Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

056 - Antonie van Leeuwenhoek: Ông tổ ngành vi sinh vật học



Van Leeuwenhoek (1632 – 1723) là một thương nhân dệt may người Hà Lan và là nhà tiên phong của ngành vi sinh vật học.
Antonie van Leeuwenhoek sinh ngày 24/10/1632 tại Delft. Năm 1648, ông tập sự tại xưởng của một thương nhân dệt và có lẽ đó là nơi lần đầu ông nhìn thấy kính lúp – vốn được dùng bởi các thương nhân ngành dệt may để đếm mật độ sợi vải, từ đó kiểm soát chất lượng. Năm 20 tuổi, ông trở về Delft và quyết định trở thành một người buôn vải. Ông trở nên giàu có và được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của quận trưởng tại Delft vào năm 1660, rồi trở thành một viên chánh thanh tra địa chính chín năm sau đó.
Năm 1668, Antonie van Leeuwenhoek đến London lần đầu và cũng là lần duy nhất, nơi ông có lẽ đã thấy một bản sao của cuốn ‘Micrographia’ của Robert Hooke (1665) mà bên trong là những bức ảnh về vải mà ông thích thú. Năm 1673, ông báo cáo những quan sát đầu tiên của mình về các phần trên miệng và vòi con ong, chấy và nấm ký sinh ở người lên Hội Khoa học Hoàng gia. Năm 1680, ông được bầu làm thành viên của hội và tiếp tục liên lạc với hội qua thư từ suốt phần đời còn lại.
Năm 1676, van Leeuwenhoek đã quan sát nước một cách tỉ mỉ và kinh ngạc khi trông thấy các sinh vật nhỏ bé – vi khuẩn đầu tiên được quan sát bởi con người. Bức thư thông báo khám phá của ông đã làm dấy lên sự nghi hoặc rộng rãi trong Hội Khoa học Hoàng gia, song Robert Hooke đã thực hiện lại thí nghiệm này sau đó và xác nhận những khám phá của van Leeuwenhoek.
Bên cạnh là cha đẻ của ngành vi sinh vật học, van Leeuwenhoek cũng đặt nền móng cho giải phẫu thực vật và trở thành chuyên gia về sinh sản ở động vật. Ông đã phát hiện ra các tế bào máu và loài giun tròn siêu nhỏ, đồng thời nghiên cứu về cấu trúc của gỗ và các tinh thể. Van Leeuwenhoek cũng chế tạo hơn 500 kính hiển vi để quan sát các vật thể cụ thể.
Không chỉ vậy, van Leeuwenhoek còn phát hiện ra tinh trùng và ông coi đây là một trong những phát hiện quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Ông mô tả các tinh trùng của động vật thân mềm, cá, chim, động vật lưỡng cư và động vật có vú, từ đó đi đến kết luận mới rằng sự thụ tinh xảy ra khi tinh trùng xâm nhập vào trứng.
Van Leeuwenhoek mất ngày 30/08/1723.
Nguồn: Historic figuresBBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét