Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

14389 - Công trình trọng điểm đường cao tốc Bắc-Nam không thể giao trứng cho ác




Bộ Giao Thông Vận Tải đang lúng túng trước sức ép của công luận phản ứng về việc nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Đây là nỗi lo chính đáng của người dân vì nhiều dự án có yếu tố Trung Quốc mang lại hậu họa đã nhãn tiền, điển hình gần đây nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Xin lưu ý về vấn đề quốc phòng, an ninh khi giao cho nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ xây dựng mà họ còn vận hành dự án từ 15-20 năm.
Câu hỏi đặt ra phải làm cái gì, làm như thế nào về cơ chế, luật pháp để đảm bảo cho công trình trọng điểm quốc gia này được các doanh nghiệp trong nước thực hiện, phát huy tính sáng tạo, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam?
1. Quyết định chủ trương chuyển hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước (có thể là từ nguồn ODA, Trái phiếu Chính phủ) đối với toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (11 dự án).
Tình huống công ty Pacific và những nhà đầu tư Trung Quốc khác trúng thầu có vẻ sẽ có xác suất lớn nhất nếu thực hiện theo mô hình PPP đối với 8/11 dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Các công ty của nước khác sẽ không tham gia đấu thầu hoặc đấu thầu mà không thắng được vì giá bỏ thầu của các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ rẻ nhất. Nếu đấu thầu thì công ty trong nước cũng không thắng được. Dùng hàng rào công nghệ để chọn thầu thì có vẻ Việt Nam chưa đủ sức.
Vì vậy quyết định dùng vốn nhà nước cho toàn bộ 11 dự án: vay ODA (nhưng phải là đa phương, chứ song phương thì không tránh được Trung Quốc). Mà đa phương bây giờ Trung Quốc cũng có ngân hàng AIIB, nhưng dù sao cũng đỡ tiêu cực hơn, hoặc phát hành trái phiếu trong nước là phù hợp hơn cả. Cách khác, chậm rãi hơn là thực hiện nhanh 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, sau đó nhượng quyền thu phí để lấy nguồn tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại cho đến khi xong. Cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ nên vay nguồn Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội (nghe nói đang dư khoảng hàng trăm ngàn tỷ đồng) để đầu tư một lần toàn bộ 11 dự án. Về vấn đề tài chính vay tiền bảo hiểm xã hội vẫn là phát hành trái phiếu Chính phủ. Trước đây, ngân sách vay trực tiếp bảo hiểm xã hội, nhưng nay đã chuyển sang ngân sách phát hành trái phiếu. Bảo hiểm xã hội cũng như các nhà đầu tư khác sẽ mua trái phiếu Chính phủ. Như vậy lãi suất, kỳ hạn vay của bảo hiểm xã hội là rõ ràng, công khai.
Mặc dù tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông chưa thực sự cấp thiết vì đang có 2 tuyến khác rồi nên không cần triển khai vội vã bằng hình thức PPP. Những đề xuất “phi PPP” nêu trên cần được cân nhắc thực hiện, nhất là trong bối cảnh ở nước ta hiện nay.
2. Sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để tránh tuyệt đối việc đấu thầu quốc tế đối với các dự án PPP các công trình kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược có liên quan đến bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước (đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển trọng điểm quốc gia).
Theo tôi tìm hiểu được biết trong luật về PPP đang soạn thảo, cần quy định có thể áp dụng PPP cho những loại dự án nào (phạm vi của luật). Cấm đấu thầu quốc tế trong Luật Đấu Thầu sẽ khó vì vướng cam kết quốc tế (nguyên tắc phân biệt đối xử trong WTO hay mua sắm công trong CPTTP – Trung Quốc không tham gia hiệp định này).
Lấy lý do an ninh quốc phòng thì có thể không đấu thầu quốc tế được nhưng có áp dụng cho toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam được không? Về đường bộ thì Việt Nam có thể tự làm được, đâu cần nước ngoài, thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay hoặc BOT đều được nhưng cần công khai minh bạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn và đảm bảo chất lượng công trình.
3. Sửa đổi quy định pháp luật để cho phép thu phí và chuyển nhượng quyền thu phí đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách có khả năng sinh lời cao để tạo nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện tại, do việc thu phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng ngân sách nhà nước đang thực hiện bằng hình thức thu qua đầu phương tiện cho nên không thể đặt trạm thu riêng đối với các dự án đường bộ (cả đường cao tốc) được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần sửa đổi quy định có liên quan đến thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, theo hướng:
Cách 1: Bỏ thu phí bình quân qua đầu phương tiện như hiện nay mà thực hiện thu phí theo thực tế quãng đường xe chạy, phải đổi mới công nghệ, dùng RFID và các cổng nhận biết trên toàn bộ mạng lưới đường bộ hoặc gắn thiết bị giám sát hành trình lên tất cả các phương tiện để thu. Theo cách này thì được đồng thuận cao nhưng phải đầu tư hệ thống công nghệ tốn kém – tất nhiên có thể mở rộng chính hệ thống thu phí không dừng BOT hiện nay hoặc yêu cầu gắn thiết bị giám sát hành trình lên phương tiện để thu.
Cách 2: Giữ cách thu như hiện nay và sửa quy định là thu phí theo đầu phương tiện đối với phương tiện sử dụng đường bộ từ quốc lộ trở xuống, đường cao tốc thu riêng.
Cách 3: Tăng mức phí theo đầu phương tiện để đảm bảo là có nguồn tái đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có cao tốc (cách này sẽ bị phản đối ngay lập tức).
Ở đây, cách 1 sẽ giúp giải quyết một cách căn cơ tình trạng “phí chồng phí” như hiện nay: thực tế là chủ xe ô tô hiện tại đóng cả phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện và vẫn phải đóng 1 phần phí bảo trì trong phí phải đóng để đi trên đường BOT. Một điểm nữa cần quy định cụ thể trong luật là đường nào có thể làm PPP để tư nhân thu tiền dịch vụ (Luật Giao Thông Đường Bộ hoặc Luật PPP).
Tiêu chí là công trình lớn và khả năng sinh lời cao thì nhà nước có thể thu phí. Nhưng lý do phản đối của người dân là nếu dùng tiền thuế để làm đường thì nhà nước thu phí là thiếu hợp lý. Có lẽ tiêu chí là dùng vốn vay để xây đường thì nhà nước mới thu phí để hoàn trả một phần chi phí vay.
Qua phân tích ở trên thấy rõ hướng ra, dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao Thông Vận Tải cần dũng cảm báo cáo Chính phủ và Quốc Hội, đương nhiên trước khi đưa ra Quốc Hội thì phải xin chỉ đạo của Bộ Chính Trị, thay đổi phương án, thay vì đấu thầu quốc tế để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP thì nên sử dụng ngân sách nhà nước (vốn vay ODA, trái phiếu Chính phủ hoặc vay Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội) để đầu tư. Trường hợp vẫn muốn đầu tư theo hình thức PPP thì cần sớm ban hành Luật PPP và quy định rõ những công trình có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh thì chỉ cho phép nhà đầu tư Việt Nam tham gia đấu thầu thực hiện và nghiêm cấm chuyển nhượng dự án cho nước ngoài trong quá trình khai thác vận hành trước khi chuyển giao lại cho nhà nước. Tuyệt đối không thể để nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vì “tiền mất tất mạng”, mất lòng dân, gây bất ổn an ninh xã hội khó lường.
Xin nhắc lại câu nói của cổ nhân luôn đúng trong mọi thời đại “MẤT LÒNG DÂN LÀ MẤT TẤT CẢ”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét