Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

14555 - Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ



 

Theo chính sách Hành động hướng Đông, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến quan trọng cho các dự án phát triển, thương mại và đầu tư của Ấn Độ.
Chính sách hướng Đông là một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận khu vực Đông Nam Á của Ấn Độ kể từ năm 1992. Thành công của chính sách này đã khiến Chính phủ Ấn Độ phát triển lên thành một chính sách dựa trên kết quả và định hướng hành động mạnh mẽ hơn. Sau một vài thập kỷ, năm 2014, Chính sách hướng Đông đã được tuyên bố trở thành chính sách Hành động hướng Đông.
Tại Đông Nam Á, các học giả đã bày tỏ lo ngại rằng Chính sách hướng Đông là một chính sách không có kết quả rõ ràng hay phương pháp tiếp cận theo định hướng kế hoạch với đánh giá ràng buộc về thời gian. Do đó, chính sách Hành động hướng Đông đã được thông qua. Điều đó biểu hiện tầm nhìn của Ấn Độ đối với khu vực và cách tiếp cận sơ khởi đối với các nước láng giềng ở Nam Á. Trong bối cảnh này, có thể giải mã sự nổi bật của Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ từ 5 khía cạnh sau.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhận được sự ủng hộ liên tục ở cả cấp độ chính trị lẫn xã hội từ Ấn Độ. Điều này được phản ánh trong các vấn đề khu vực lớn hơn như Biển Đông và hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một thành phần quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông, vì đây là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đã được thử thách qua Chiến tranh Lạnh và mối quan hệ Việt-Ấn vẫn không thay đổi. Trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, tư cách thành viên của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tầm quan trọng của nước này ở khu vực Đông Dương đã được công nhận.
Hơn nữa, Ấn Độ nhận thức sự ổn định chính trị và an ninh của Việt Nam tại các diễn đàn khác nhau. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia tích cực vào các tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và cả Hội nghị cấp cao Đông Á chỉ ra thực tế là Việt Nam có vai trò trong mọi cuộc chơi.
Thứ hai, trong Kế hoạch hành động Ấn Độ-ASEAN (2016-2020), Ấn Độ đã tranh thủ cơ hội phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) – kể cả việc phát triển kết nối hàng hải và cùng các quốc gia này thông qua các dự án phát triển khác nhau.
Kết nối Việt Nam với dự án đường cao tốc ba bên Myanmar-Thái Lan-Ấn Độ là tầm nhìn của cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee. Ông cho rằng cần có sự kết nối liền mạch giữa Delhi và Hà Nội. Các học giả cũng đề xuất mở rộng tư cách thành viên Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) để bao gồm cả Việt Nam - một trong những ý tưởng có tầm nhìn do Thủ tướng Vajpayee đề xuất. Ông đã tuyên bố rằng Việt Nam là thành phần quan trọng trong cách tiếp cận hướng Đông của Ấn Độ.
Hơn nữa, viễn cảnh về cấu trúc xuyên khu vực như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã phản ánh nhu cầu về trật tự và an ninh trên biển. Trên thực tế, việc phát triển quan hệ với Mỹ đã đưa hai nước xích lại gần nhau để giải quyết các mối đe dọa an ninh chung đang nảy sinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ ba, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Hai nước đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng khi ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007 và mối quan hệ này đã được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam vào tháng 9/2016.
Văn kiện Đối tác chiến lược toàn diện vẫn là kế hoạch chi tiết quan trọng cho sự hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Hai nước từng tập trận chung ở Biển Đông và tàu Ấn Độ cũng thường xuyên tới thăm cảng Việt Nam. Ngoài ra, sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề an ninh nội địa như huấn luyện chống nổi dậy và huấn luyện chiến đấu trong rừng là những khía cạnh quan trọng của mối quan hệ quốc phòng sâu sắc.
Việc Ấn Độ cung cấp gói tín dụng 100 triệu USD và 2 tàu tuần tra cao tốc của công ty Larsend&Toubro cho Việt Nam là tín hiệu cho thấy các mô hình quan hệ quốc phòng mới. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố cấp thêm khoản tín dụng 500 triệu USD cho việc mua sắm thiết bị quốc phòng. Ấn Độ cũng mong muốn cung cấp tên lửa Brahmos cho Việt Nam sau khi các khía cạnh an toàn và bí mật về quy định và kỹ thuật được bảo đảm phù hợp.
Hơn nữa, Ấn Độ đã chỉ ra rằng Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) cần giải quyết các vấn đề và thách thức hàng hải phổ biến. Vì cả Ấn Độ và Việt Nam đều quan tâm đến an ninh hàng hải và các khía cạnh liên quan, nên việc tăng cường quan hệ với tất cả các bên liên quan sẽ giúp đạt được mục tiêu này.
Thứ tư, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Nước này đã thu hút 19,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2018. Điều này cho thấy rằng Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN khác đang coi Việt Nam như một điểm đến đầy hứa hẹn.
Theo cổng thông tin kinh tế thương mại, năm 2018, Việt Nam đã nhận được vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và chế biến (gần 47%), bất động sản (18,6%), và thương mại bán buôn-bán lẻ (10,3%). Đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore chiếm lần lượt khoảng 24,2%, 20,3%, 14,2% tổng vốn FDI tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chậm về đầu tư. Mặc dù các cấu trúc tài chính hỗ trợ FDI đang được phát triển nhưng vẫn chưa đầy đủ. Về vấn đề này, Ấn Độ có thể giúp đào tạo nhân sự và chuyên gia để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Ấn Độ đã đề xuất phát triển và thành lập Trạm theo dõi, tiếp nhận và xử lý dữ liệu tại thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ưu tiên các trung tâm/tổ chức chất lượng cao trong phát triển phần mềm. Ngoài ra còn có các trung tâm đào tạo ở các nước CLMV cũng như mạng điện tử để tích hợp phát triển giáo dục và y tế từ xa. Ấn Độ cũng đã vạch ra kế hoạch đặc biệt cho các nước CLMV. Ấn Độ đã đề xuất triển khai đào tạo tiếng Anh cho các nhân viên thực thi pháp luật và đào tạo các chuyên gia chứng khoán.
Cuối cùng, Việt Nam luôn được coi là nơi lưu trú độc đáo của người Ấn Độ di cư sang Đông Dương trong nhiều thế kỷ qua. Ảnh hưởng tôn giáo cùng đạo Hindu của người Chăm thể hiện chiều sâu của ảnh hưởng Ấn Độ và Việt Nam đã bảo tồn những sợi dây liên kết đó. Văn hóa là lĩnh vực chưa được khám phá và đối với người dân Ấn Độ, đó là một lịch sử đáng được kể lại. Khách du lịch Ấn Độ mong muốn đến thăm các thành phố của Việt Nam do sự thân thiện của người dân cũng như chi phí du lịch thấp.
Trên thực tế, đã có nhu cầu về các chuyến bay trực tiếp giữa Delhi và Hà Nội, cũng như giữa Mumbai và thành phố Hồ Chí Minh. Các hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam cũng đã đề xuất mở những đường bay này. Hy vọng điều này sẽ sớm được thực hiện và người dân Ấn Độ có thể bay đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ với khoảng 2/3 chi phí thông thường và gần 4 giờ bay.
Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) sẽ tiếp tục đóng góp vào mối quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Hai nước cũng đã triển khai thị thực điện tử cho khách du lịch đến từ nước kia cũng như thị thực tại điểm đến trên cơ sở đối ứng. Sự kết nối là một yếu tố quan trọng của mối quan hệ và với việc hoàn thành đường cao tốc châu Á cũng như đề xuất mở rộng dự án đường cao tốc ba bên tới Việt Nam, việc kết nối Ấn Độ và Việt Nam bằng đường cao tốc sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ấn Độ đã ký Thỏa thuận về phương tiện cơ giới (MVA) với Bangladesh, Bhutan và Nepal trong khuôn khổ BBIN (tiểu khu vực ở Nam Á gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Nepal). Hơn nữa, đã có những đề xuất về MVA giữa Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan (IMT-MVA). Để đảm bảo hoạt động của tuyến đường cao tốc tới Việt Nam, MVA cũng có thể được ký kết với các quốc gia Đông Dương khác.
Theo chính sách Hành động hướng Đông, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến quan trọng cho các dự án phát triển, thương mại và đầu tư của Ấn Độ. Các dự án của Ấn Độ tại Việt Nam đến nay đã hoạt động khá tốt, cho dù cũng có một số đình trệ.
Hai nước có thể hỗ trợ nhau trong việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng hoa và nuôi tằm. Khu vực Đông Bắc Ấn Độ sẽ có lợi nhất từ việc hội nhập với Đông Nam Á lục địa.
Các diễn biến liên quan đến việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là mối quan tâm của Ấn Độ, tuy nhiên điều này không nên dựa trên các điều khoản do Bắc Kinh đưa ra. Trên thực tế, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc có thể tham khảo từ việc phân định biên giới hàng hải Ấn Độ-Bangladesh - nơi Ấn Độ tôn trọng sự can thiệp và phán quyết của Tòa án quốc tế (ICJ) được cho là có lợi hơn cho Bangladesh.
Việt Nam, với tư cách là bên liên quan chính, sẽ phải đóng một vai trò quan trọng để Biển Đông trở thành nơi hội tụ và quyền khai thác tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này được duy trì.
Tiến sĩ Pankaj Jha, giảng viên Đại học toàn cầu Jindal. Bài viết được đăng trên Oped Column Syndication.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét