Hình minh họa.
Bất luận những tuyên bố rổn rảng về “Cách mạng 4.0” hay “Make in Vietnam”, bất luận việc Việt Nam đã hội nhập từ vài thập niên nay, tiếng Anh trong hệ thống bậc phổ thông vẫn lệt bệt. Bộ Giáo dục-Đào tạo tung ra hết chương trình cải cách này đến “chiến lược” phát triển khác nhưng trình độ tiếng Anh bậc phổ thông vẫn gần như giậm chân tại chỗ…
Chưa đầy một tháng nữa, học sinh phổ thông lại thi tốt nghiệp, trong đó có môn tiếng Anh. Kết quả e rằng lại như năm trước. Tại Sài Gòn, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, có gần 50% bài thi tiếng Anh điểm dưới trung bình. Cụ thể hơn, kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố cho thấy, môn tiếng Anh xếp thứ 2 trong tổng số 9 môn thi về tỷ lệ bài thi có điểm dưới trung bình (5 điểm). Điểm trung bình của môn tiếng Anh vỏn vẹn 3,91 điểm. Không khó để thấy tại sao tiếng Anh bậc phổ thông không thể phát triển.
Trước hết là sự lúng túng dẫn đến lộn xộn trong chiến lược đầu tư phát triển môn tiếng Anh ở bậc phổ thông. Tính đến thời điểm này, ngoài chương trình tiếng Anh theo “Đề án tiếng Anh bậc phổ thông” của Bộ GD-ĐT, nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn, đặc biệt tại Sài Gòn, còn có chương trình “tiếng Anh tăng cường” và “tiếng Anh tích hợp”. “Tiếng Anh tăng cường” có nghĩa được học nhiều giờ hơn; và “tiếng Anh tích hợp” là học các môn toán, khoa học bằng chương trình Anh và Việt Nam với thời lượng 8 tiết/tuần - tăng gấp đôi so với chương trình tiếng Anh theo Đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh của Bộ GD-ĐT.
Mới đây, Bộ GD-ĐT lại “chỉnh đốn” lại “hoạt động” học và dạy tiếng Anh trong hệ thống phổ thông, bằng việc tung ra chương trình “Làm quen tiếng Anh lớp 1-2” được thiết kế hai tiết mỗi tuần nhằm giúp học sinh lớp 1 và 2 quen dần với tiếng Anh, để đến lớp 3 thì phải bắt buộc học tiếng Anh. Sự điều chỉnh và “cải tổ” lần này thể hiện ở nội dung dạy lẫn thời lượng. Từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh học bốn tiết mỗi tuần. Ở cấp trung học cơ sở (lớp 6-9) và trung học phổ thông (9-12), học sinh học ba tiết mỗi tuần. Tổng thời lượng học tiếng Anh từ lớp 3 đến 12 là 1.155 tiết. Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 chương trình sẽ áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.
Về lý thuyết, Bộ GD-ĐT đưa ra một số điều kiện sau để thực hiện chương trình nói trên. Chẳng hạn, giáo viên phải đủ số lượng tham gia giảng dạy “Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2”. Giáo viên “phải có năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm phù hợp, có hiểu biết về chương trình và người học ở lứa tuổi này; giáo viên và cán bộ quản lý cần được bồi dưỡng và tập huấn định kỳ về chương trình, tài liệu và cách thức tổ chức triển khai, giám sát”... Các trường triển khai chương trình “phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng; có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc dạy và học theo quy định của Bộ GD-ĐT”…
Tuy nhiên, có hai rào cản lớn nhất không thể đẩy tiếng Anh trong hệ thống trường phổ thông đi xa. Trước nhất, đó là nguồn giáo viên. Tờ Tiền Phong(2-3-2019) cho biết, giáo viên tiếng Anh ở hệ thống trường phổ thông vừa thiếu vừa không đủ trình độ. Theo Bộ GD-ĐT, hiện chỉ có 69% giáo viên “đạt chuẩn”. Nguồn giáo viên tiếng Anh luôn thiếu trầm trọng. Người giỏi tiếng Anh thì không thi vào Đại học Sư phạm; thầy giỏi tiếng Anh thì dạy trung tâm để kiếm được tiền nhiều hơn; trong khi người rất giỏi tiếng Anh thì đi làm (phiên dịch chẳng hạn) cho công ty nước ngoài. Về trình độ, ngay cả ở Sài Gòn mà còn có không ít giáo viên tiếng Anh phát âm sai thì huống hồ các tỉnh. Rào cản thứ hai là phương pháp. Như tất cả môn học trong hệ thống trường phổ thông, tiếng Anh được dạy và học hoàn toàn thụ động. Chưa kể sách giáo khoa được soạn với tư duy người Việt, dạy đàm thoại tiếng Anh bằng cách nói người Việt và minh họa giao tiếp bằng văn hóa người Việt. Có những bài reading, trong các sách giáo khoa bậc THPT, thậm chí như được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, với lối hành văn đặc sệt tư duy người Việt và ngôn ngữ tiếng Việt!
Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, để nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh thì “phải từ từ; phải có điểm đột phá”… Tuy nhiên, bà Huyền không nói rõ điểm đột phá là điểm gì. Còn theo ông Vũ Hải Hà, Trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại Ngữ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam thì “phải có lộ trình dài hơi”. Ông Hà cũng không nói rõ “lộ trình dài hơi” là lộ trình như thế nào. Nói cách khác, việc dạy và học tiếng Anh ở hệ thống phổ thông chưa thấy có lối thoát. Các nhà giáo dục vẫn loay hoay. Học sinh vẫn lờ mờ và phụ huynh vẫn khổ sở tìm cách “bồi dưỡng” tiếng Anh cho con em họ.
Riêng việc này, có một điều mà báo chí chưa bao giờ đề cập: việc học tiếng Anh đang làm lộ ra một vấn đề xã hội rất lớn: người nghèo vô hình trung bị dạt ra khỏi khả năng tiếp cận tiếng Anh. Cần biết, để con em có thể học “tiếng Anh tăng cường” hoặc “tiếng Anh tích hợp”, mỗi tháng phụ huynh phải đóng từ 500.000 đồng đến thậm chí 4 triệu đồng (tùy trường, trong hệ thống công lập, nói riêng ở Sài Gòn). Còn với những người khá giả hơn, họ cho con học ở các trung tâm lớn như VUS (Anh Văn Hội Việt Mỹ), Trung tâm Anh ngữ Apollo, British Council Vietnam, Oxford English UK Vietnam, IIG Vietnam, ILA Vietnam…
Với mức học phí cả triệu mỗi tháng, tiền đâu mà nhà nghèo cho con học nổi ở những trung tâm trên? Tiếng Anh trong trường phổ thông thì không “ra ngô, ra khoai”; trong khi muốn học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ lớn thì không đủ khả năng tài chính, làm thế nào học sinh ở những gia đình có mức thu nhập trung bình hoặc nghèo có thể biến tiếng Anh thành công cụ tiếp cận tri thức thế giới ở thế kỷ 21; làm thế nào mà người ta có thể “phổ cập” tiếng Anh để “từng bước” đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, như tham vọng của giới giáo dục nước nhà? Để cơ hội học tiếng Anh được ngang bằng cho tất cả và học sinh không phải khổ sở xoay sở đi “học thêm” tiếng Anh, người ta lại đụng đến một vấn đề thâm niên: toàn bộ phương pháp dạy và học tiếng Anh phải được điều chỉnh lại và giáo viên phải được đào tạo tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét