Kami
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu muốn xài một món đồ thông dụng hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ khó tránh được việc phải mua và dùng hàng của Trung Quốc. Dẫu hàng Trung Quốc mang tiếng là những sản phẩm luôn bị mang tiếng là kém chất lượng, song để tìm mua những sản phẩm không phải của Trung Quốc hầu như rất khó.
Đơn giản vì từ nhiều chục năm nay Trung quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Những sản phẩm với những nhãn hiệu của các nước phương Tây, được bán ở mọi quốc gia, từ những siêu thị cao cấp đến những tiệm tạp hóa trong hang cùng ngõ hẻm, bây giờ cũng đều bán những sản phẩm có tem dán "Produc of China" hay "Made in China". Quan trọng hơn là giá cả hàng hóa do Trung Quốc sản xuất rẻ đến mức kinh ngạc, hầu như họ không có đối thủ.
Thế mạnh của Trung Quốc là, sản xuất và kinh doanh sản xuất càng nhiều và tiêu thụ càng lớn thì giá thành càng rẻ. Đơn giản vì trong cơ cấu của giá thành của mỗi loại sản phẩm có 2 bộ phận: chi phí liên quan (vật tư, điện lực...) và chi phí không liên quan (quản lý; khấu hao máy móc...). Trong đó khác với phần chi phí liên quan, phần chi phí không liên quan ít chịu tác động của số lượng sản phẩm sản xuất. Chúng ta cứ nhìn vào kỹ nghệ sản xuất của Hồng Kông bên hông Chợ lớn trước kia là đủ thấy tiềm năng trong sản xuất và cung ứng sản phẩm tiêu dùng cho cả thế giới của người Hoa.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất hàng hóa với giá thành rẻ, đã từ lâu người Trung Quốc cố gắng bằng mọi cách vươn chiếc "vòi Bạch tuộc" của mình ra khắp thế giới để chiếm lĩnh các thị trường. Sáng kiến "Nhất đới, nhất lộ" là chiến lược đỉnh cao của họ. Tới mức những người kinh doanh toàn cầu đều thấy rằng, buôn bán với Trung Quốc bây giờ còn gì sướng bằng, vốn không phải bỏ. Thậm chí bạn chỉ cần đứng tên còn chuyện kinh doanh người Trung Quốc lo toàn bộ từ A đến Z, từ công nghệ sản xuất, vốn liếng, cung cách đầu tư.v.v... chỉ cần ở bạn có nơi tiêu thụ (thị trường).
Và cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ hiện nay, cũng là một trong những nỗ lực của chính quyền Hoa Kỳ dùng hàng rào thuế quan để ngăn chặn làn sóng hàng hóa của Trung Quốc đổ vào Mỹ. Và phía Mỹ cũng mong muốn các quốc gia khác, không được phép cho Trung Quốc lợi dụng để "tuồn" hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc vào Mỹ bằng mọi ngả đường và mọi phương cách.
Ngày 26/6/2019 báo Wall Street Journal cho biết, hàng tỉ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc chịu thuế quan của Mỹ trong chiến tranh thương mại giữa hai nước, đã đang đi đường vòng vào Mỹ qua ngả các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Theo đó, trong năm tháng đầu năm nay, hàng điện tử, máy tính, máy móc và các thiết bị khác xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh so với một năm trước đó. Đồng thời những hàng hóa đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng. Cụ thể, máy tính và hàng điện tử của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 71,6 phần trăm trong năm tháng đầu năm nay lên 1,8 tỉ đôla, hơn gấp năm lần so với tốc độ xuất khẩu các sản phẩm như vậy trên toàn thế giới.
Chắc chắn khi những thông tin như vậy được đưa ra, nhật báo Wall Street Journal phải có những số liệu và bằng chứng chắc chắn mà không thể cáo buộc một cách vô căn cứ. Nhất là khi phía Việt Nam đã từng bị hải quan Mỹ phát hiện đưa thép, nhôm Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc là những dẫn chứng.
Trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26/6, chỉ vài giờ trước khi lên đường dự Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã nói, “Việt Nam thậm chí đối xử với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”. Theo đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa lên tiếng chỉ trích Việt Nam đã lạm dụng thương mại với Mỹ và ông nói Việt Nam là “nước lạm dụng kinh khủng nhất” liên quan đến thương mại không công bằng với Mỹ. Đây chính là một lời cảnh cáo chính thức và sâu sắc từ Washington đối với Hà Nội, dù rằng các thông tin vừa kể đã được giới chức Mỹ thông báo với giới chức Việt Nam từ nhiều tháng nay.
Liên quan đến từ phía Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc buôn lậu trốn và trốn của thuế Nhật Cường Mobile, hay mới đây là vụ thương hiệu Asanzo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" - hàng Việt Nam chất lượng cao lại nóng lên trong những ngày gần đây. Nói thẳng đó là những hành động có chủ ý từ phía chính quyền Hà Nội gián tiếp thừa nhận tình trạng hàng Trung Quốc đội lột hàng Việt Nam, đồng thời để đánh tiếng với phía Mỹ rằng phía Việt Nam đã xem xét và xử lý.
Điều này cũng cho thấy, chính phủ Việt Nam ý thức được sự nguy hiểm của hành đông ''nối giáo" cho Trung Quốc trong lúc cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung trong lúc đang ở giai đoạn quyết liệt. Và phần nào cho thấy, các đồn đoán những thông tin về đấu đá nội bộ chính trường liên quan đến mối quan hệ giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và ông Chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy; hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam là thiếu cơ sở. Nguyên do của các vụ việc đó có lẽ là vấn đề hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam.
Đó thực ra chỉ là hai trong hàng ngàn, hàng chục vạn những vụ việc các doanh nhân Việt bắt tay hợp tác kinh doanh với Trung Quốc để trục lợi làm giàu. Tất cả những cái đó đều có một cái chung là, các doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng ứng vốn, sản xuất cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh kể cả tem, nhãn mác hàng hóa theo yêu cầu. Thương nhân Việt Nam chỉ có nhiệm vụ tiêu thụ hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhiều nhất và hoàn vốn cho chủ hàng.
Tới mức ông Vũ Tiến Lộc, buộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với báo chí về nghi vấn hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt có cảnh báo rằng, “Nếu có lòng tự tôn dân tộc, đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thì không thể gắn “Made in Vietnam” lên hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Vì họ thừa hiểu rằng, đó là lừa dối người tiêu dùng”.
Có lẽ đừng bao giờ chúng ta nên trách các doanh nhân Việt Nam hám lợi, buôn hàng thậm chí là buôn lậu hàng Trung Quốc để trục lợi; mà hãy trách sự lỏng lẻo của nhà nước trong việc quản lý, vì mục đích cao nhất của doanh nhân là lợi nhuận.
Xin được nhắc lại, từ thế kỷ 19, một học giả tư sản người Anh đã chỉ ra sức cám dỗ không thể cưỡng lại của lợi nhuận đối với nhà tư bản là,“Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở thành can đảm, lợi nhuận mà đảm bảo được 10% thì người ta có thể đụng được tư bản ở khắp nơi, đảm bảo được 20% thì nó hăng máu lên, đảm bảo được 50% thì nó táo bạo không biết sợ là gì, đảm bảo được 100% thì nó chà đạp lên tất cả mọi luật lệ của loài người, đảm bảo được 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí bị treo cổ nó cũng không sợ”.
Đó chính là lý do vì sao người nhà của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến còn dám trực tiếp tham gia đường dây sản xuất thuốc ung thư giả, huống chi là doanh nhân?
Được biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đạt trên 47 tỷ đô la, tăng hơn 14% so với năm trước đó. Xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 2018 là gần 35 tỷ USD. Nếu so sánh thặng dư thương mại cùng năm 2018 giữa Nhật Bản và Mỹ là 56,2 tỷ đô la, còn với Hàn quốc hơn 17 tỷ đôla. Người ta cho rằng, dù là đồng minh chiến lược, song ông Donald Trump vẫn sử dụng áp lực, tái đám phán để buộc Hàn Quốc và Nhật Bản cân bằng cán cân thương mại. Qua đó để thấy Tổng tống Donald Trump dẫu sao cũng là rất ưu ái đối với Việt Nam, nhưng xin chớ vì thế để lạm dụng.
Việc lập tức đồng loạt báo chí và truyền thông nhà nước ở Việt Nam có hàng loạt bài viết, tố cáo, vạch trần, chỉ trích... việc "treo đầu Dê, bán thịt Chó", dùng hàng Trung Quốc khoác áo Việt Nam là những bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam ý thức được cái giá phải trả nếu cố ý tiếp tay cho Trung Quốc.
Nếu chính phủ Việt Nam không ngăn chặn quyết liệt hiện tượng này thì hàng của Việt Nam xuất sang Mỹ chắc chắn sẽ bị ông Trump tăng mức thuế trừng phạt. Hậu quả và tác hại nghiêm trọng sẽ đổ lên đầu nông dân cũng như nhà sản xuất nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét