Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

053 - Thế kỷ 21 rồi, vì sao vẫn còn dìm nạn nhân xuống bùn?





“Bùn” trong ngôn ngữ thông thường đại diện cho những thứ dơ bẩn, nhơ nhớp, không sạch sẽ. “Dìm người khác xuống bùn” vì vậy thường bị xem là một việc làm hèn hạ, độc ác và vô đạo đức.
Đó là lý thuyết.
Trên thực tế, gần như tất cả chúng ta đều đã từng ít nhất một lần làm qua cái việc bị cho là vô đạo đức này. Chúng ta thực hiện nó theo nhiều cách khác nhau. Từ có ý thức (“dìm cho nó chết”) đến vô ý thức (“ủa, sao nó chết vậy”). Từ trực tiếp (“tao nhấn cho mày chết”) đến gián tiếp (“hoan hô, nhấn tiếp đi!”). Từ mức độ nặng (dìm cho chìm nghỉm) đến mức độ nhẹ (cầm bùn ném vào người khác).
Một người đi ngoài đường bị giật mất điện thoại. Bạn sẽ nghe thấy ít nhiều những lời bình phẩm kiểu “sao không chịu để ý gì hết vậy”, “ai biểu ở ngoài đường còn móc điện thoại ra”, “ngu ráng chịu” …
Một nhà bị trộm vào nẫng đi chiếc xe máy. Sẽ không thiếu những lời bình loạn kiểu “sao để đồ đạc hớ hênh vậy”, “sao không làm khóa cẩn thận hơn”, “ngủ gì mà khiếp thế!” …
Một cô gái bị bọn lưu manh hãm hiếp. “Sao lại đi khuya một mình làm gì”, “ai bảo mặc đồ hở hang khiêu khích chúng nó”, “con nhỏ này cũng không phải dạng đoan trang tử tế gì đâu” …
Trừ phi bạn vừa chào đời, chắc chắn bạn đã từng nghe các phiên bản tương tự như những lời ở trên. Hoặc thậm chí, chính bạn là tác giả của những lời đó. Trong những phản xạ bản năng của chúng ta, có một thứ phản xạ được gọi là “dìm hàng nạn nhân”. Thuật ngữ tương tự trong tiếng Anh là “victim blaming” (đổ lỗi cho người bị hại).
Có nhiều giải thích cho thứ bản năng ngược ngạo này.

Huyền thoại về “công bằng”

Một trong những nguyên nhân được trích dẫn nhiều là ở một loại thiên kiến trong đầu của chúng ta, được gọi là “thiên kiến về một thế giới công bằng” (just-world bias).
Được nhà tâm lý học Melvin Lerner đặt tên từ đầu thập niên 1960, “thiên kiến công bằng” là kết quả của niềm tin rằng mọi thứ trên đời này đều công bằng, rằng người tốt sẽ gặp chuyện tốt, và người xấu thì gặp chuyện xấu. Công lý, hay công bằng, là một thứ có sẵn trên đời. Nó là một thứ quy luật bất biến của Tự Nhiên, hoặc của Chúa Trời nào đó tạo ra.
Hệ quả là bất kỳ khi nào thực tế diễn ra trái ngược với niềm tin đó, chúng ta rơi vào hiện tượng “tai này chói tai kia”, hay như trong tâm lý học gọi là “bất hòa nhận thức” (cognitive dissonance). Khi thứ âm thanh vào tai này chói lại thứ có trong tai kia, ta buộc phải tìm cách dung hòa nó.
Một người tốt gặp chuyện xấu? Hừm, có thể người này bản chất không tốt như người ta nói. Hoặc người này tốt nhưng làm sai chuyện gì đó.
Nếu vẫn không tìm ra cái sai nào? Vậy thì chắc chắn kiếp trước người này phạm tội ác gì đó ghê gớm nên kiếp này phải trả nợ.
Không muốn mang tiếng ác mồm độc miệng? Có thể thay đổi góc nhìn, rằng chuyện xấu đó có thể không xấu đến vậy, biết đâu nó là chuyện tốt mà họ không nhận ra?
Nếu chuyện xấu đó rất tồi tệ, như khiến người đó phải chết? Vậy là họ đã thoát khỏi kiếp nạn ở thế giới bi ai này, hoặc họ đã lên thiên đàng hưởng phước, hoặc họ đang sung sướng ở miền cực lạc.
Trong những trường hợp bất hòa nhận thức, bộ não gần trăm tỷ neuron của con người luôn chứng tỏ khả năng siêu cấp, vượt trội so với mọi sinh vật trên trái đất trong việc tạo ra bất kỳ một thứ lý do nào để giữ cho niềm tin ban đầu của mình không bị suy suyển.
Vì sao chúng ta cứ phải tin vào một thế giới công bằng bất biến? Vì sẽ thật đáng sợ, đối với nhiều người, nếu phải chấp nhận sự thật ngược lại. Rằng làm việc tốt có thể không được đền đáp. Rằng làm người tốt hóa ra có thể phải chết rất thảm. Rằng kẻ xấu có thể sống rất lâu và sung sướng đến cuối đời. Thế giới như vậy còn gì đáng sống nữa!
Đáng sống hay không là lựa chọn của mỗi người, nhưng để sống được trong thế giới thực, ta bắt buộc phải chấp nhận cái thực của nó. Rằng thế giới thực, hay thế giới tự nhiên, không có công bằng, chỉ có cân bằng.
Cân bằng của tự nhiên và công bằng mà con người muốn có là hai khái niệm hoàn toàn khác xa nhau.
Ngay cả cân bằng trong tự nhiên cũng là một khái niệm rất “tạm bợ”. Nó luôn thay đổi.
Cầm một ly nước trên tay, lắc qua lắc lại, sau đó để yên, nước trong ly sẽ dần dần quay về trạng thái đứng yên, cân bằng một chỗ như cũ. Nhưng nếu lắc quá mạnh khiến nước tràn ra, khi quay lại trạng thái đứng yên, mực nước sẽ ở điểm cân bằng mới.
Đun sôi, nước sẽ bốc hơi. Nếu hơi nước không thoát ra khỏi cái ly, nó sẽ quay trở lại. Nhưng nếu hơi nước thoát được ra ngoài, ly sẽ cạn khô. Và đó là một điểm cân bằng khác.
Tự nhiên luôn luôn thay đổi. Nếu những thay đổi nằm trong một phạm vi nhất định, mọi thứ có thể quay lại điểm cân bằng. Vượt khỏi phạm vi đó, tự nhiên sẽ tạo ra điểm cân bằng mới. (Đây cũng là điều mà trong suốt hàng thế kỷ qua, các nhà khoa học liên tục cảnh báo về tác động của con người đến tự nhiên, khi nó đã vượt qua khỏi những phạm vi để tự nhiên có thể tự cân bằng. Nhưng đó là một câu chuyện khác.)
Trong khi đó, khái niệm công bằng lại là một sản phẩm 100% “made-in-nhân-loại”.
Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, con người nhận ra rằng “công bằng”, đi kèm với nó là “đạo đức” và “luật lệ”, là công cụ tạo ra một thế giới dễ dàng nhất cho họ. Vừa dễ dàng vừa dễ đoán. Chỉ cần giúp người khác, người ta sẽ giúp lại mình. Nếu không hại người khác, sẽ không ai hại mình. Chỉ cần học giỏi, sau này sẽ thành đạt. Làm việc chăm chỉ, sẽ có cuộc sống sung túc. Đó tất nhiên đều là những mệnh đề tốt đẹp.
Nhưng nó không phải là thứ có sẵn, không phải là định luật của Tự Nhiên, của Chúa Trời hay bất kỳ Thánh Thần nào. Nó thuần túy là ước muốn của con người. Con người mong muốn biến điều đó thành hiện thực, và hàng ngàn năm qua, chúng ta đã tiến những bước rất dài trong việc hiện thực hóa nó.
Trong tuyệt đại đa số trường hợp, chúng ta có thể tự tin giúp đỡ người lạ mà không sợ bị họ cầm đá phang thẳng vào đầu. Gặp bất kỳ người lạ nào, chúng ta có thể yên tâm rằng trừ lúc hạn hữu, họ sẽ không đột nhiên nhảy xổ vào cắn cổ mình.
Trong một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, chúng ta có thể thoải mái ở trong nhà mình mà không phải nơm nớp lo sợ có đám người nào tới đạp cửa xông vào cướp phá.
Gán ghép “lẽ công bằng” cho tự nhiên, cho một đấng siêu linh nào đó là gạt bỏ vai trò lẫn chối bỏ trách nhiệm của con người. Nó vừa tạo ra huyền thoại cổ tích về một thứ “công bằng có sẵn”, vừa biến con người thành những “dìm nhân” – dìm người khác lẫn chính mình xuống để cho khớp với một niềm tin không có thực.

Những con đường tắt cụt lủn

“Thiên kiến công bằng” không phải thứ duy nhất khiến chúng ta sẵn lòng đổ lỗi cho những người gặp nạn. Có một lô một lốc những thành kiến, hay “con đường tắt” khác giúp chúng ta vô tư dìm người khác xuống. Gọi các thiên kiến là “những con đường tắt” vì một lẽ giản dị, chúng thật sự là những lối tắt trong tư duy.
Trong suốt hàng trăm ngàn năm tiến hóa, kể từ khi bước ra khỏi hang đến lúc tìm về các vùng đồng bằng kiếm ăn, những lối tắt này đóng vai trò quan trọng giúp nhân loại sinh tồn. Nhờ có nó, con người thời xưa không phải mất thời gian suy nghĩ mà có thể đưa ra quyết định trong tích tắc – và trong đa phần trường hợp đó là quyết định hợp lý.
Thiên kiến uy quyền” (authority bias) là một kiểu như vậy.
Thời xưa, các già làng, trưởng tộc, thủ lĩnh bộ lạc là những đại diện cho uy quyền. Họ có kinh nghiệm dày dạn hơn người, biết chỗ nào có thể tìm được thức ăn, biết ở đâu có nguồn nước, biết nơi nào có nguy hiểm. Nghe theo những người khôn ngoan đó thì xác suất sinh tồn là rất cao.
Ngày nay, uy quyền đó được đặt trong hình dạng của những ông chủ công ty, các chuyên gia, những người nổi tiếng, các nhà lãnh đạo đất nước, những vị lãnh tụ tôn giáo… Lời họ nói chắc chắn đáng tin hơn người khác!?
Không hẳn vậy.
Xã hội con người ngày nay so với vài trăm ngàn năm trước là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong vài ngàn năm, nhất là vài trăm năm trở lại đây, thế giới của con người đã trở nên phức tạp gấp trăm ngàn lần so với cái thời “uy quyền là số một”. Không ai có thể tự nhận mình là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực. Thậm chí không có mấy người đủ tự tin vỗ ngực nhận mình là chuyên gia hiểu hết một lĩnh vực. Thông tin và tri thức, thứ tài sản độc chiếm tạo nên uy quyền vào thời xưa, ngày nay đã được chia sẻ cho số đông của nhân loại.
“Thiên kiến uy quyền” vì vậy trong rất nhiều trường hợp, thay vì là lối tắt, đã trở thành hố tắt. Vừa khiến người ta bị hố, lại đẩy họ chui thẳng xuống hố. Nhà sản xuất phim lừng danh của Hollywood Harvey Weinstein là một trường hợp uy quyền rớt hố giống vậy.
Trong nhiều thập niên, Weinstein là một trong những biểu tượng quyền lực của Hollywood. Là ông chủ sản xuất phim hét ra lửa, Weinstein lợi dụng vị thế của mình cưỡng ép lạm dụng tình dục hàng chục phụ nữ mà không sợ bất kỳ sự trừng phạt nào.
Những lời tố cáo đơn lẻ về tội ác của Weinstein bị đánh cho chìm xuồng bởi danh tiếng, tiền bạc và đạo quân hùng hậu luật sư cùng thám tử của ông. Bản thân Weinstein cũng tin rằng mình “vô địch thiên hạ”, khi ông liên tục hãm hại nhiều phụ nữ cho tới tận năm 2017, thời điểm hàng loạt nạn nhân đồng loạt cất tiếng.
Khi sự việc bắt đầu vỡ lở, Weinstein vẫn quyết tâm dùng tiền của mình bịt miệng thiên hạ, đòi kiện những tờ báo đưa tin. Và ngay cả lúc đó, những tiếng nói bênh vực ông trùm vẫn tiếp tục xuất hiện, đổ lỗi cho các nạn nhân rằng “chính họ đòi hỏi chuyện đó còn gì”.
Những lời bào chữa và dìm hàng nạn nhân chỉ im bặt khi giữa năm 2018, Weinstein chính thức bị buộc tội và phải đi đầu thú (sau đó được bảo lãnh và tới nay liên tục hầu tòa cho hàng loạt vụ kiện).
“Thiên kiến uy quyền” được thể hiện rõ nét nhất khi người ta đối đầu với chính quyền, đặc biệt ở những chế độ độc tài như Việt Nam và Trung Quốc.
Một người lên tiếng phản đối việc làm sai trái của các quan chức, chỉ cần bị chụp cho chiếc mũ “phản động”, ngay lập tức sẽ khiến nhiều người khác phải e dè. Chắc nó làm bậy gì đó nên mới bị gọi là “phản động” – họ tự thuyết phục mình, và yên tâm đứng về phía chính quyền.
Hay như trường hợp gần đây về việc một nữ ca sĩ bị kẻ xấu đột nhập hệ thống camera trong nhà, phát tán hình ảnh riêng tư. Ai biểu nhỏ đó phản đối Luật An ninh mạng! – họ to nhỏ với nhau, và an tâm rằng chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời, mình sẽ không trở thành nạn nhân của những kẻ hèn hạ đó.
Tha hồ dìm nạn nhân xuống bùn, giữ cho tấm thân của mình “sạch sẽ”, trở thành một chiến lược sinh tồn, giữ an toàn của những người dính phải thứ thiên kiến này.
Thiên kiến biết tuốt” (hindsight bias) là một lối tắt khác giúp nhiều người cảm thấy mình “giỏi hơn” so với những kẻ không may.
Loại lối tắt này vốn dĩ là một kỹ năng giúp con người học hỏi từ các kinh nghiệm trong quá khứ. Nhưng nhiều người “tẩu hỏa nhập ma” đến mức nhìn về quá khứ cứ tưởng rằng mình thấy tuốt tương lai. Nghe kể lại một sự việc đã xảy ra, những thiên tài dạng này sẵn sàng trách cứ người trong cuộc, rằng “sao lúc đó không đề phòng trước?!”, “rõ ràng thằng đó không đáng tin mà vẫn đi với nó?!”, “nếu chịu tìm hiểu kỹ thì đã không mắc bẫy rồi!” 
Điểm đặc biệt là những người đi lối tắt này đều chỉ “biết trước” về những chuyện quá khứ. Họ luôn là chuyên gia lên tiếng phân tích, nhận định, xét đoán đầu tiên khi sự việc đã xảy ra.
Những lời bình phẩm, mà phần lớn là “dìm hàng”, vì vậy chỉ có ý nghĩa đối với bản thân họ: giúp họ thấy rằng mình giỏi hơn, thông minh hơn, và sẽ không trở thành nạn nhân như những “kẻ ngu ngốc” kia.
Nhiều người không những cảm thấy mình giỏi hơn, họ còn cảm thấy mình “tốt hơn” so với những nạn nhân.
Đó là nhờ vào một thứ gọi là “thiên kiến quy kết” (fundamental attribution bias).
Diễn đạt một cách đơn giản, đây là hiện tượng dùng con mắt cú vọ để soi người khác, trong khi lại hỉ xả từ bi khi soi chính mình.
Nếu một đồng nghiệp phạm sai sót nghiêm trọng, bạn dễ dàng đánh giá cô ta hoặc năng lực kém cỏi, hoặc thái độ tồi tệ.
Nếu chính bạn phạm phải sai lầm đó, bạn thường dễ dàng… tìm ra lý do biện hộ cho chính mình. Do cả tuần nay bị sốt cao. Do phải thức khuya chăm con bị bệnh. Do khách hàng thay đổi yêu cầu liên tục. Do cấp trên truyền đạt yêu cầu không rõ ràng. Do đồng nghiệp không hỗ trợ. Do máy tính bị hỏng. Do thời tiết thay đổi, khó chịu trong người …
Điều tương tự xảy ra khi bạn nghe câu chuyện về một người bị hại nào đó. Chỉ cần đó không phải là chính mình hoặc người thân của mình, bạn không cần phải cất công suy nghĩ tìm hiểu cặn kẽ sự việc.
Ngay lập tức, với “con mắt chuyên gia” của mình, chỉ với vài mẩu thông tin lượm lặt, bạn có thể kết luận không chỉ về hành vi, tính cách, đạo đức, thậm chí xét đoán được cả số mệnh của nạn nhân.
Suốt ngày giao du với đám bất hảo đó, bị hại là phải rồi. Con nhỏ đó lẳng lơ lắm, sớm muộn cũng gặp chuyện mà thôi. Lần này bị vậy là còn may, lần sau có khi nó còn bị thảm hơn.
Chỉ cần người bị sa lầy không phải là mình, hoặc người thân của mình, bạn vô tư đứng bên ngoài hất bùn về phía họ. Nó khiến bạn cảm thấy mình “xứng đáng” hơn những người không may đó.
Bạn sẽ (không) ngạc nhiên khi biết truyền thông cũng đóng một vai đắc lực trong “văn hóa dìm nạn nhân” này.
Thông tin một cô gái bị hãm hại, thay vì đưa tít bài trung dung, những nhà báo nhạy cảm sẽ góp thêm một ít hương vị, kiểu “Thiếu nữ say rượu bị cưỡng hiếp giữa khuya”.
Ấn tượng của nhiều người đọc và các cuộc thảo luận tiếp theo khi đó sẽ xoay quanh những chi tiết như “say rượu” và “giữa khuya”: vì sao lại say, sao lại uống đến mức đó, chủ động uống say hay bị chuốc rượu, uống với ai, sao lại uống rượu vào đêm hôm, cô này có phải bợm nhậu dân chơi hay không, chắc là ngưu tầm ngưu mã tầm mã rồi, gái nhà lành đâu có ai vậy …
Đối tượng chính của sự việc – những kẻ thủ ác – lại nghiễm nhiên trở thành nhân vật phụ. Bùn dơ cứ thế được gom đổ xuống đầu nạn nhân, bất chấp một đạo lý giản dị: trong bất kỳ trường hợp nàokhông ai có quyền hãm hại/ cưỡng hiếp người khác.
Các chương trình thời sự trên truyền hình cũng góp công không nhỏ vào phong trào đổ lỗi cho người bị hại. Các đoạn ghi hình cảnh cướp giật trên đường phố, trộm lẻn vào nhà lấy cắp tài sản, đối tượng dàn cảnh lừa đảo ở các cửa hàng … đều kết thúc với cùng một thông điệp: “người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác”.
Không chỉ truyền thông, các cơ quan chính quyền, những người ăn lương của dân để bảo vệ trật tự trị an, cũng sốt sắng tiêm vào trong đầu người dân ý tưởng đó. Nghĩa là khi trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, đó là do người dân “thiếu ý thức cảnh giác”. Lỗi là của người bị hại.
Hãy thử đổi vai các nhân vật một chút.
Tưởng tượng bạn bỏ tiền thuê bảo vệ canh giữ ngôi nhà của mình. Nhà bạn bị trộm đột nhập lấy cắp tài sản. Bảo vệ và hàng xóm lập tức chỉ ra cho bạn thấy bạn sơ hở đến đâu, ý thức cảnh giác kém thế nào, yêu cầu bạn phải tự kiểm điểm bản thân.
Bạn gật gù chấp nhận, tiếp tục nai lưng trả tiền nuôi bảo vệ (ở đây là chính quyền) và bỏ tiền nghe hàng xóm (ở đây là báo đài) dạy khôn mình.
Một người khôn ngoan như bạn liệu có thể chấp nhận thứ logic quái gở này?

Dìm người khác xuống có nâng được mình lên?

Hùa với uy quyền để được an toàn. Tự huyễn hoặc biết tuốt để nghĩ mình tài giỏi hơn người. Đặt mình ở đẳng cấp khác để cho rằng bản thân xứng đáng hơn, tốt đẹp hơn những người không may. Ảo tưởng về một thế giới mà công bằng như món ăn dọn sẵn, để rồi khi không thấy món đó trên bàn thì chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc tạo ra nó.
Nhưng tội ác lớn nhất mà những “dìm nhân” gây ra không nằm ở việc trét bùn lên những người bị hại. Thứ tội ác đáng ghê tởm nhất là khi các “dìm nhân” này khiến những người không may bị hại tin rằng bản thân họ có lỗi, thậm chí là có tội.
Đây đã là thế kỷ thứ 21, nhưng những bi kịch về việc tự tử khi bị lạm dụng tình dục hay thậm chí tự sát vì bị tung ảnh riêng tư ra ngoài vẫn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta hể hả ném bùn về phía nạn nhân, để rồi lại ngây thơ vô số tội, “ủa, sao lúc bị hãm hại không trình báo liền đi”.
Chúng ta dìm họ xuống bằng đủ mọi cách, để rồi lại cao thượng yêu cầu họ “cứng rắn lên, sao phải sợ dư luận!”.
Tất nhiên bạn có thể phản đối chữ “chúng ta” ở trên, và người viết hy vọng bạn sẽ phản đối. Vì như vậy có nghĩa bạn không phải là người tung chân đạp những ai không may bị kẻ xấu đẩy ngã. Nhưng nếu chỉ có vậy, bạn khó có lý do để tự hào.
Đứng ngoài vũng bùn, khoanh tay ngó những người gặp nạn bị đạp chìm nghỉm không làm cho bạn sạch sẽ hơn.
Chỉ cần trơ mắt đứng nhìn, đầu óc của bạn cũng đã bị văng đầy bùn dơ như những kẻ khát máu kia rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét