Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

14400 - Giáo dục đạo đức: xin hãy dừng chủ nghĩa Mác – Lê




Khi nhắc về một trong những giá trị truyền thống của dân Việt Nam, nhiều người thường tự hào cho rằng đó là tôn trọng chữ lễ; là “bách hạnh hiếu làm đầu”… Liệu điều đó có còn đúng?



(Ghi chép trong một hội luận ‘bỏ túi’ ở quán cà phê tại Sài Gòn của nhóm thân hữu, xoay quanh chuyện lan man về chữ “Hiếu - Lễ” hôm nay)

Lẽ hiển nhiên, không hẳn tất cả đều như thế. Tuy không thuộc dạng “quạt nồng ấp lạnh” kiểu nhị thập tứ hiếu ngày xưa trong tuồng tích bên Tàu, nhưng còn nhiều lắm những trường hợp hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; biết kính trên nhường dưới… hay chăm chỉ, cần cù siêng năng trong những công việc phụ giúp gia đình.
Thế nhưng, theo dòng chảy của mỹ từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, một số người như đang dần ‘biến chất’, phá vỡ truyền thống của dân tộc. Có người đổ thừa rằng, xã hội ngày một phát triển, thì cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Ý kiến này không sai nhưng chưa trúng. Tại sao cái nhơn nghĩa lại bỏ đi trong khi cái sai quấy nuông chiều bản năng lại được coi là bình thường?.
“Cô ấy nuôi bà ngoại trong bệnh viện 115, người già mà, hay quên, với lại đủ thứ bệnh nữa, nên yếu. Biết rằng cũng có trường hợp bệnh nhân ‘nhõng nhẽo’, thế nhưng hành động của cô cháu gái làm mình lắc đầu luôn. Cô ấy la bà ngoại như la con của cổ, nạt nộ đủ điều. Bà ngoại không thể tự ăn, tay run run, làm đổ đồ ăn. Cổ cũng la. 
Rồi cổ than thở là vô nuôi tốn thời gian, tốn công sức… chả được gì. Mình ở trong bệnh viện 45 phút là nghe cổ chửi hết 35 phút rồi. Còn 10 phút kia, cổ nói chuyện với thân nhân khác. Nhiều lúc ngẫm lại câu nước mắt chảy xuôi thấy sao đúng quá trời đất!”. Người bạn có tên Nam Phương kể lần vào thăm bệnh hôm trung tuần tháng 6 rồi.
“Đọc báo, coi truyền hình, nghe đài, rồi tận mắt, thấy những trường hợp con cái hỗn hào với cha mẹ, cầm dao đâm người thân vì game; nghiện xì ke về nhà chì chiết mẹ, đòi tiền để mua thuốc chích… thấy sao nản quá. Tui lo không biết sau này có dạy được con mình không nữa?. Gia đình dạy kỹ hiếu lễ, nhưng ra ngoài xã hội mà như thế, không biết có bị nhiễm không?. Cha mẹ sinh con trời sinh tính nữa...”, Ngọc, một phát thanh viên chia sẻ. 
Nguyên nhân là do đâu? Là bởi gia đình, nhà trường, hay xã hội? (hay do cả ba?). 
“Lúc còn nhỏ, tui thường được ông bà, cha mẹ dạy nhiều về chữ lễ, chữ nghĩa lắm. Khi thấy thầy cô tới, đứng lại cúi đầu chào; gặp đám tang thì cởi nón; vô bàn ăn thì phải đợi người lớn ngồi trước, gắp trước, nhỏ hơn mới được ăn; không được lựa đồ ăn trong mâm khi có nhiều người…. Còn bây giờ, nhiều người hay xuề xòa cho qua. Thậm chí, khi mình nói khéo, còn bị ghét nữa kìa”. Minh, một biên tập viên báo chí góp chuyện.
Sách Luân lý giáo khoa thư ngay từ chương thứ nhất “Bổn phận đối với gia tộc”, đã dạy cho con em biết thế nào là lễ, nghĩa; biết thế nào là kính trọng, yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ…. Và Luân lý giáo khoa thư cùng với Quốc văn giáo khoa thư đã từng là bộ sách giáo khoa được Nha học chính Đông Pháp cho giảng dạy ở các trường tiểu học trong những thập niên đầu thế kỷ 20 trên toàn cõi Việt Nam. 
Tiếc rằng, đến nay, đã mai một. “Mình kêu đứa em sinh năm 2003 đọc, thẩm thấu. Mà nó có thèm đọc đâu, nó toàn coi mấy cái clip không có nội dung gì để học trên youtube”, Ngọc tiếp tục chia sẻ.
“Dĩ nhiên, gia đình là cái điều kiện tiên quyết, nhưng theo tui thì giáo dục ở học đường góp một phần không nhỏ. Một quốc gia không coi trọng giáo dục, coi các môn xã hội như một dạng “học bài trả nợ” thì làm sao mà các em có thể phát triển toàn diện đạo đức lẫn tri thức? Thạc sỹ ngữ văn còn viết sai chính tả, thì hỏi dạy ai? 
Tui tự hỏi, tại sao lại không duy trì những giá trị tốt đẹp của miền Nam xưa, mà lại du nhập các giá trị bạo lực trong giáo dục? Tuy không còn dã man như thời cải cách ruộng đất ngoài Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng xét ra thì gần nửa thế kỷ qua cũng nhiều cảnh tương tự. Ngày đó thì đấu tố ông bà, cha mẹ; anh em trong nhà bán nhau vì danh lợi. Ngày nay thì vì tiền có thể làm tất cả mọi thứ, kể cả đấu tố nhau như vụ đang xảy ra ở dòng tộc nhà bà Tư Hường”. Biên tập viên Minh bức xúc.
“Tui có thằng cháu họ vừa học xong lớp 12, cũng trường nổi tiếng của quận Tân Phú – Sài Gòn, nhưng sao về nhà, nó hỗn quá, đòi ‘chơi tay đôi’ với người nhà luôn. Cả nhà tui thắc mắc là không biết ở trường tiết đạo đức học gì mà ra tệ hại đến thế. Giở sách Giáo dục công dân ra, toàn là mấy bài gì mà chủ nghĩa duy vật rồi duy tâm, Mác - Lê. Thế là từ đó, tui ngộ ra nguyên nhân luôn...”. Ông Vinh, một bảo vệ ở quán cà phê, góp chuyện. 
Ông Vinh nói rằng sau tháng tư, 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đã tổ chức những cuộc đấu tố gọi là ‘đánh tư sản’. Không đến nỗi khốc liệt như miền Bắc hồi nào, nhưng nó đã làm cho giềng mối làng xóm dần rạn nứt, kỷ cương pháp luật giờ đây phải chìu theo sức mạnh quyền lực của nhóm người nào đó. 
“Như hồi mấy tháng trước, phòng Giáo dục quận Tân Bình cho các em học sinh khu phường 6 lên đấu tố chính cha mẹ của các em trong vụ chính quyền cưỡng chế không theo trình tự luật định đối với khu vườn rau Lộc Hưng… Chưa kể chuyện đúng – sai về nội dung đấu tố, với một nền giáo dục khuyến khích con cái tố cáo cha mẹ ngay trên chốn học đường, thì giáo dục ấy có lẽ chỉ có với những quốc gia độc đảng, tùy tiện thích làm gì thì làm!”. Ông Vinh nhận xét.
Có thể nói, giáo dục là một đề tài muôn thuở. Con số báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi đầu năm 2019 cho biết, hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP [Nguồn: Diễn đàn Giáo dục thế giới - EWF, tổ chức tại Vương quốc Anh, 01-2019]. Tuy nhiên tính hiệu quả trong sử dụng số tiền đó như thế nào trong vấn đề giáo dục, có lẽ là chuyện cần có một ‘kiểm toán’ tử tế. 
Một quốc gia mà giáo dục đạo đức đang có nhiều vấn nạn như lát cắt bàn luận kể trên, cho thấy cần thay đổi từ cấp thượng tầng quản lý, bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét