Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

*13819 - “Chuyện cái chức làm quan”: tôi biết cả rồi đấy nhé!






“Tôi biết cả đấy nhé”

Vào năm 2017, trong hội nghị liên quan đến xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, lề đường ở những tuyến phố trung tâm Hà Nội, Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảnh báo: Chủ tịch Hà Nội thẳng thắn: “Khi làm Giám đốc Công an thành phố, tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau. Nên chỉ cần quán triệt mấy ông công an là tốt hết”.

Vào năm 2018, phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”.

Vào năm 2019, trong buổi thảo luận về công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị phóng cảnh báo: “Làm luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, tôi không ngại gì cả. Tôi không quen biết doanh nghiệp kinh doanh rượu bia nào. Nhưng tôi cũng biết đằng sau chuyện xây dựng luật này có vấn đề lợi ích đấy”.

Nhìn chung, các quan chức nhà nước, đều biết hoặc nắm được cái gì đang diễn ra trong thể chế, và càng tiêu cực thì họ càng nắm rõ. Vấn đề, họ nắm rõ (hay biết), nhưng họ xử lý qua “tuyên bố, cảnh báo, nhấn mạnh” tại các hội thảo, hội nghị,… theo vì tiến hành thúc đẩy các cơ quan tố tụng, điều tra vào làm việc. Nhiều người cho rằng, đó không phải là chức trách của họ, nhưng thực tế, họ là lãnh đạo, và trước hết là một đại biểu quốc hội.

Ông Phúc, ông Chung và bà Phóng đều có quyền lực trong tay, và khi họ lên tiếng hay chỉ đạo thì những quan điểm đó cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn nạn mà họ nắm bắt được. Nhưng họ đã không làm thế, có thể là bất lực trước cơ chế trong bối cảnh họ là một chìa khóa quan trọng của chính nó, hoặc cũng có thể họ nằm trong cái câu chuyện chướng tai gai mắt đó.

Có lẽ vì lý do đó, mà bà Chủ tịch Quốc Hội đã cẩn thận rào trước đón sau, theo phương thức biện bạch, rằng bà không “ngại gì cả, không quen biết doanh nghiệp kinh doanh rượu bia nào”, và bà lên tiếng về cái lợi ích nhóm hay vận động hành lang dự luật rượu bia.

Bà Phóng thật thà, và sự thật thà của bà gợi nhớ về sự thật thà của Thủ tướng Phúc, và Chủ tịch thủ đô Chung.

“Tôi biết quan chức phè phỡn, nhưng không có số liệu”

Mới đây, hội trường Quốc Hội nóng chuyện “đời sống phè phỡn” của quan chức thời nay. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết cán bộ, lãnh đạo cao cấp sống như chúa tể rừng xanh, vun vén, đi nước ngoài ăn chơi phè phưỡn bằng tiền ngân sách…., quan điểm này ngay lập tức khiến Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu Giám đốc Công an Nghệ An phản bác lại, vì cho rằng quan điểm của ông Nhưỡng là “chung chung”, và vị ĐB của tỉnh Nghệ An yêu cầu ông Nhưỡng phải cho biết, “hiện nay, có bao nhiêu quan chức đi ăn chơi phè phỡn nước ngoài như quan lại ngày xưa?”.

Thực ra, quan điểm của ông Nguyễn Hữu Cầu là đòi hỏi đúng đắn, lý do, chúng ta không phải phủ đất nước bằng màu xám xịt với những ngôn ngữ chung chung, mà phải chỉ rõ ra, đó là ai, để cơ quan điều tra vào cuộc.

Giống như ĐBQH tỉnh Nghệ An, người viết cũng đòi hỏi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng mạnh dạn và dũng cảm như chính ông tuyên bố là “không ngại động chạm”, nhưng có vẻ ông chỉ dừng được đến đó, bởi khi rào đón “không ngại”, thì ông chỉ tuyên bố chung chung là “có những cán bộ lãnh đạo cao cấp sống như thái tử, hoàng tử.”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có thể dẫn ví dụ về đời sống giản dị với “ngai vàng” của nguyên TBT Nông Đức Mạnh từng gây sóng gió mạng xã hội một thời.

Hoặc một cách “sống như thái tử, hoàng tử”, là biệt phủ Yên Bái của một Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái.

Hoặc có thể theo cách của ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa, người chỉ còn 3 tháng nữa về hưu đã được đặc cách đi Hàn Quốc nghiên cứu, khảo sát thực tế về xây dựng đô thị thông minh.

Cũng có thể đề cập đến 2 lô đất vàng với tổng diện tích 1.200m2, mà vợ ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam) được đặc cách mua để xây biệt thự, đã được Kiểm toán Trưởng kiểm toán Nhà nước khu vực III tại TP.Đà Nẵng đề cập trong báo cáo vừa qua.

Cũng có thể là căn biệt thự của ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, trên đường Bát Nàn, Biệt thự của Phó ban Nội Chính Daklak Nguyễn Sỹ Kỷ gây rúng động dư luận năm 2017, biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Kon Tom - Ủy viên thường vụ tỉnh ủy; căn biệt thự song sinh của Bí thư huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Những tài sản chưa bao giờ được giải trình một cách đầy đủ và bạch hóa.

Và hàng ngàn m2, và hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng cho những khu biệt thự, biệt phủ và ngai vàng đã tồn tại một cách đúng quy trình của thể chế.

Chuyện quan chức sơ, trung, cao cấp ở những vị trí “làm ra tiền” chưa bao giờ sống theo lương bổng, mà họ thực sự hóa thân thành “ông chúa, bà hoàng” là điều có thật. Có thể ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu chưa sâu sát với đời sống quan chức nên ông không biết, hoặc có thể là một người liêm chính nên ông hoàn toàn không tin được sự “đen tối” đó của giới quan chức ngày nay. Nhưng điều này có thẻ hiểu được, và việc ĐBQH tỉnh Nghệ An đòi hỏi bằng chứng rõ ràng hơn là sự đánh đố, lý do -  giá như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng độc tài và quyền lực như Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì ông đã có thể thẳng thắn chứng minh với ĐBQH tỉnh Nghệ An, bằng cách ban hành chế tài buộc các quan chức lớn nhỏ và thân nhân các vị ấy khai báo về tài sản cá nhân. Lúc đó, không chỉ có quan Yên Bái “buôn chổi đót”, hay quan Daklak “chạy xe ôm”, mà sẽ có hàng trăm quán chức lộ ra các ngành nghề phổ thông khác (thậm chí cả “bán dâm”) để biện bạch về tài sản hàng chục đến hàng ngàn tỷ đồng của mình, hoặc đôi khi là vài triệu, nhưng là USD chứ không phải VND.

Biết chính là không biết và ngược lại

Câu chuyện “nắm bắt” của ông Phúc, ông Chung, bà Phóng với câu chuyện tranh cãi qua lại giữa hai ĐBQH về “đời sống quan chức” tuy hai nhưng một. Đó là có những thứ xảy ra, họ nhận biết, nhưng họ không thể ngăn chặn hoặc chống lại. Và có những thứ, tồn tại một cách hiển nhiên, họ nhận biết, nhưng họ lại không thể chứng minh vì luật lệ có một khoảng trống.

Biết nhưng không thể làm gì được, thế nên “tôi biết cả đấy” trở thành phương ngôn của quan chức hết mực với công việc. Và đời sống quốc gia trở nên “bớt tối tăm” hơn, bởi lẽ, biết nhưng không phơi bày thì tình hình đất nước sẽ vẫn còn hồng hào lắm!.

Liên quan đến “biết” và “thừa nhận” của con người và cơ chế XHCN, mới đây, ngân hàng trung ương Venezuela bất ngờ dũng cảm công bố dữ liệu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, với tăng trưởng âm 25%, và chính thức thừa nhận nền kinh tế sụp đổ sau vài năm “lên án thế lực thù địch bôi nhọ, tô đen chính quyền Maduro”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét