Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

14558 - Thương chiến Mỹ-Trung : Donald Trump gặp Tập Cận Bình trong thế mạnh



Ảnh tư liệu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại sảnh đường nhân dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. REUTERS


Giống như cách nay hơn nửa năm tại Buenos Aires, xứ Achentina, cuộc gặp song phương ngày mai, 29/06/2019 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cái « đinh » của Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Với mục tiêu là tìm thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên, cuộc tiếp xúc được cho là một cuộc đấu mới giữa hai lãnh đạo. Theo một số chuyên gia phân tích được báo Le Monde hôm nay 28/06 trích dẫn, thì lần này, ông Trump đến Osaka trong thế thượng phong.
Trước lúc lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị, như thông lệ, tổng thống Mỹ không ngần ngại khẳng định : « Nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp, họ muốn có một thỏa thuận ». Và cũng như thông lệ, tổng thống Mỹ đe dọa là trong trường hợp Trung Quốc không chịu thỏa thuận, ông đã có sẵn một « kế hoạch B », đó là áp thuế ồ ạt trên hàng hóa Trung Quốc !
Theo các nhà quan sát, sau một thời gian coi thường ông Trump và cuộc tấn công do ông khởi động chống Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng thâm hụt thương mại chỉ là một phần trong một cuộc tấn công toàn diện hơn mà chính phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã loan báo công khai vào tháng 10 năm 2018, theo đó Hoa Kỳ cần phải chống lại « các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ lợi thế địa chính trị của Mỹ và trật tự quốc tế ».
Với Donald Trump, nước Mỹ đã từ bỏ hẳn chiến lược thuyết phục lôi kéo Trung Quốc, với hy vọng là thông qua việc mở cửa ra thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, Bắc Kinh sẽ áp dụng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Và sau đó, Mỹ đã cứng rắn với Trung Quốc trên mọi phương diện, từ vấn đề Đài Loan, Tân Cương, cho đến Biển Đông, và mới đây là Hồng Kông, với những quyết định hầu như lúc nào cũng được cả hai đảng tại Mỹ hậu thuẫn.
Bắc Kinh từng lầm tưởng rằng kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn do chiến tranh thương mại, khiến ông Trump gặp khó khăn chính trị. Thế nhưng, theo bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, hiện nay có « hai điều rất đáng ngại cho Trung Quốc là nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt. Và ông Trump có khả năng được bầu lại."
Trong chiều hướng đó, theo bà Niquet Bắc Kinh sẽ phải « gồng mình chịu đựng các biện pháp trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và nêu bật mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu ».
Trung Quốc cũng nghĩ rằng họ có thể khai thác sự chia rẽ giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Châu Âu cùng Nhật Bản, thế nhưng, thực tế lại khác. Theo chuyên gia Niquet, Trung Quốc đang phải đối phó với một mặt trận, vì Châu Âu và Nhật Bản có cùng một đánh giá với Mỹ về Trung Quốc, cho dù phương pháp hành động khác nhau : Châu Âu muốn cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn hành động đơn phương.
Trước những đòn tấn công của Mỹ, Trung Quốc vẫn sử dụng những chiêu bài xưa cũ : Bộ máy tuyên truyền của chế độ cố kích động tinh thần dân tộc, thi nhau lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đồng thời ca tụng « sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc".
Trong bối cảnh đó, ông Tập Cận Bình đã phải cố gắng hòa hoãn để tìm đồng minh, như sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản, từng bị ông làm khó dễ trước đây, hay hòa dịu hơn với Liên Hiệp Châu Âu, mà gần đây đã thể hiện một lập trường phê phán hơn với Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên cũng đột nhiên được nâng cấp trở lại thành một nước anh em, trong lúc tình hữu nghị Nga - Trung thì được ca ngợi đến tận mây xanh.
Nhìn chung, cuộc tấn công của Mỹ đã khiến niềm tin của Trung Quốc vào sức mạnh của mình bị lung lay. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, « vấn đề tế nhị đối với ông Tập Cận Bình là để lộ vẻ bị buộc phải chiều theo áp lực từ nước ngoài. Các cuộc tấn công của Mỹ đã tác hại đến lập luận về tự hào dân tộc và xoáy vào những điểm yếu của Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét