Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

067 - Ai đáng bị bêu riếu?




Ngày hôm qua có chuyện do bà Nguyễn Thị Thúy Hồng kể trên trang mạng cá nhân của bà, với bức hình chụp, một tấm bảng ghi tên cùng địa chỉ bà Hồng, với hàng chữ lớn kết tội: “KHÔNG ĐÓNG TIỀN LÀM ĐƯỜNG.” Bà Hồng đang đi chơi bên Úc Châu! Bà không biết có ông tổ trưởng dân phố ở phường 22 đến nhà “yêu cầu đóng góp 3 triệu đồng” ($129) để sửa con hẻm! Người nhà chụp hình tấm bảng gửi cho bà, bà mới nổi sùng lên!
Bà viết mình “vắng nhà đang ở nước ngoài thì làm sao mà đóng góp?” Vì” Tấm bảng này treo ngay góc cua để ai cũng nhìn thấy dài từ khi vào hẻm đến nhà tôi!”
Nếu sống ở một nước tự do, chắc bà Hồng đã nạp đơn kiện cái gọi là “tổ dân phố phường 22, quận Bình Thạnh, Sài Gòn” về tội “bêu riếu tôi… xâm phạm danh dự tôi như một kiểu đấu tố!”
Người bị bêu riếu này khoe đã “từng được nhà nước trao tặng huy chương kháng chiến hạng nhất!”
Một người ở tuổi 60 được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất thì chắc trước năm 1975 đã từng góp phần phá rối miền Nam Việt Nam giúp cho đảng Cộng Sản cướp chính quyền! Bây giờ bà chịu đựng chế độ Cộng Sản đem đấu tố, rồi còn than thở “chưa nhận một đồng bạc nào tiền chính sách và hưu trí” nghe tội nghiệp quá!
Giống như nhạc sĩ “Văn Vĩ đờn cò” sau “Ngày Giải phóng” đã “sáng mắt ra,” bà Hồng bây giờ cũng giác ngộ cách đảng Cộng Sản đối xử với bà không khác gì cảnh “đấu tố long trời lở đất” ở miền Bắc hồi 1954, 55. Lúc đó dân miền Nam không biết gì hết, coi phim “Chúng Tôi Muốn Sống” còn coi là chuyện bịa đặt.
Đảng Cộng Sản đã bày ra cái trò đấu tố, thúc đẩy người Việt Nam ra bêu riếu lẫn nhau! Con bêu riếu mẹ, vợ chửi rủa chồng, sau khi được các cố vấn Trung Cộng giúp giác ngộ quyền lợi!
Chính sách đấu tố chấm dứt rồi nhưng phong hóa đã thay đổi! Người Việt Nam bắt đầu lấy việc bêu riếu nhau làm một thú vui, một trò giải trí, một đòn hạ nhục những người mà mình vẫn ghen tức mà chưa làm gì được!
Nhân dân miền Nam cũng được các cán bộ từ miền Bắc vào truyền bá cái phong hóa bêu riếu đó từ năm 1975 đến nay. Tháng Mười Một vừa qua, hai gia đình ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bị bêu tên trên cột điện, kể tội “không đóng tiền làm đường trong xóm.”
Tại sao người ta lại chỉ bêu riếu nhau về chuyện không đóng tiền làm đường? Cái này thì chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa mới có! Bởi vì mỗi lần dân góp tiền làm đường thì các quan trong tổ dân phố có chấm mút!
Nhưng người dân có thể tự động phát huy nền “phong hóa bêu riếu” này để đặt những tấm bảng trước cửa nhà các quan to, như ông Tướng Nguyễn Văn Hiến và Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải! Rồi thêm ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội, và ông Nguyễn Văn Tứ, chánh văn phòng của Thành Ủy Hà Nội, đã phù phép cho công ty Nhật Cường trúng thầu! Đồng bào Tây Ninh có thể dựng bảng hỏi tội ông phó chủ tịch huyện Châu Thành, được nhận “nhà tình nghĩa xây theo kiểu Thái” có cả chỗ để đậu hai chiếc xe hơi của ông!
Muốn bêu riếu thì nên bêu riếu cho đúng người!
Đề nghị bà Hồng, và những người đã “lập công với cách mạng” kiểu như bà, tuổi từ 60 trở lên, trong ngày 30 tháng tới hãy tham gia biểu tình mừng thắng lợi của đảng với một tấm bảng cũng to bằng tấm bảng bêu riếu bà. Trên tấm bảng, viết một câu: “Cảm ơn Đảng và Nhà Nước Cách Mạng đã giúp chúng tôi nhớ lại một tuổi thơ ấu thật hạnh phúc, bình an!” Ký tên “Nguyễn Thị Thúy Hồng, 60 tuổi.”
Sẽ có người hỏi bà: “Hồi bà còn thơ ấu, năm 75 mới có 16 tuổi, thì Đảng và Nhà Nước với Cách Mạng đã giải phóng cho nhân dân miền Nam đâu?”
Bà có thể trả lời: “Bởi vậy tôi mới cảm ơn!”
Sau năm 1975 bà Hồng và các “chiến sĩ được thưởng huy chương kháng chiến hạng nhất” hạng nhì như bà đâu có biết những đồng bào miền Bắc phải ăn bo bo trong khi mình ở miền Nam vẫn được ăn gạo! Có khi lại là gạo “Mỹ quốc viện trợ!”
Ở tuổi thơ ấu, trẻ em miền Nam thường được nghe chuyện thần tiên bắt đầu bằng câu, “Ngày xưa có một cây khế mọc quả bằng vàng…” rồi nghe kể tiếp về một cuộc sống bình an, hạnh phúc …”
Ở miền Bắc lúc đó, trẻ em được nghe kể chuyện thần tiên thường bắt đầu cách khác: “Mai sau, sẽ có một chế độ xã hội chủ nghĩa huy hoàng…!”
Đồng bào miền Bắc được cho ăn “bánh vẽ” suốt nửa thế kỷ, ai cũng phải cắn răng chịu đựng nhưng người dân không ngu! Người ta đã kể chuyện ông Lê Duẩn đi thăm nông trường, hỏi các nông dân hôm qua ăn cái gì? Một người khai báo thành khẩn, “Cháu bắt được con cóc, đem về nướng lên ăn với rau lang, nó béo ơi là béo!” Người dân chất phác còn ca tụng: “Nhờ ơn Bác và đảng, chúng cháu cứ ăn cóc thế này thì mai mốt sẽ biết nhảy như cóc, đôi chân thun lại không còn biết đi nữa!”
Ông Lê Duẩn trấn an: “Các đồng chí đừng có ‘no!’ Để đảng ‘no!’ Tôi đây này, ngày nào cũng ăn tôm hùm mà hai chân vẫn còn nguyên, có mọc ra cái càng mẹ nào đâu?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét