnh viện 103, hai người nữa bị thương nặng là Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển”.
“Các ông Lê Đình Quân, Lê Đình Công, Lê Đình Huy… cũng bị thương”.
Trước đó, Bộ Công An loan tin: “Sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương…”.
Đài VTV hôm 10/1, đăng tin ông Nguyễn Văn Tuyển, một trong những người được cho tham gia vào nhóm chống đối lực lượng chức năng bị bắt, khai kế hoạch tấn công và hung khí được chuẩn bị từ trước.
“Chính người này thừa nhận hành vi có tổ chức, manh động, được chỉ đạo để sử dụng các loại vũ khí nóng như quả nổ, bom xăng, lựu đạn chống trả lực lượng chức năng”, vẫn theo VTV.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 8 quả lựu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ, trang VietnamNet cho biết hôm 10/1.
VNExpress dẫn lời Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết trong gần 30 người bị tạm giữ, cơ quan điều tra sẽ phân loại và khởi tố bị can về ba tội: “Giết người, Tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ.”
Cũng hôm 10/1, các văn sĩ trí thức Việt Nam đã ra Tuyên bố Đồng Tâm gửi đến giới lãnh đạo Hà Nội, kêu gọi chấm dứt “các hành động bạo lực” nhằm vào người dân mất đất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét