Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

*13799 - Ông Khuất Việt Hùng cần làm cả những việc không ầm ĩ

Tuần trước, tôi suýt trở thành kẻ giết người. Gần trưa thứ Sáu, như thường lệ tôi cưỡi con Dream II trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Trương Định xuống, đường rộng, một chiều, nên ai cũng chạy khá nhanh. Vừa qua ngã 3 Lê Quý Đôn vài mét thì phát hiện ngay trước mặt một xe máy chở 3 đi ngược chiều…
Tôi chỉ biết đạp thắng hết cỡ… hai xe đều phải trượt trên đường mấy mét. Ba người phụ nữ đi trên xe mặt tái dại. Tôi chỉ có thể nói một câu, “Sao có trẻ con mà ẩu thế”, rồi đi.
Thoạt đầu, tôi rất giận hai người phụ nữ (lớn) ấy. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra là do sự ngu xuẩn của người đi đường. Nhưng, hôm sau tôi đi chậm, quan sát các biển báo trên đường này thì đoán, người chạy xe máy hôm đó chắc muốn rẽ trái sang đường Lê Quý Đôn nhưng khi nhìn thấy nơi cần rẽ thì xe đã chạy quá tầm 50m. Thay vì đi thêm 2 ngã tư nữa để vòng ngược lên theo Võ Văn Tần, người cầm lái đã liều lĩnh chạy ngược chiều từ giữa đường sang trái.
Lỗi của người phụ nữ chạy xe ấy thì khỏi cần bàn. Nhưng nếu như, trước khi tới ngã ba tầm 50m, thay vì treo những biển chỉ đường ngớ ngẩn (như tôi chụp dưới đây), có một tấm biển treo cao, gần giữa đường, với dòng chữ Lê Quý Đôn hoặc Pasteur… theo hướng mũi tên, thì người phụ nữ ấy có thể biết trước, chuyển làn rẽ trái chứ không phải là suýt nữa cùng tôi gây tội ác.
Tai nạn giao thông (TNGT), theo ông Khuất Việt Hùng nói là có giảm. Ông Hùng có lẽ là thành viên đầu tiên của UB An toàn giao thông làm việc thường trực và có những nỗ lực thật sự. Tháng trước, ông đã tổ chức một cuộc tuần hành rất quy mô để gây sự chú ý của công chúng vào vấn đề nhức nhối này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, ông cũng nên làm cả những việc không ầm ĩ như là thiết kế những biển báo khoa học; nghiên cứu đặt biển báo ở vị trí hợp lý, sao cho từ khi đọc được biển báo, người lái xe kịp có những phản ứng an toàn để rẽ đúng con đường mình cần.
Ông cũng nên soạn thảo các quy định cấm treo trên đường những biển báo hoặc quảng cáo sặc sỡ hoặc chi chít chữ, có thể gây tò mò cho lái xe… Và, tránh sử dụng những thuật ngữ mà người Việt không thể hiểu như từ “Nút Giao” trên các đường cao tốc [Sao không dùng “Giao Lộ” như cách tiếng Việt vẫn vay mượn và ai cũng hiểu].
Thay vì ngành giao thông luôn sáng tạo ra các biển báo không giống ai, tôi nghĩ rằng, UB của ông Hùng nên có một viện nghiên cứu để đưa cách làm biển báo mà cả thế giới đang dùng áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét