Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

14570 - Ngày 30/06/1936: ‘Cuốn theo chiều gió’ được xuất bản




Vào ngày này năm 1936, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell – một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại và là cảm hứng cho bộ phim bom tấn năm 1939, đã chính thức xuất bản.
Năm 1926, Mitchell đã buộc phải rời bỏ công việc phóng viên của mình tại tờ Atlanta Journal để hồi phục sau một loạt chấn thương thể chất. Có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, Mitchell sớm sinh ra buồn chán. Sử dụng chiếc máy đánh chữ Remington, món quà từ người chồng thứ hai, John R. Marsh, trong căn hộ một phòng ngủ chật chội của họ, bà bắt đầu kể câu chuyện về cô gái xinh đẹp người Atlanta – Pansy O’Hara.

Kể về hành trình cuộc đời đầy biến động của Pansy từ miền Nam Nội chiến bước sang thời kỳ Tái thiết, Mitchell đã vận dụng những câu chuyện mà bà được nghe từ cha mẹ và người thân, cũng như từ các cựu quân nhân Hợp bang mà bà từng gặp khi còn là một cô gái trẻ. Dù đã luôn cực kỳ bí mật về công việc của mình, cuối cùng Mitchell cũng chấp nhận đưa bản thảo cuốn sách cho Harold Latham, một biên tập viên của Nhà xuất bản MacMillan tại New York. Latham khuyến khích Mitchell hoàn thành tiểu thuyết, nhưng với một thay đổi quan trọng: tên của nữ chính. Mitchell đã đồng ý đổi nó thành Scarlett, và biến nó thành một trong những cái tên đáng nhớ nhất trong lịch sử văn học.

Được xuất bản vào năm 1936, Cuốn theo chiều gió nhanh chóng gây ra một cơn sốt khắp Atlanta và tiếp tục bán được hàng triệu bản tại Mỹ và trên toàn thế giới. Dù vẫn bị chỉ trích vì cái nhìn lãng mạn hóa về miền Nam cũ và giới chủ nô tại đây, câu chuyện sử thi về chiến tranh, đam mê và mất mát đã cuốn hút độc giả khắp nơi. Vào thời điểm Mitchell giành Giải Pulitzer cho hạng mục tiểu thuyết vào năm 1937, một dự án phim đã bắt đầu được thực hiện. Bộ phim được sản xuất bởi “gã khổng lồ Hollywood” David O. Selznick, người đã trả cho Mitchell khoản tiền kỷ lục 50.000 USD để giành bản quyền sản xuất phim từ cuốn sách của bà.

Với hàng loạt buổi thử vai của nhiều diễn viên từ vô danh đến ngôi sao tên tuổi, Selznick đã quyết định chọn nữ diễn viên người Anh, Vivien Leigh, vào vai Scarlett khi mà quá trình quay phim đã bắt đầu. Clark Gable được chọn để trở thành Rhett Butler, người tình của Scarlett. Dù có nhiều rắc rối xảy ra ở phim trường, Cuốn theo chiều gió vẫn trở thành một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất và được hoan nghênh nhất mọi thời đại, phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé và giành được 9 giải Oscar trong số 13 đề cử.

Mặc dù không tham gia quá trình chuyển thể cuốn sách của mình, nhưng Mitchell đã tham dự buổi công chiếu bộ phim vào tháng 12/1939 tại Atlanta. Bi kịch thay, bà qua đời chỉ 10 năm sau thành công của mình, khi bà bị tông bởi một chiếc xe chạy quá tốc độ khi đang băng qua đường Peachtree tại Atlanta. Scarlett – phần tiếp theo cũng tuyệt vời không kém của Cuốn theo chiều gió – được sáng tác bởi Alexandra Ripley và xuất bản năm 1992.

Nguồn: Gone with the Wind published, History.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét