Với báo chí quốc doanh thì Tuyên giáo là nơi ‘khuôn vàng thước ngọc’, thì với giới làm quảng cáo, việc ‘gọi dạ, bảo vâng’ từ Cục Văn hóa cơ sở là phải răm rắp cúi đầu. Đơn giản, đây là nơi toàn quyền sinh sát trong các nội dung sáng tạo của giới làm nghề quảng cáo. Nôm na, quảng cáo phải theo đúng đường lối của Đảng (!?)
“Cục Văn hóa cơ sở là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cơ sở và quảng cáo; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở và quảng cáo theo quy định của pháp luật; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở và quảng cáo, phát triển sự nghiệp văn hóa cơ sở theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cục Văn hóa cơ sở có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước”. [www.vhttcs.org.vn]
Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trước năm 1955, Cục Văn hóa cơ sở có tên Vụ Văn hóa đại chúng; đến trung tuần tháng tư 1961, mang tên Vụ Thư viện, Câu lạc bộ; đầu tháng bảy 1970, đổi tên thành Vụ Văn hóa quần chúng và Thư viện; cuối tháng tư 1978, ‘lên lon’ [quân hàm còn được người dân miền Nam trước năm 1975 dùng từ 'lon' khi nói về người được thăng quân hàm - lên lon, hoặc hạ quân hàm - lột lon] thành Cục Văn hóa quần chúng. Trung tuần tháng sáu 1988, bị ‘lột lon’ với tên gọi là Vụ Văn hóa quần chúng. Giữa tháng ba 1991, tiếp tục đổi tên thành Vụ Văn hóa quần chúng và Thư viện.
Đầu tháng 12 – 1993, Cục Văn hóa - Thông tin được thành lập cơ sở trên cơ sở sáp nhập Cục Thông tin cổ động - Triển lãm và lĩnh vực Văn hóa quần chúng của Vụ Văn hóa quần chúng và Thư viện. Đến tháng 1-2008, tên gọi mới là Cục Văn hóa cơ sở.
Xét về cấp hàm thứ bậc của ‘lon quan chức’, thì “Vụ” là cơ quan được tổ chức ra để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực thuộc Bộ quản lý. Cơ cấu của Vụ không có phòng, ban (nếu trong trường hợp cần thiết phải lập phòng, ban trong Vụ thì phải được phép của Chính phủ quy định tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ). Cơ quan Vụ không có con dấu riêng.
“Cục” là cơ quan được tổ chức ra để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ. Cục không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối tượng quản lý của Cục là những tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chuyên ngành đó. Cục được thành lập phòng và đơn vị trực thuộc. Cục có con dấu và tài khoản riêng.
Trong vụ việc xảy ra vào cuối tháng 6-2019, Cục Văn hóa cơ sở đưa ra yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm có cụm từ “mở lon Việt Nam”. Lý do: “Lon” đưa đến liên tưởng bộ phận sinh dục nữ, và quảng cáo như vậy là vi phạm thuần phong mỹ tục.
“Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”, bà cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Ninh Thị Thu Hương đã lập luận trong một trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 29-6 [http://bit.ly/2XitZK7]
Ở các công ty chuyên về truyền thông, về quảng cáo luôn có một cấp phòng với chức danh luôn hưởng mức lương cao ngất ngưỡng là “giám đốc sáng tạo”. Ngôn ngữ sáng tạo của ‘slogan’ quảng cáo nhãn hàng, thương hiệu sản phẩm là một nghệ thuật, và chưa bao giờ là dễ dàng.
Lý thuyết nhập môn của nghề quảng cáo về vấn đề này có thể tóm tắt, ‘slogan’ không nhất thiết phải nêu tỉ mỉ, chi tiết đặc điểm, tính chất của sản phẩm, mà là một khẩu hiệu ngắn gọn chứa đựng thông điệp cần nêu, có âm điệu phù hợp. Cách khác, slogan là “khẩu hiệu tiếp thị” của các doanh nghiệp, thường được sáng tạo dựa trên các phương thức tu từ như điệp âm, chơi chữ mang tính liên tưởng, ẩn dụ, sao cho khách hàng chóng nhớ, lâu quên.
Về ngữ pháp, slogan thường phải là câu rút gọn, câu đặc biệt; có thể lược bớt hầu hết các thành phần câu sao cho ngắn gọn, súc tích trong khoảng 3-5 từ, mà mang được đầy đủ thông điệp về thương hiệu - là tiêu chí hàng đầu của mọi slogan.
“Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành “Mở lon trúng vàng”. Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được, công ty sẽ cho gỡ bỏ”. Phía doanh nghiệp liên quan tới ‘lon’ cho biết.
Quảng cáo liên quan ‘lon’ mà bà Ninh Thị Thu Hương liên tưởng đến bộ phận sinh dục nữ, đã được phía doanh nghiệp thực hiện theo đúng các bước quy định trong thủ tục giấy phép; và các pa – nô quảng cáo, clip TVC, maquette trên các trang báo… đã vào đợt truyền thông ‘ăn theo’ các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam từ tháng 4-2019. Nay buộc phải thay đổi, toàn bộ chi phí là một con số rất lớn.
“Cục Văn hóa cơ sở được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở và quảng cáo, phát triển sự nghiệp văn hóa cơ sở theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cục Văn hóa cơ sở có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước” (trích nguồn đã dẫn).
Bà Ninh Thị Thu Hương với cách hiểu đầy ám ảnh sinh lý của vật dụng quen thuộc trong dân chúng là ‘lon’, thì bà sẽ làm ‘thầy dùi’ ra sao về ‘sự nghiệp văn hóa theo đường lối của Đảng’ cho ông bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện? Nói thêm, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cũng do bà Ninh Thị Thu Hương quản lý.
Trách sao mà người dân cứ lôi Đảng ra để chửi, để rủa xả mỗi khi họ gặp chuyện liên quan đến chính sách. Ngay cả ông Lê Thanh Hải, người đã rớt ‘lon’ Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa trước, cũng ‘lên mặt’ huấn thị, “yêu cầu của Đảng cầm quyền là hết sức chú trọng chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân...”, tại bản tham luận do chính ông đọc hôm 29-6 tại “Hội thảo khoa học về 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét