Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

180 - Thung lũng Silicon Đà Nẵng - Liệu có khả thi?



Một góc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Đà Nẵng - Ảnh AFP
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 7 tháng 1 năm 2020 ký quyết định thành lập Khu Công nghệ Thông tin (CNTT) Tập trung tại Thành phố Đà Nẵng, nơi được kỳ vọng là “Thung lũng Silicon Đà Nẵng”. Theo quy hoạch, Dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tầm cỡ của Châu Á, cung cấp những dịch vụ và nguồn nhân lực tốt nhất. Đồng thời, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin theo mô hình của Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ hay Khu công nghệ cao Hsinchu tại Đài Loan.
Khó khăn
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV nhận định chuyện này là khó vì cần rất nhiều yếu tố, bởi thực tế ở Việt Nam đã có một số khu CNTT tập trung rồi, nhưng hơn chục năm qua cũng chỉ đạt kết quả ở mức độ vừa phải với khuynh hướng làm thuê cho các công ty khác, chứ không như cách của một Thung lũng Silicon.
“Về lý thuyết thì VN cũng có thể thành lập thung lũng silicon nhưng tôi thì thấy rất là khó. Việt Nam cũng có thể có nguồn nhân lực rất tốt, nhưng còn rất nhiều yếu tố khác về tổ chức, về cơ chế… Thậm chí nó cần cả yếu tố lịch sử chứ không phải cứ đầu tư tiền là có.
Tôi lấy ví dụ về đầu tư, ở Việt Nam hiện nay các nhà đầu tư về lĩnh vực này chưa thực sự phát triển. Nó không hề giống thung lũng silicon ở Mỹ cách đây vài chục năm mà những hoạt động đó đã giúp thung lũng này phát triển. Đó là vấn đề lớn chứ không hề đơn giản. Nguồn nhân lực của Việt Nam về cơ bản là tốt, nhưng những người có khả năng tổ chức thì chưa nhiều. Tất nhiên là mình vẫn cứ hy vọng.”
Tại buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra con số 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền Thông Số Việt Nam từng nêu ý kiến về việc này:
“Ngành công nghệ thông tin thì công việc rất là nhiều, chỗ thực tập rất nhiều, bạn nào chăm chỉ thì có rất nhiều cơ hội để thực hành. Đi học thì người dạy cũng tương đối lý thuyết, còn chuyện thực hành thì có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.”
Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải thay đổi cách đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao hiện nay, đó là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít. Chính những điều đó khiến Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT.
Thuận lợi
Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019.
Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019. Courtesy mic.gov.vn
Để có thể phát triển khu CNTT tập trung tại Đà Nẵng thành Thung lũng Silicon như dự tính, tháng 8 năm 2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có buổi tọa đàm “Da Nang Business Roundtable” tại Silicon Valley, Mỹ nhằm giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh ở Thành phố Đà Nẵng. Ông Thơ giới thiệu Việt Nam có những lợi thế về tình hình chính trị ổn định, môi trường sống an toàn, lý tưởng và thị trường lao động dồi dào với chi phí hợp lý rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ngoài việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty phần mềm trong nước cũng được những chế độ ưu đãi khác, đặc biệt về thuế với "Nghị quyết số 41/NQ-CP" được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Quảng nói về điều này:
“Hiện nay thì thực ra ưu đãi cho các công ty phần mềm tương đối tốt. Các công ty phần mềm mở ra sẽ có 15 năm ưu đãi về thuế. Chín năm đầu miễn thuế, sáu năm còn lại giảm một nửa. Tất nhiên có thể có những ưu đãi khác nữa, nhưng tôi rất lo ngại nó theo hình thức làm thuê thì rất khó để tạo ra một hình ảnh thung lũng Silicon.”
Theo ông Quảng thì muốn có Thung lũng Silicon, nhân công không thể cứ làm thuê mà phải nghiên cứu công nghệ lãi, công nghệ mới, công nghệ tích hợp để tạo ra những sản phẩm ra thị trường. Nếu cứ làm thuê theo kiểu công ty khác thiết kế rồi mình chỉ viết mã lệnh cho họ thì đó không phải là hình ảnh một Thung lũng Silicon, không có giá trị gia tăng nhiều.
Với cái nhìn của một kỹ sư CNTT từ nước ngoài, ông Võ Bình cho rằng ngoài một số hạn chế, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế:
“Thứ nhất là nhu cầu sử dụng các sản phẩm về CNTT hiện đang rất cao với dân số hơn 96 triệu. Thứ hai là chính phủ Việt Nam đang xúc tiến xây dựng các thành phố thông minh theo khuynh hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Thứ ba là giá cả sản xuất các linh kiện, giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước trong khu vực. Thứ tư cuộc chiến thương mai Mỹ Trung đưa nhiều công ty phần mềm của Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ năm là trình độ của đội ngũ nhân viên CNTT ngày càng cao.”
Tháng 10 năm 2019, UBND TP Hà Nội phối hợp với Liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh với tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Dự án được hứa hẹn là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như: Năng lượng, giao thông, quản trị, học tập, đời sống và kinh tế. Khu vực này sẽ được xây dựng với tính cộng đồng rất cao, bảo đảm đầy đủ tiện ích từ trường học, y tế, an ninh, thương mại cũng như công viên cây xanh, mặt nước…
Hồi tháng 7 năm 2019, thông tin trên tờ Nikkei Asian Review cho hay Apple có thể sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods, một trong những phụ kiện quan trọng nhất của hãng, từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét