Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia 2018 với nhiều gian lận.
Truyền thông trong nước ngày 31/5 loan truyền thông tin Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ công khai nhận trách nhiệm trong vụ gian lận điểm thi Phổ thông trung học năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Đà Nẵng cho rằng về mặt trách nhiệm, phát ngôn của người đứng đầu ngành Giáo dục như thế là hợp lý và bất kỳ Bộ trưởng nào cũng buộc phải phát ngôn như vậy, nhưng vấn đề quan trọng hơn nằm ở chỗ khác:
“Nếu với tư cách một Bộ trưởng mà để cho những hiện tượng mua bán điểm, mỗi lần mua bán rất nhiều tiền, thì đối với Bộ trưởng Bộ giáo dục, bất kỳ Bộ trưởng nào để cho cấp dưới làm những việc như vậy thì tôi nghĩ Bộ trưởng đó thứ nhất là phải nhận trách nhiệm, thứ hai là phải có những hành động thể hiện trách nhiệm đó. Chẳng hạn như xử vụ đó rốt ráo đúng pháp luật, thứ hai là Bộ trưởng đó không còn tư cách làm Bộ trưởng nữa. Tôi nghĩ là nếu Bộ trưởng nhận trách nhiệm thì cũng nên từ chức để thể hiện trách nhiệm không quản lý được Bộ, để xảy ra hiện tượng phản giáo dục trong ngành mình quản lý.”
Còn đối với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng làm trong ngành giáo dục hơn 30 năm lại cho rằng việc nhận trách nhiệm này không phải xảy ra lần đầu, những ông Bộ trưởng ai cũng nhận trách nhiệm hết nhưng cuối cùng chẳng giải quyết được.
“Bởi vì nó từ bản chất, từ cơ chế của thể chế này như vậy nên dù ông có nhận, có quyết tâm, có giải pháp này, giải pháp nọ nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam nó thế rồi, chả ai từ chức cả.”
Tình trạng gian lận điểm thi, quay cóp, nhìn bài, không trung thực khi làm bài thi lâu nay vẫn diễn ra trong môi trường giáo dục tại Việt Nam.
Xác nhận thực tế này, bạn Ngọc hiện đang là sinh viên trường Đại học Công nghiệp tại Sài Gòn cho rằng nếu như để đánh triệt để vụ gian lận thi cử thì cần phạt nặng những người gian lận, như vậy lần sau họ mới không dám làm nữa.
“Cái thứ nhất ở chỗ thầy cô. Nếu trong nhà trường phát hiện ra chuyện đút lót cho thầy cô thì thầy cô đó vừa phải bị sa thải khỏi ngành vừa bị phạt một khoản tiền thật nặng. Phía học sinh, nếu trong trường phát hiện quay cóp, quay bài có thể đuổi học hoặc cho trễ học 1 năm. Có nghiã là hình phạt thật nặng thì người ta mới không tái phạm nữa chứ cứ bắt viết bản kiểm điểm, mời ba mẹ lên nói chuyện thì việc đó xảy ra như ăn cơm bữa thôi.”
Còn chị Tú, một phụ huynh có con đang học cấp 2 lại cho rằng hình phạt hiện nay đối với học sinh khi phát hiện gian dối chưa đủ mạnh để răn đe:
“Giả sử như bắt được thì đình chỉ thi hoặc hủy kết quả thi, hoặc cấm thi 1, 2 năm chứ bắt xong cho thi tiếp hoặc trừ nửa số điểm thì cũng không kết quả lắm đâu.”
Bên cạnh đó, chị Tú cũng cho rằng khi học sinh đã gian lận, rất khó để giáo viên phát hiện. Vì vậy chị nghĩ rằng chỉ khi các phòng thi được lắp camera thì mới bắt tất cả trường hợp sai phạm.
“Biện pháp đó là triệt để nhất, chứ chơi tâm lý, nói hay nghiêm cấm thì nó (học sinh) đều có chiêu hết.”
Tuy nhiên, cách giải quyết như của bạn Ngọc hay chị Tú đều chỉ là cách ngăn chặn tạm thời. Còn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, để giảm thiểu vấn nạn gian lận học đường, thì cần phải canh tân về giáo dục, phải đặt lại triết lý giáo dục, có thể áp dụng triết lý giáo dục có từ thời Việt Nam Cộng Hòa là ‘dân tộc, nhân bản, và khai phóng’:
“Muốn giảm thiểu cái này mình phải tạo ra một hệ thống thể hiện triết lý đó và phải thể hiện sự nghiêm khắc của giáo dục. Phải có thực thể được trao quyền không bị ảnh hưởng bởi chính trị, lúc đó mới độc lập, có đủ nhân tài, đủ thực lực và tư cách thực hiện nhiệm vụ giáo dục.”
Truyền thông trong nước thời gian gần đây thường xuyên đưa tin về tình trạng xuống cấp trong ngành giáo dục tại Việt Nam. Vụ việc nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình trong năm 2018 vừa qua khiến công luận hết sức bất bình vì bị cho cướp đi cơ hội của những học sinh đủ năng lực.
Do đó, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng Bộ Giáo dục cần phải thay đổi tư duy và cách thức đánh giá thì mới có thể giảm gian lận trong kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông:
“Kì thi trung học phổ thông 2 trong 1 này nên bỏ đi. Thi trung học phổ thông rất nhẹ nhàng, để cho nhà trường tự tổ chức thi, các em học hết chương trình được giấy chứng nhận rồi trường đại học tự tuyển sinh. Tùy từng trường sẽ có cách tuyển sinh phù hợp thì giáo dục hướng nghiệp mới có giá trị, ý nghĩa. Còn thi 2 trong 1 thì học sinh cứ cầm điểm chạy hết trường này đến trường khác làm sao chống gian lận được. Dù đại học hay địa phương quản lý thì gian lận vẫn diễn ra.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang vụ việc nâng điểm ở 3 tỉnh bị phanh phui vừa rồi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì thực tế việc gian lận thi cử vô cùng phức tạp và diễn biến khắp mọi nơi. Vì thế, việc ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nói nhận trách nhiệm chỉ để cho xong chuyện, nghĩa là chả có trách nhiệm gì hết, xong thì thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét