Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

043 - Biển Đông: Jakarta nói 'chủ quyền' TQ không có căn cứ pháp lý



Getty Images
Ngư dân Indonesia nói họ thấy một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá Trung Quốc nhiều lần trong những ngày gần đây, và họ đã báo cáo cho Cơ quan An ninh Biển Indonesia (hình minh họa) GETTY IMAGES

Indonesia hôm thứ Tư bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "không có căn cứ pháp lý". Lời bác bỏ được đưa ra hai ngày sau khi Jakarta phản đối việc tàu tuần duyên Trung Quốc hiện diện trong vùng lãnh hải Indonesia. Indonesia cũng cho hay đã bắt giữ ba tàu cá Việt Nam ở cùng vùng biển mà tàu Trung Quốc xâm phạm.
Trong một phản ứng sắc bén, Bộ Ngoại giao Indonesia trong thông cáo ra hôm 2/1 đòi Trung Quốc phải giải thích về "cơ sở pháp lý và các đường biên rõ ràng" liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Indonesia nói là vùng EEZ, TQ coi là vùng thuộc Quần đảo Trường Sa
Indonesia nói EEZ là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của Công ước Luật Biển LHQ 1982 (UNCLOS). Là một thành viên ký kết UNCLOS, Indonesia nói, Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng quy định này.
Cuộc tranh cãi chính thức nổ ra hôm 30/12, khi Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông cáo nói tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào vùng EEZ của Indonesia, khu vực ngoài khơi Quần đảo Natuna ở phía bắc nước này.
Nằm về phía đông bắc của Quần đảo Natuna là Quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philipines.
Tuy nhiên, Indonesia không phải là một bên tham gia tranh chấp.
Indonesia ngay hôm 30/12 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta tới để trao công hàm phản đối mạnh mẽ.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ 31/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh, và rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá "bình thường" tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến.
Tuy không nhắc tên địa danh cụ thể, nhưng Trung Quốc coi đó là nơi liên quan tới Quần đảo Trường Sa.
"Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan tới Quần đảo Trường Sa," ông Cảnh Sảng nói. "Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Các ngư dân Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động đánh bắt ở vùng biển liên quan tới Quần đảo Trường Sa. Điều đó là hợp pháp và hợp lý."
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Indonesia lặp lại quan điểm Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc.
Jakarta cũng nhắc tới việc lập luận của Bắc Kinh đã bị bác hồi 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague, PCA, và tuyên bố Indonesia "không bao giờ công nhận Đường Chín đoạn của Trung Quốc".


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionIndonesia đã nhiều lần bắt giữ, đánh chìm tàu cá Việt Nam và tàu các nước khác bị cho là vào đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này

Tuy nhiên, hai bên liên tục có đụng độ về quyền đánh bắt cá quanh Quần đảo Natuna, với việc Indonesia bắt giữ ngư dân Trung Quốc và tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Theo trang tin The Jakarta Post, trước đó, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia đã báo cáo tình trạng phát hiện có hàng chục tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống tàu cá vào tiến hành các hoạt động mà giới chức Indonesia cho là đánh bắt cá bất hợp pháp.
Jakarta Post nói khoảng 50 tàu Trung Quốc vào vùng biển Indonesia lần đầu tiên hôm 19/12 và rời đi vào ngày hôm sau. Đến ngày 24/12 lại có thêm các tàu nữa quay trở lại với sự hộ tống của nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc.
Trung Quốc và vùng EEZ của Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu bè và các lực lượng hải cảnh vào khu vực EEZ của nước khác trên Biển Đông.


Tàu Hải Dương 8 đã quay lại Bãi Tư Chính hôm 13/8Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTàu Hải Dương 8 lần đầu tiên vào Bãi Tư Chính là đầu tháng Bảy, lần thứ hai vào hôm 13/8, và lần thứ ba, hôm 7/9

Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh đã vào Bãi Tư chính ở ngoài khơi Vũng Tàu, nơi mà Hà Nội nói là hoàn toàn thuộc vùng EEZ của Việt Nam, theo quy định của UNCLOS.
Việc tàu khảo sát tiến vào, ở lại, rời đi rồi lại quay trở lại nhiều lần cho tới tận cuối tháng Mười đã làm nổ ra cuộc khẩu chiến và đối đầu căng thẳng ngoại giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Nếu như ở vùng Quần đảo Natuna, Bắc Kinh coi đó là ngư trường cho các hoạt động đánh bắt cá "bình thường" của ngư dân Trung Quốc và Indonesia, thì ở Bãi Tư chính, Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã có "vi phạm nghiêm trọng".
"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam," ông Cảnh Sảng nói hồi tháng 9/2019.
Hà Nội đã phản ứng bằng cách "nhiều lần giao thiệp" với Bắc Kinh, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi trung tuần tháng Chín nói.
Hiện có ý kiến nói các vấn đề ở Biển Đông có thể được nêu ra năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu làm chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét