Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

11815 - Về Chính trị Nhân sĩ (phần 2)



Lời Tòa Soạn: Nguyễn Gia Kiểng (sinh 1942) là cựu công chức Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30 tháng 4 -75 ông bị đi tù cải tạo hơn 3 năm. Khi được thả ông được CS sử dụng làm chuyên viên cho đến khi Pháp can thiệp để được đi định cư tại Pháp năm 1982. Nguyễn Gia Kiểng, cùng một số trí thức của miền Nam Việt Nam đã từng trải qua các trại tập trung cải tạo sau ngày 30-4-1975, thành lập một nhóm chính trị sau này trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối bất bạo động trong tinh thần hòa giải dân tộc, do đó bị đả kích từ những người chống cộng theo phương cách khác. Trẻ xin giới thiệu bài phỏng vấn của Phạm Thị Hoài về quan điểm và phương pháp đấu tranh dân chủ cho Việt Nam.
Phỏng vấn Nguyễn Gia Kiểng, Chủ tịch Tập hợp Dân chủ Đa nguyên
Phần 2 (và hết)
Phạm Thị Hoài: Cuộc Cách mạng Hòa bình ở Đông Đức năm 1989 chấm dứt chế độ chuyên chính vô sản ở CHDC Đức và dẫn đến thống nhất nước Đức diễn ra không do tổ chức nào lãnh đạo. Ngược lại, các tổ chức chính trị đối lập mà trước đó không thực sự hiện diện đã hình thành qua đêm, từ phong trào tự phát lan rộng của quần chúng. Song dường như cuộc cách mạng đó cũng như tất cả các chuyển đổi thành công từ một chế độ độc tài cần ít nhất một trong ba điều kiện: Một, ý chí thay đổi chế độ hiện hành của đa số người dân; hai, một khoảng trống quyền lực đủ lớn; và ba, một hoàn cảnh chính trị quốc tế đủ thuận lợi. Đông Đức năm 1989 đáp ứng cả ba điều kiện đó. Việt Nam năm 2019 dường như không đáp ứng cả ba. Đa số dân chúng không màng chuyện chính trị. Chính quyền đảng trị và nhà nước công an không thực sự suy yếu dù chúng ta cấp sẵn giấy báo tử cho nó từ rất lâu rồi. Còn thế giới thì có đủ thứ khác đáng bận tâm hơn chế độ cộng sản giả hiệu hạng nhì ở Việt Nam, chưa kể chỗ dựa vững mạnh của chế độ ấy ở một Trung Quốc cộng sản giả hiệu hạng nhất đang chuẩn bị thống soái thế giới. Lẽ phải, trong hoàn cảnh như vậy, có vẻ rất cô đơn? 
Nguyễn Gia Kiểng: Lẽ phải không bao giờ cô đơn và luôn có sức mạnh vô địch của nó nếu biết vận dụng. Không thể so sánh Việt Nam hiện nay với Ðông Ðức năm 1989. Ðông Ðức lúc đó giống như một tỉnh của Ðức bị nước ngoài chiếm đóng, nước ngoài bỏ đi và một nước mẹ phồn vinh dang tay đón nhận. Trong một hoàn cảnh như thế thì dù có hay không có các tổ chức chính trị, thay đổi vẫn đến. Việt Nam hiện nay là một quốc gia đang phải chịu đựng một chính quyền tồi dở đặt nền tảng trên một chủ nghĩa độc hại. Chúng ta phải thay đổi cả chính quyền lẫn chế độ và văn hóa chính trị. Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước Việt Nam là một cuộc cách mạng đúng nghĩa. Chúng ta mong muốn cuộc cách mạng này sẽ diễn ra trong hòa bình và trong tinh thần hòa giải dân tộc nhưng đó vẫn là một cuộc cách mạng rất lớn, toàn diện và triệt để. Kinh nghiệm cũng như lý luận cho thấy là có bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng thành công, như Tập hợp Dân chủ Ða nguyên đã vạch ra trong các dự án chính trị từ ba thập niên qua và nhắc lại trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai:
Ðiều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
Ðiều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
Ðiều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
Ðiều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.
Dĩ nhiên không bao giờ có điều kiện nào được thực hiện xong 100%, nhưng tới một mức độ chín muồi nào đó ta có thể coi một điều kiện là đã đạt được. Ðây là những điều kiện để một quốc gia tự thay đổi. Dĩ nhiên bối cảnh thế giới có thể gia tốc hoặc làm chậm lại tiến trình cách mạng nhưng yếu tố quyết định vẫn là cố gắng của chính dân tộc đang cần sự thay đổi. Nhìn vào tình trạng Việt Nam hôm nay chúng ta có thể nói là hai điều kiện đầu coi như đã có.
Ðiều kiện thứ ba cũng đã có được một phần đáng kể. Quần chúng Việt Nam hiện nay đều muốn một chế độ dân chủ pháp trị và một nền kinh tế thị trường, nhưng vấn đề gai góc còn lại là hiểu rõ những khái niệm nền tảng của dân chủ và đem lại cho chúng một nội dung vừa Việt Nam vừa cập nhật. Không đơn giản đâu, dân chủ không phải chỉ là khẩu hiệu “tam quyền phân lập”. Chúng ta cần một nền tảng tư tưởng và những định hướng lớn cho mô thức Việt Nam như chúng tôi đã trình bày trong dự án chính trị của mình. Ðất nước đang cần một đột phá về tư tưởng mà hình như trí thức Việt Nam vẫn tránh né, chính vì thế mà cuộc vận động dân chủ vẫn chưa khởi sắc.
Ðiều kiện thứ tư, cũng là điều kiện cụ thể nhất và quan trọng nhất, nghĩa là một tổ chức chính trị có tầm vóc, thì chúng ta gần như thiếu hẳn. Ðó là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại dù đáng lẽ nó đã phải bị đào thải từ lâu rồi. Phải ý thức rằng ngay cả nếu chế độ này có ngã gục trên chính quyền thì chúng ta vẫn cần một lực lượng để kéo thi thể của nó đi chỗ khác, nhưng lực lượng này chúng ta vẫn chưa có.
Tại sao chúng ta vẫn chưa có một tổ chức dân chủ mạnh? Lý do chính không phải là vì chính quyền cộng sản đàn áp. Với mức độ tự do đã giành được và các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một tổ chức dân chủ lớn. Trở ngại chính là di sản văn hóa nhân sĩ, là cách hoạt động chính trị một mình hay trong khuôn khổ bạn bè thay vì tham gia xây dựng một tổ chức đúng nghĩa. Chúng ta chỉ có thể đưa cuộc vận động dân chủ ra khỏi thế èo ọt hiện nay nếu vất bỏ được cách làm chính trị nhân sĩ này. Tổ chức sẽ cho chúng ta sức mạnh, lòng tin và sự dũng cảm, nhưng nó cũng giúp chúng ta có được bước đột phá tư tưởng cần thiết mà tôi vừa nói tới trong điều kiện thứ ba, vì tổ chức cũng chính là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến.
Phạm Thị Hoài: Vì sao đó nhất thiết phải là một tổ chức dân chủ mạnh mà không thể là một liên minh, một tập hợp của rất nhiều tổ chức có thể tương đối nhỏ? Đã có khá nhiều tổ chức như vậy ở Việt Nam và hải ngoại, song dường như phần lớn đều chưa sẵn sàng đứng chung trong một liên minh dân chủ? Hai năm trước, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên mà anh là chủ tịch phải trải qua một vụ ly khai. Bản thân anh với chủ trương đấu tranh ôn hòa cũng bị những người chống cộng cực đoan tẩy chay. Lý tưởng dân chủ không đủ mạnh để làm chất keo đoàn kết các lực lượng dân chủ, hay đơn giản là mô hình kinh điển của những tổ chức và đảng phái chính trị trước đây không còn phù hợp với những phương thức vận động quần chúng của thế kỷ 21 này, khi cá nhân một influencer [người có ảnh hưởng] có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người qua internet?
Nguyễn Gia Kiểng: Chúng ta đâu có mô hình tổ chức kinh điển nào từ trước đến nay đâu. Sự thực là chúng ta chẳng có mô hình tổ chức nào cả, cứ tùy hứng mà lập tổ chức thôi. Ðó là thảm kịch văn hóa của chúng ta, và cũng là lý do khiến chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Khi chúng ta tưởng rằng mình đã học được kinh nghiệm của một đảng nào đã thành công tại một nước nào đó thì cùng lắm chỉ là học phiến diện và vội vã chứ không hiểu. Muốn hớt tóc hay làm móng tay cũng phải học ít nhất nửa năm, nhưng đấu tranh để thay đổi số phận của cả một dân tộc thì nhiều người lại cho rằng không học cũng làm được. Kết quả là hợp rồi tan. Sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản đã có hàng trăm hàng ngàn tổ chức được thành lập để chống lại, nhưng bây giờ còn lại bao nhiêu tổ chức có chút thực chất? Không bằng số ngón tay của một bàn tay. Nhưng tại sao cách hành động cẩu thả như vậy cứ tiếp tục? Ðó có lẽ là vì lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước không đủ mạnh. Người ta chỉ hành động vì tức giận với chế độ cộng sản, hay tệ hơn nữa vì muốn có chút tiếng tăm nên không thấy cần phải nghiên cứu và học hỏi. Nếu thực sự đấu tranh vì dân chủ và tương lai đất nước thì người ta sẽ chăm chú quan sát, nghiên cứu, suy nghĩ và sẽ hiểu rằng xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc là điều vừa bắt buộc phải làm vừa vô cùng khó khăn, và sẽ có thái độ đóng góp khiêm tốn và thận trọng. Anh em chúng tôi trong Tập hợp Dân chủ Ða nguyên đã dành trọn hai năm để chỉ nghiên cứu về mục tiêu, đường lối và phương thức đấu tranh trước khi quyết định thành lập tổ chức. Nhờ đó chúng tôi hiểu rằng muốn xây dựng một tổ chức phải có một tư tưởng chính trị đúng đắn, thể hiện qua một dự án chính trị nghiêm túc và khả thi, sau đó cố gắng đầu tiên là phải xây dựng một đội ngũ nòng cốt. Hai giai đoạn này chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc đấu tranh và có thể kéo dài nhiều thập niên, nhưng đó là cái giá phải trả cho cuộc cách mạng dân chủ. Chúng ta có thể nhận xét là ngay cả các chính đảng có bề dầy lịch sử mà không cập nhật được tư tưởng chính trị cũng không thể tồn tại.
Thành lập tổ chức rất khó nhưng là điều không thể tránh né. Một cá nhân đứng ngoài mọi tổ chức dù xuất chúng và tận dụng mạng internet cũng chỉ có thể đóng góp cho cuộc vận động dân chủ trong việc khai dân trí, nhưng cũng chỉ giới hạn thôi vì điều cần khai dân trí nhất chính là phải chấm dứt lối làm chính trị nhân sĩ.
Công thức liên minh các tổ chức nhỏ cũng không phải là giải đáp cho nhu cầu có một lực lượng dân chủ mạnh. Từ 1975 tới nay đã có vài chục liên minh. Tất cả các liên minh này đều bế tắc ngay sau khi thành lập và trên thực tế tan rã ngay sau đó. THDCÐN có lập một ủy ban nghiên cứu về các kinh nghiệm liên minh để rút những kết luận cho tương lai. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã nói đến sự cần thiết của một mặt trận, hay liên minh, dân chủ, nhưng đó chỉ là một liên minh giai đoạn ở cao điểm của cuộc vận động dân chủ và dù vậy cũng phải có hai điều kiện. Một là phải có một tổ chức mạnh và có uy tín để làm đầu tầu với vai trò lãnh đạo được các tổ chức thành viên khác chấp nhận. Hai là mỗi tổ chức thành viên đều phải có một tầm vóc nào đó, nếu không thì liên minh cũng giống như một cuộc tảo hôn và sẽ thất bại.
Cô Hoài có nhắc tới vụ ly khai hơn hai năm trước xảy ra trong THDCÐN. Những ai đã từng tham gia xây dựng các tổ chức đều hiểu rằng những trục trặc là thường. Lòng người phức tạp và văn hóa tổ chức của người Việt Nam chúng ta không cao, lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước nơi một số người đôi khi cũng không đủ mạnh để chấp nhận những hệ lụy của sinh hoạt tổ chức. Chúng tôi có may mắn là ít gặp sự cố, nhưng đây không phải là lần đầu có những người ra đi. Phần lớn ra đi trong sự nhã nhặn và vẫn giữ cảm tình với tổ chức, nhưng cũng có những người ly khai, nghĩa là ra đi và dứt tình với tổ chức. Ðặc tính chung ở những người ly khai này là họ ngừng hoạt động chính trị một thời gian ngắn sau đó. Vụ ly khai cách đây hai năm chỉ là một hành động phản bội vì bị cám dỗ tiền bạc quá lớn chứ tuyệt đối không phải vì một động cơ chính trị nào. Những người chủ mưu, trong đó có người phụ trách trang Thông Luận, đã cướp trang web này để lấy nó làm dụng cụ bênh vực ông Trịnh Vĩnh Bình trong vụ kiện chính quyền cộng sản Việt Nam. Ông Trịnh Vĩnh Bình, một người quen thân lâu ngày của họ, đòi bồi thường 1,050 triệu USD và hứa sẽ tặng 90% số tiền giành được cho các thân hữu. Họ không thể làm việc này trong THDCÐN được, vì đối với chúng tôi đây chỉ là vụ kiện của một người làm giầu bất chính bằng cách câu kết với một chính quyền bất lương và bị chính quyền bất lương này phản bội. Cám dỗ quá lớn và họ đã bịa đặt đủ điều để đánh lừa một số anh em khác, thí dụ như bịa đặt một chúc thư của cố huynh trưởng Nghiêm Văn Thạch kêu gọi các chí hữu nổi loạn chống ban lãnh đạo ngay trong ngày đám tang của ông. Họ đã tan rã ngay sau khi vụ kiện kết thúc, chỉ còn vài người cố gian trá tới cùng thôi.
Cô Hoài cũng nói tới những người buộc tội chúng tôi thân cộng. Xin trả lời vắn tắt rằng chuyện này đã thuộc hẳn vào quá khứ. Phần lớn dư luận trong cũng như ngoài nước ngày nay đã hiểu lập trường của chúng tôi, dù đồng ý hay không. Không thể khác, không có sự hiểu lầm nào kéo dài mãi được.
Phạm Thị Hoài: Có thể có một hiểu lầm khác. Trên trang nhà, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên khẳng định rằng mình “gần như là địa chỉ duy nhất cung cấp cho độc giả và mọi người Việt Nam những kiến thức c bản nhất về chính trị”, “là ngoại lệ duy nhất” trong các tổ chức và đảng phái chính trị Việt Nam hiện tại có khả năng dự đoán và “có giải pháp cho tất cả  mọi vấn đề của Việt Nam”. Chưa kể nguy cơ đánh mất thiện cảm của các đồng minh chính trị, tuyên xưng “duy nhất” ấy có phù hợp với diễn ngôn dân chủ đa nguyên không, và rốt cuộc, ít nhiều cũng rơi vào một khía cạnh của “văn hóa chính trị nhân sĩ” mà anh phê phán, khía cạnh một mình, chỉ riêng mình, duy nhất mình đạt được thành tựu không, thưa anh?
Nguyễn Gia Kiểng: Cảm ơn lời nhắc nhở chân tình của cô Hoài. Cùng một lập trường nhưng mỗi người có cách phát biểu khác nhau. Hai bài báo mà cô Hoài nhắc tới phản ánh cách phát biểu riêng của Việt Hoàng. Mỗi người chúng ta đều là một ngoại lệ duy nhất cả. Ðiều tôi có thể quả quyết là Việt Hoàng, một chí hữu đầy tiềm năng của Tập hợp, không viết như vậy vì tự mãn mà vì phiền lòng trước cách đấu tranh hiện nay trong phong trào dân chủ. Chúng ta phản bác chế độ cộng sản và đấu tranh để thay đổi nó thì chúng ta cũng phải biết chúng ta muốn thay đổi như thế nào, chúng ta muốn xây dựng đất nước Việt Nam nào. Chúng ta cũng phải biết đâu là những vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước và có thể có những giải đáp nào. Nhưng thực tế là trong vô số các tổ chức đã được thành lập, và đa số không còn nữa, đã có bao nhiêu tổ chức có được một dự án chính trị cho đất nước? Hãy lấy một thí dụ cụ thể là môi trường. Từ ba thập niên qua Tập hợp Dân chủ Ða nguyên đã liên tục cảnh báo rằng đất nước đang bị hủy hoại và đây là một trong những nguy cơ lớn nhất vì đất nước trước hết là đất và nước, và khi đất nước đã bị ô nhiễm đến độ không còn sống được nữa thì chúng ta chẳng còn gì để nói với nhau. Chúng tôi đã không nhận được sự đồng tình hưởng ứng nào cho đến khi xảy ra thảm họa Formosa. Chúng tôi còn nêu ra nhiều vấn đề lớn khác với những đề nghị giải đáp, như những ai bỏ thì giờ đọc dự án chính trị của chúng tôi có thể thấy. Niềm tin của anh em chúng tôi là muốn đấu tranh chính trị đúng nghĩa thì phải nhận diện được và có giải đáp cho những vấn đề lớn của đất nước, đồng thời chuẩn bị nhân lực để thực hiện những giải đáp đó. Muốn như thế thì phải có sức mạnh của tổ chức, phải hy sinh tư kiến, lòng tự ái và tham vọng cá nhân để đấu tranh có tổ chức. Cách phát biểu của Việt Hoàng có thể bị hiểu lầm là tự mãn nhưng hoàn toàn không có tâm lý nhân sĩ.
Một lời sau cùng: Lẽ Phải có sức mạnh vô địch nhưng nó không chỉ giới hạn trong phạm vi đạo đức. Khi chúng ta lên án độc tài, tham nhũng và các thẩm phán tay sai trong những phiên tòa chính trị chúng ta có lẽ phải, nhưng chúng ta cũng có lẽ phải khi chúng ta nói một nền kinh tế lành mạnh phải cố gắng phát triển thị trường nội địa thay vì để cho ngoại thương chiếm 200% GDP như hiện nay. Và chúng ta cũng có lẽ phải khi bác bỏ lối làm chính trị nhân sĩ và khẳng định rằng đấu tranh chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.
Phạm Thị Hoài: Xin cảm ơn anh Nguyễn Gia Kiểng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét