Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

11814 - Việt Nam được gì sau thượng đỉnh Mỹ-Triều



Cổ động sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Internet

Dù cuộc họp thượng đỉnh Mỹ và Bắc Triều Tiên hôm 28 tháng 2 vừa qua không mang lại một kết quả nào, nhưng qua sự kiện ông Donald Trump trở lại Việt Nam lần thứ hai và nhất là lãnh tụ Kim Chính Ân đã vượt hơn 4 ngàn cây số đường sắt để đến Hà Nội, giúp tô đậm thêm sự “ly kỳ” cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai này tại Hà Nội.
Không những thế, sự hứa hẹn của ông Trump sẽ giúp Bắc Hàn phát triển kinh tế như Việt Nam ngày nay, nếu Kim Chính Ân từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân, bỗng chốc “mô hình phát triển” của Việt Nam đã trở thành một vấn đề thời sự quốc tế.
So với Hội nghị thượng đỉnh lần một mang lại cho Singapore số lợi nhuận trên 500 triệu Mỹ Kim từ lượng du khách gia tăng đáng kể sau tháng 6 năm 2018, có lẽ Việt Nam sẽ không thu hút lượng du khách đông bằng vì nhiều lý do; nhưng sau hội nghị lần 2 này, mang lại cho CSVN một số điều thuận lợi trên các mặt ngoại giao, kinh nghiệm tổ chức Hội nghị quốc tế và hình ảnh các lãnh tụ CSVN được những cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi mà không tốn nhiều chi phí.
Điều cần lưu ý thêm là với hai nhân vật có nhiều góc cạnh nhất của thế giới – Donald Trump và Kim Chính Ân, thì dù Hội nghị được tổ chức ở bất cứ đâu cũng sẽ làm dậy sóng dư luận. Do đó, Hà Nội đã trở thành sức hút của giới truyền thông quốc tế với những bài viết ca ngợi Việt Nam trong các ngày qua, thì đó cũng là lẽ bình thường.
Nhưng lãnh đạo CSVN thì cao vọng hơn như thế. Ông Nguyễn Xuân Phúc thì muốn qua hội nghị Mỹ-Triều, Việt Nam là cầu nối cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và nhất là trở thành đối tác kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực. Chính cao vọng này mà tờ Thanh Niên đã trở thành lố bịch khi giật tít: “Việt Nam, trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”.
Trong vài năm vừa qua, Việt Nam tuy được cộng đồng quốc tế chú ý về mức tăng trưởng kinh tế nhờ thu hút đầu tư nước ngoài, và những lần tổ chức các Hội nghị quốc tế của khối ASEAN, APEC; nhưng vị thế chính trị của Việt Nam nói chung còn rất thấp, chưa xứng tầm của một đất nước có gần 100 triệu dân.
Đó là lãnh đạo CSVN không có “trách nhiệm đối với quốc dân”. Đất nước Việt Nam đang điều hành bởi một tập đoàn độc tài đảng trị, dựa trên quyền lợi của một thiểu số quyền lực. Họ sợ mất quyền và bị người dân truất phế nên ôm chặt quyền lực độc tôn và dùng bộ máy bạo lực trấn áp mọi tiếng nói của những người yêu nước.
Trong những ngày xảy ra Hội nghị thượng đỉnh, CSVN đã huy động một lực lượng công an canh gác và không cho những nhà dân chủ ra khỏi nhà. Sự trấn áp này cho thấy là CSVN rất sợ giới truyền thông quốc tế tiếp cận với các nhà đối kháng, để biết về những sự thật tồi tệ bên trong xã hội Việt Nam, cũng như những bất ổn xã hội do chính sách cai trị sai lầm của họ qua vụ Vườn Rau Lộc Hưng, Đồng Tâm, Formosa Hà Tĩnh, vân vân…
Một tập thể lãnh đạo mị dân như vậy làm sao có đủ khả năng để trở thành “trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”, khi mà chính họ không “hòa giải” được với người dân đang khát vọng thay đổi.
Nói tóm lại, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có giúp cho hình ảnh chế độ CSVN lan rộng nhiều nơi, thu hút khách du lịch; nhưng kết quả này chắc chắn không làm cho Việt Nam sớm có dân chủ, tự do và xã hội công bằng hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét