Một dây chuyền chế tạo điện thoại di động Hoa Vi, tại Đông Hoàn, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 25/03/2019) REUTERS/Tyrone Siu/File Photo
Một thế giới lưỡng cực về công nghệ đang hình thành. Hoa Vi chỉ là một biểu tượng trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung nhằm kiểm soát kinh tế và cả sức mạnh quân sự trong thế kỳ 21. Trên đây là phân tích của chuyên gia Julien Nocetti, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.
Tháng 05/2019 tổng thống Donald Trump viện cớ an ninh quốc gia cấm các tập đoàn Mỹ dùng và cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các công ty nước ngoài thuộc diện nguy hiểm. Đối tượng đầu tiên trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ là Hoa Vi, con chim đầu đàn của công nghệ viễn thông và high tech Trung Quốc. Nhưng Hoa Vi chỉ là « một cái cây che khuất cả một khu rừng » như người Pháp thường nói.
Trở lại với điểm ban đầu là Hoa Vi : Báo chí quốc tế từ 5 tuần qua thường xuyên nêu ra ba lý do thúc giục Nhà Trắng chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một là chính quyền Trump dùng công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến này để mặc cả với phía bên ông Tập Cận Bình nhằm khai thông đàm phán thương mại đang bị bế tắc. Thứ hai là tính toán về chiến lược và quân sự : Washington lo ngại công ty do ông Nhậm Chánh Phi, một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc sáng lập, thì ít nhiều cũng là tai mắt của Bắc Kinh. Yếu tố thứ ba được nhắc đến nhiều lần đó là Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh về công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đã đan kết quá chặt chẽ vào nhau. Trường hợp của Hoa Vi là một điển hình. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Julien Nocetti thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp – IFRI nhấn mạnh đến mối liên hệ « môi hở răng lạnh » giữa các hãng điện tử Mỹ và đối tác Trung Quốc Hoa Vi :
Julien Nocetti : Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Hoa Vi với các công ty Mỹ đã bị Donald Trump đánh giá thấp. Hoạt động của Hoa Vi và các hãng Mỹ - kể cả các hãng của châu Âu đã đan kết vào nhau, các công ty này thực ra đang lệ thuộc vào nhau. Nhìn riêng vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta thấy ngay là điện thoại thông minh hay máy vi tính chỉ có thể hoạt động nếu như được trang bị "chíp điện tử" mà để chế tạo được ra những "con bọ" điện tử này thì bắt buộc phải có đất hiếm. Cho tới nay Trung Quốc chiếm thế gần như độc quyền về xuất khẩu đất hiếm. Nhưng ngay cả đất hiếm của Trung Quốc cũng cần phải chuyển sang Hoa Kỳ để "sàng lọc" rồi mới có thể dùng để chế tạo linh kiện bán dẫn ... Chúng thấy rõ là kinh tế của thế giới đã được toàn cầu hóa. Các quốc gia tham gia vào dây chuyền cung cấp của toàn cầu. Trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung lần này, cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng muốn thay đổi mô hình của một nền kinh tế toàn cầu hóa đó.
Rủi ro gián đoạn dây chuyền cung cấp
Với việc cấm cửa Hoa Vi này, Hoa Kỳ làm gián đoạn dây chuyền cung cấp của thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Julien Nocetti viện IRFI nhìn nhận đây là một rủi ro có thực :
Julien Nocetti : Đây là rủi ro khá lớn. Dây chuyền cung cấp của thế giới có thể bị xáo trộn qua việc Mỹ chĩa mũi dùi vào Hoa Vi. Một số đối tác của Hoa Vi, chẳng hạn như nhà sản xuất linh kiện bán dẫn ARM của Anh đã phải xét lại chiến lược phát triển. Cần biết rằng chỉ một mình Hoa Vi hiện đang mua vào từ 9 đến 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới. Hoa Vi là một khách hàng vô cùng lớn đối với các nhà sản xuất trong ngành mà không hãng nào muốn hay dám bỏ qua. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mà bị cấm giao lưu với các đối tác châu Âu và Mỹ thì chính bản thân các nhà cung cấp của Mỹ, của châu Âu điêu đứng. Sắc lệnh của tổng thống Trump cấm cửa Hoa Vi tác động trực tiếp đến nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ như Qualcomm hay Intel.
Mỹ - Trung Quốc : ai cần ai ?
Theo điều tra của hãng tin Mỹ Bloomberg được công bố hôm 22/06/2019 năm 2018 Trung Quốc mua vào khoảng 300 tỷ đô la linh kiện bán dẫn của Mỹ (thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc năm 2018 là 323 tỷ đô la theo thống kê của Bắc Kinh). Ba nhà cung cấp quan trọng nhất của Trung Quốc là Intel NVIDIA và AMD. Chỉ riêng một mình Intel đang kiểm soát 36 % thị phần toàn cầu.
Một mình Hoa Vi mua vào trên dưới 10 % linh kiện bán dẫn của thế giới như chuyên gia Nocetti vừa giải thích và linh kiện bán dẫn luôn được ví là bộ não của từ máy vi tính đến điện thoại cầm tay hay máy tính bảng.
Nhìn đến lĩnh vực điện thoại di động, vẫn điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy, bản thân Hoa Vi không lệ thuộc nhiều vào « bọ của Mỹ », bởi gần ba phần tư điện thoại thông minh do tập đoàn này chế tạo sử dụng chip riêng của mình. Một số đối thủ của Hoa Vi trên thị trường nội địa Trung Quốc không được độc lập như vậy với chip của Hoa Kỳ. Chẳng hạn như là điện thoại Xiaomi chỉ hấp dẫn nhờ có bọ do tập đoàn Qualcomm chế tạo.
Xiết chặt gọng kềm công nghệ
Nhưng Hoa Vi không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất điện thoại cầm tay. Đây trước hết là một tập đoàn cung cấp trang thiết bị dịch vụ về mạng và viễn thông, sản xuất thiết bị truyền thông. Tập đoàn này được sáng lập năm 1987, hiện có khoảng gần 190.000 nhân viên trên thế giới. Gần một nửa trong số đó công tác tại 21 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Hoa Vi cộng tác với khoảng 1.500 công ty quốc tế.
Phần nổi của « tảng băng » trong số các hoạt động của Hoa Vi được công chúng biết đến nhiều hơn cả là những chiếc điện thoại cầm tay. Năm ngoái trên thị trường điện thoại thông minh, Hoa Vi soán ngôi Apple, đứng hàng thứ nhì thế giới chỉ thua có Samsung của Hàn Quốc.
Theo nhà phân tích Julien Nocetti viện IFRI của Pháp chắc chắn là khi tuyên chiến với Hoa Vi, tổng thống Trump không chỉ nhằm bảo vệ một mình hãng điện thoại có logo hình quả táo :
Julien Nocetti : Đúng là chiến tranh về công nghệ đã mở ra. Cần nhắc lại, ban đầu mục tiêu của Donald Trump khi ông mở cuộc chiến thương mại là để bảo vệ việc làm cho dân Mỹ. Nhưng với thời gian, và nhất là trong những tháng gần đây, chiến tranh thương mại đã chuyển hướng thành một cuộc chiến công nghệ. Công nghệ đã trở thành một vấn đề chiến lược.
Ông Trump muốn tách công nghệ ra thành hai khối. Một bên là những quốc gia sử dụng kỹ thuật, sử dụng các phương tiện và các dịch vụ viễn thông của Mỹ, bên kia là những quốc gia dùng ứng dụng và trang thiết bị công nghệ của Trung Quốc.
Hai khối này cạnh tranh với nhau và thậm chí là đối đầu với nhau. Đây là một nước cờ đầy mạo hiểm vì nhiều lý do. Một là về mặt địa chính trị, thế giới lại bị phân chia ra thành hai khối, nhưng lần này sẽ do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu. Mỗi bên sẽ mở rộng ảnh hưởng, lôi kéo các đồng minh về phía mình. Châu Âu, đặc biệt là Đông Nam Á, châu Phi, các nước ở châu Mỹ Latinh, sẽ bị giằng co giữa hai ông khổng lồ này. Đến một lúc nào đó họ phải lựa chọn đứng về một phe. Rủi ro thứ hai là thuần túy về mặt kỹ thuật, Mỹ hiện không có một tập đoàn này làm chủ toàn bộ quy trình công nghệ như là Hoa Vi. Châu Âu thì có Nokia và Ericsson gần bắt kịp Hoa Vi, nhưng cũng bị chậm hơn tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mất từ một năm rưỡi đến hai năm.
Còn quá sớm để thẩm định chính xác về những thiệt hại từ các đòn trừng phạt về công nghệ mà cả phía Mỹ và Trung Quốc đang hứng chịu nhưng rõ ràng là nhắm vào Hoa Vi, Washington đã xoáy vào một biểu tượng lớn của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Đây là tập đoàn thành công nhất trong số tất cả các hãng của Trung Quốc trên con đường chinh phục tế giới, là niềm tự hào của một quốc gia không chỉ là « công xưởng » của thế giới mà đang trở thành một trong những ngọn hải đăng của công nghệ cao ngang tầm với Mỹ.
Hơn một tháng sau, khi quyết định phạt Hoa Vi, chính quyền Trump vừa thông báo đưa thêm vào danh sách đen 5 công ty khác của Trung Quốc, tất cả đều trong lĩnh vực công nghệ cao. Ba cơ sở đặt tại Thành Đô, một ở Thiên Tân và thực thể thứ 5 là một viện nghiên cứu công nghệ (Viện Công Nghệ máy tính Vô Tích Giang Nam - Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology). Theo bộ Thương Mại Hoa Kỳ, viện nghiên cứu này là một chi nhánh trực thuộc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.
Báo tài chính Wall Street Journal số ra ngày 23/06/2019 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết, Mỹ sẽ thắt chặt thêm nữa gọng kềm nhắm vào high tech của Trung Quốc. Tổng thống Trump chuẩn bị ban hành thêm một sắc lệnh cấm tất cả các trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc dùng để phục vụ hệ thống viễn thông 5G tại Hoa Kỳ.
Chuyên gia Dereck Scissors thuộc viện American Enterprise Institute được hãng tin Bloomberg trích dẫn đánh giá, cuộc đọ sức Mỹ - Trung không chỉ thu hẹp ở trường hợp của Hoa Vi mà tất cả các động thái gầy đây nhất từ phía chính quyền Trump cho thấy, Hoa Kỳ không có dấu hiệu muốn nhượng bộ Bắc Kinh cho dù là hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump sắp sửa bắt tay nhau tại thượng đỉnh G20 Osaka và đôi bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để « giải tỏa xung khắc về thương mại ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét