Thay vì nhìn lại, chúng ta thử nhìn tới xem, trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này, đâu sẽ là những thách thức lớn nhất mà Việt Nam chúng ta sẽ phải đối mặt.
Dưới đây là ba thách thức theo lựa chọn chủ quan của tôi:
Thách thức đầu tiên là giáo dục. Thực ra, giáo dục là thách thức của nhiều thập niên đã qua, và nó vẫn tiếp tục là thách thức của thập niên này. Về bản chất, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn chỉ là sản phẩm kế thừa từ hệ thống giáo dục của Liên Xô cũ, với mục tiêu cốt yếu là đào tạo nên những con người công cụ, phục vụ cho các mục tiêu chính trị. Chưa cần nói các mục tiêu chính trị có thể sai, và thực tế là thường xuyên sai, thì ngay mục tiêu đào tạo nên con người công cụ của giáo dục đã hoàn toàn sai lầm.
Vì thế, nền giáo dục của chúng ta đã thất bại, đang thất bại và sẽ luôn luôn là nền giáo dục thất bại. Mục tiêu cốt yếu và đúng đắn của giáo dục là tạo nên những con người tự do, tự trị và có khả năng hội nhập tốt với thế giới. Ngày nào chúng ta còn chưa lột bỏ được bản chất và mục tiêu công cụ của giáo dục, thì ngày đó nền giáo dục của chúng ta còn thất bại. Với sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 và làn sóng hội nhập rộng khắp, sự thất bại của giáo dục một lần nữa sẽ càng nổi bật và càng trở thành vấn nạn nhức nhối hơn bao giờ hết trong thập niên này.
Thách thức thứ hai là tính chính danh của đảng cầm quyền. Thế giới hiện đại càng ngày càng không thể chấp nhận một đảng phái nào nằm ngoài vòng pháp luật. Đảng cộng sản cầm quyền ở nước ta có lẽ cũng đã nhận ra thách thức này, có lẽ họ cũng muốn đặt đảng của họ vào vòng pháp luật, để hội nhập với thế giới, để có được tính chính danh, nhưng có vẻ chính họ cũng đang lúng túng.
Họ sợ mất quyền lực tuyệt đối. Họ muốn có một đảng vừa chính danh, lại vừa phải mạnh tuyệt đối. Đó là điều bất khả. Họ có thể có một đảng chính danh và mạnh, nhưng không thể nào là “mạnh tuyệt đối”. Muốn có tính chính danh, tức là đảng cộng sản phải chấp nhận đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật, phải chịu sự phán xử công bằng như mọi thực thể khác trước pháp luật, đảng khi đó đương nhiên không thể mạnh tuyệt đối.
Vì thế, đảng cộng sản buộc phải chấp nhận rời bỏ yêu cầu tuyệt đối này nếu muốn được tồn tại chính danh. Thực tế, đã từ lâu, nhất là sau sự thất bại về mặt học thuyết, lý tưởng, mô hình của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 20, bản thân đảng cộng sản đã nhận ra yêu cầu phải sửa đổi và cùng với đó là tìm kiếm tính chính danh cho vị thế lãnh đạo (cầm quyền) của mình.
Ngày nay, nhu cầu hội nhập quốc tế, vừa để phát triển kinh tế, vừa để bảo vệ chủ quyền, khiến yêu cầu chính danh của đảng sẽ ngày càng lớn hơn. Mặt khác, và quan trọng hơn, đó là sự trưởng thành của đông đảo người dân trong ý thức về quyền công dân chính đáng của mình. Khối đông đảo người dân trưởng thành về ý thức công dân sẽ tạo nên áp lực mạnh mẽ và liên tục buộc đảng cộng sản phải chính danh hóa sự tồn tại của mình, buộc đảng cộng sản phải chứng minh được năng lực của mình xứng đáng với vị thế lãnh đạo (cầm quyền) đang có. Do đó, trong thập niên này, một lần yêu cầu chính danh sẽ ngày càng trở nên rõ rệt và bức thiết hơn đối với đảng cầm quyền hiện nay (đảng cộng sản).
Thách thức thứ ba là có một nền hành chính công chuyên nghiệp. 74 năm sau ngày lập nước, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta vẫn chỉ có một nền hành chính công lạc hậu và sẽ chỉ ngày càng lạc hậu do tốc độ phát triển ngày càng nhanh của thế giới, nhất là sự phát triển công nghệ. Sự lạc hậu và thất bại của nền hành chính công sẽ không chỉ làm thất bại mọi mục tiêu kinh tế mà còn kìm hãm mọi mặt phát triển, đồng thời góp phần quan trọng thổi bùng lên các bong bóng căng thẳng xã hội.
Nhưng để có thể xây dựng bộ máy hành chính công chuyên nghiệp hiệu quả thì không thể không đặt vấn đề phân tách rạch ròi quyền lực hành pháp chính trị và quyền lực hành pháp hành chính trong bộ phận hành pháp (trớ trêu, đây lại là khuyết tật cố hữu của hệ thống nhà nước hiện nay). Chỉ khi nào, quyền lực hành pháp hành chính được phân tách để có được sự độc lập tương đối với quyền lực hành pháp chính trị ở mức mọi sự thay đổi trong bộ phận hành pháp chính trị, ít hoặc hầu như không tác động đến sự hoạt động liên tục của bộ phận hành pháp hành chính, thì khi đó mới có thể nói đến việc xây dựng một hệ thống hành chính công chuyên nghiệp và hiệu quả.
Chẳng hạn, như ở Thái Lan, trong khi chính quyền thường xuyên thay đổi trong một thập niên vừa qua, thì bộ máy hành chính công của Thái Lan vẫn cho thấy sự hoạt động liên tục và không kém phần hiệu quả. Cũng như giáo dục, nền hành chính công sẽ bộc lộ rõ và ngày càng rõ hơn sự lạc hậu, yếu kém của mình trong thập niên này cùng với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh của quy mô xã hội, độ phức tạp của nền kinh tế, sự tăng tiến về công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét