Tổng thống Iran Hassan Rohani trong cuộc họp nội các, Téhéran, ngày 08/05/2019. AFP
Tuyên bố không muốn chiến tranh nhưng tổng thống Mỹ gia tăng gây sức ép tối đa với Iran. Lệnh trừng phạt mới, ngày 24/06/2019, nhắm vào cá nhân Ayatollah Khamenei, lãnh đạo tối cao của chế độ Hồi giáo. Teheran đối phó bằng cách nào trước nguy cơ khủng hoảng còn kéo dài và trong chiều hướng leo thang ?
Bình luận về quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ kế hoạch oanh kích trả đũa vụ bắn hạ máy bay dọ thám tự hành, báo chí thuộc xu hướng bảo thủ tại Iran chế diễu chủ nhân Nhà Trắng là kẻ nhát gan.
Trên thực tế, theo giới phân tích, Donald Trump thực tâm không muốn chiến tranh. Trong chiến lược « nước Mỹ trước đã », tổng thống Mỹ chỉ muốn Iran đàm phán lại hiệp định hạt nhân đúng nghĩa, tức là từ bỏ vĩnh viễn tham vọng chế tạo bom nguyên tử. Dự định tấn công hồi thứ Sáu tuần trước, nếu thi hành, chỉ là hành động quân sự thứ ba của chủ nhân Nhà Trắng tại Trung Đông. Hai lần trước là oanh kích Syria.
Có lẽ bắt mạch được đối thủ, Iran chọn thái độ đối đầu với Mỹ, chấp nhận mọi bất trắc, nhưng có suy tính thận trọng.
Iran không đánh đồng Donald Trump với nhóm chủ chiến
Từ giữa tháng 5 đến nay, đã có hai vụ bao gồm 6 chiếc tàu dầu quốc tế bị tấn công trong biển Oman. Mỹ, Anh, Đức tố cáo Iran đứng sau hành động khiêu khích này. Báo Le Monde trích dẫn chuyên gia Ariane Tabatbai cộng tác với quân đội Mỹ, cho rằng Iran xem các vụ này là do phe « diều hâu » ở Washington muốn làm « thay đổi chế độ chính trị », phối hợp với một số lãnh đạo ở vùng Vịnh và Israel để gây chiến. Thế nhưng, dù Iran có là thủ phạm hay không, cho đến nay kể cả chính sách can thiệp quân sự hỗ trợ chế độ Bachar al Assad, cũng không bị Donald Trump trừng phạt bằng vũ lực. Chủ nhân Nhà Trắng chỉ xếp lực lượng Vệ binh Cách mạng vào « danh sách khủng bố ».
Cũng để thăm dò lá bài úp của Donald Trump, chính quyền Iran đánh ván bài lật ngửa, tăng tốc một cuộc khủng hoảng khác với quy mô lớn hơn : Ngưng tôn trọng hiệp định hạt nhân 2015, tăng cường tinh lọc uranium và tích trữ nước nặng, hai thành tố chế tạo bom hạt nhân và khinh khí (nhiệt hạch).
Teheran muốn chứng tỏ với Washington là áp lực tối đa của Mỹ - xé hiệp định hạt nhân, tiến hành chiến tranh kinh tế, cấm vận dầu hỏa - có cái giá phải trả và Iran muốn Mỹ trả giá cao.
Khi chọn « đấu trường » này, Iran tính gì ? Theo chuyên gia Ariane Tabatbai, Iran không « đóng cánh cửa ngoại giao » mà chỉ dọn đường trở lại bàn đàm phán ở thế mạnh, ít ra là không bị mang tiếng nhượng bộ đối phương.
Nội các Iran, trong một cuộc họp hồi tuần trước, do tổng thống Rohani chủ trì, tiết lộ danh sách các điều kiện đề nghị với Washington. Trong số này có yêu sách đòi Hoa Kỳ phải công nhận chế độ Hồi giáo. Điều kiện này, đã được tổng thống Donald Trump chấp thuận một phần khi ông tuyên bố mong mõi người dân Iran được « phú cường » với ban lãnh đạo hiện nay. Các nhà chiến lược Iran nghi nhận Donald Trump không còn nhắc đến danh sách 12 yêu sách tối đa thông báo hồi năm 2018.
Chấp nhận rủi ro trắc nghiệm tổng thống Mỹ thứ 45
Dự phóng tổng thống Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng cũng không bỏ cấm vận, Teheran tìm cách trắc nghiệm quyết tâm của tổng thống Mỹ thứ 45 đến đâu. Bắn hạ « drone » gián điệp của Mỹ cũng nằm trong chiến thuật « rủi ro có tính toán » này : chúng tôi có vũ khí đối đầu và không ngần ngại sử dụng.
Những sự kiện này cho phép một nhà phân tích thông hiểu tình hình Iran suy đoán : Qua các hành động vừa khiêu khích vừa kín đáo mời gọi đàm phán, Iran tìm cách che dấu tâm trạng gần như tuyệt vọng của một kẻ chờ đợi vận hội mới.
Trữ lượng ngoại tệ của Iran còn khoảng 110 tỷ đôla, trong đó có 50 tỷ tiền mặt, đủ để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong hai năm và trợ giúp lương thực cho người nghèo khó. Hai năm gồng mình chờ vị tổng thống thứ 46 biết thông cảm hơn. (Le Monde 25/06/2019). Trong trường hợp ngược lại, thì người dân Iran có thời giờ chuẩn bị tình huống xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét