Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

11806 - Xảo thuật mua máy bay Việt - Mỹ: Hợp đồng cũ biến thành hợp đồng mới

VNTB

Cứ mỗi lần diễn ra một sự kiện đối ngoại trọng đại của "đảng và nhà nước ta", với Pháp vào thời Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng, và với Mỹ khi Nguyễn Xuân Phúc thay Dũng (Trump - phúc tháng 5 năm 2017, Washington), rồi mới nhất là cuộc gặp Trọng - Trump vào tháng 2 năm 2019 ở Hà Nội, những bản hợp đồng khủng Việt Nam mua máy bay của Mỹ lại hiện ra. Đã có ước tính rằng nếu số máy bay Mỹ mà doanh nghiệp Việt mua trong những năm gần đây là có thật, hẳn toàn bộ giao thông trên trời trong không phận Việt Nam đều... kẹt cứng.

Doanh nghiệp Việt, đặc biệt là FLC của Trịnh Văn Quyết - doanh nghiệp luôn bị đặt dấu hỏi về nguồn vốn tự có - lấy đâu ra tiền để mua hàng trăm máy bay? Và tại sao trong nhiều năm qua, trong khi ra sức khoe khoang thành tích ký kết các hợp đồng khủng với quốc tế thì chính quyền Việt Nam và các doanh nghiệp có liên quan lại không có bất  cứ một thông báo nào nhằm minh bạch về việc những hợp đồng đó đã được triển khai đến đâu hay bế tắc? Thực chất của những bản hợp đồng khủng và những vụ mua bán Việt - Mỹ trên là thế nào? 

VNTB tổng hợp một số bài phân tích có chiều sâu và đáng chú ý - xuất hiện một cách  đồng loạt, theo cách chưa từng có tiền lệ về tính đồng loạt như thế, ngay sau cuộc gặp Trọng - Trump để bạn đọc mở rộng kiến thức kinh tế và chính trị - liên quan đến chính trường mà nỗi bát nháo, xáo xào và tiểu xảo luôn là đặc trưng vốn dĩ không thể thay thế được của nó. 

-----------------------------------

XẢO THUẬT ĐỂ LẤY LÒNG HOA KỲ - HỢP ĐỒNG CŨ BIẾN THÀNH HỢP ĐỒNG MỚI

Trong chương trình Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gở Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump sáng hôm nay 27/02/2019 đã có màn trình diễn ký kết hợp đồng thương mãi; trong đó 3 công ty hàng không Việt Nam đặt mua hàng của Hoa Kỳ trị giá trên $16 tỷ Mỹ kim.

Đại diện kẻ bán và người mua đã ký kết trước mặt Tổng thống Trump sáng nay, giống như một dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẵn sàng đặt mua vài chục tỷ Mỹ kim sản phẩm của Hoa Kỳ. Dường như mục tiêu muốn lấy lòng chính phủ Trump. Dường như nhà nước Việt Nam muốn chứng tỏ sẽ không để thâm thủng mậu dịch giống như Trung Quốc đã từng làm đối với Hoa Kỳ.

Hợp đồng giá trị lớn nhất sáng nay, VietJet đặt mua 100 chiếc Boeing B737 MAX trị giá $12.7 tỷ Mỹ kim, được ký kết giữa Tổng giám đốc VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, và Tổng giám đốc Boeing Commercial Airplanes, ông Kevin McAllister. Trên thực tế, bà Thảo và ông McAllister đã từng ký kết với nhau về lô hàng 100 chiếc B737 MAX này cách đây hơn 7 tháng, vào sáng ngày 18/07/2018 trong cuộc triển lãm phi cơ Farnborough International Airshow 2018 tại Anh Quốc.

Hợp đồng kế tiếp, công ty hàng không Bamboo Airways đặt mua 10 chiếc Boeing 787-9 Dreamliners trị giá $3 tỷ Mỹ kim. Bamboo Airways được bỏ vốn bởi tập đoàn xây dựng FLC Group của Việt Nam. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, thì Bamboo Airlines muốn mở thị trường về hướng châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ bằng với khả năng của những chiếc Dreamliners 787 với hiệu quả kinh tế rất cao.

Trên thực tế, cách đây 8 tháng, vào ngày 25/06/2018, tập đoàn FLC đã thỏa thuận mua mới 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá 5.6 tỉ đô la Mỹ, tại Washington D.C. dưới sự chứng kiến của Vương Đình Huệ. Mãi cho đến 08/01/2019, Bamboo Airways mới thật sự chính thức nhận được chứng chỉ nhà khai thác bay, Air Operator Certificate (AOC), của Cục Hàng không Việt Nam. Con số 20 máy bay Dreamliners này sẽ được bàn giao lần lượt từ giữa tháng Tư 2020 cho đến 2021. Hiện nay Bamboo bắt đầu bay với khoảng 6 chiếc máy bay Airbus 320 của thành phần thứ ba (third-party aircraft). Vì thế, chuyện Bamboo Airways đặt mua máy bay Dreamliners sáng nay... chẳng có gì mới mẻ cả.

Hợp đồng thứ ba giữa Vietnam Airlines và Sabre Corporation trị giá $300 triệu Mỹ kim cũng được ký kết sáng nay giữa Dave Shirk, Chủ tịch của tập đoàn Sabre Travel Solutions, và Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Trên thực tế, hàng không Vietnam Airlines đã ký kết 2 hợp đồng với Sabre hơn 10 năm trước đây, vào ngày 13/08/2008 tại Texas; thứ nhất là đặt mua hệ thống giữ chỗ và ra vé máy bay của SabreSonic và thứ nhì là hệ thống mua hàng hóa bán trên mạng được thiết kế bởi Sabre và IBM.

Cách đây 9 tháng, Vietnam Airlines đã ký kết lại (renewal) hợp đồng với Sabre vào tháng Năm 2018. Vì thế, ký kết hợp đồng sáng nay chỉ để cho Vietnam Airlines được thêm vào chương trình phục vụ hành khách trên máy bay (Sabre In-Flight solution) nhằm tiết kiệm được 10% ngân sách cung cấp thức ăn và giải trí (catering budget) trong các chuyến bay về sau.

Sự ký kết 3 hợp đồng này dường như xào nấu lại một số hợp đồng sẵn có để làm đẹp lòng ông Trump.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét