Khó có thể định nghĩa hạnh phúc là gì và thế nào là một con người hạnh phúc. Trong ý nghĩa thông thường, thì hạnh phúc là sự sung sướng, niềm vui, thỏa mãn, những thành tựu của mỗi cá nhân. Khi đời sống, cảnh ngộ làm cho tâm tình người ta dễ chịu sung sướng, vừa lòng mãn ý thì người ta cảm tưởng rằng mình là người hạnh phúc.
Nhưng phải chăng hạnh phúc là điều, cái mình không có hay thường mơ ước.
Sau năm 1975, tôi có một người bạn tù “cải tạo” chung trại ngoài Bắc, trong cơn đói triền miên, anh nói với bạn bè, nếu cho anh được là tên tù phụ trách chuồng heo của trại, được no một này hai buổi với những thức ăn, cơm cháy, cơm thiu của heo, thì anh ở đây suốt đời cũng được!
Một người chồng đang chịu cảnh vợ ngoại tình, con cái hư hỏng, thì cho rằng người bạn của họ đang có một mái ấm gia đình, trong ấm ngoài êm là hạnh phúc.
Một người vô gia cư, bữa đói bữa no, thì cho người mỗi ngày không phải lo nghĩ về miếng ăn chính là người… hạnh phúc!
Nhưng chúng ta vẫn thường nghe nói câu “đồng tiền không đem lại hạnh phúc,” vậy thì ai đúng và ai sai?
Quả là hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không mức độ rõ ràng, không đong, đo, đếm được, tất cả chỉ là kết quả cảm xúc, ý thức của mỗi người. Có thể anh cho hoàn cảnh của tôi là hạnh phúc, nhưng bản thân tôi lại nghĩ khác. Cũng là một đời sống đó, người cho là hạnh phúc, kẻ thì không!
Có quan niệm cho rằng, nếu ta biết sống chừng mực không tham cầu, biết đủ, biết vừa, (tri túc, tiện túc, hà thời túc) thảnh thơi, cõi lòng an nhiên tự tại, biết sống, thì chúng ta mới có được niềm an vui hạnh phúc đúng nghĩa, nghĩa là hạnh phúc không ở đâu xa, “hạnh phúc ở quanh đây.”
Năm nào, Liên Hợp Quốc cũng công bố Báo Cáo Hạnh Phúc Thế Giới, dựa trên tiêu chuẩn GDP bình quân đầu người (tổng sản phẩm nội địa, chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của một quốc gia,) hỗ trợ xã hội, số năm sống khỏe mạnh, sự tự do, sự hào phóng và tình trạng tham nhũng. Nhưng sự thật, những tiêu chuẩn này đã là những điều căn bản xác thật để cho ta cảm thấy là hạnh phúc hay chưa?
Và năm nào, trong và ngoài nước cũng bàn về thứ hạng hạnh phúc của người Việt Nam trong sự xếp hạng. Sau khi có bản công bố, đã có nhiều ý kiến về thứ hạng này, (năm nay – 2019 Việt Nam hạng 94/156 quốc gia.)
Nhiều ý kiến trong nước không đồng tình với kết quả của bảng xếp hạng trên vì cho rằng người Việt hiện nay đã bằng lòng với hạnh phúc, như vậy thứ hạng này đáng lẽ phải cao hơn: – “Nhưng lẽ ra với điều kiện của Việt Nam phải sánh ngang Hàn Quốc hay Singapore” (Rieu).
Bằng lòng với hạnh phúc của người Việt Nam Nam là như thế nào?
VNExpress trong nước đưa ra một vài phát biểu như.
– “Sáng đưa con đi học, chiều đón con về. Tiền ít nhưng cả nhà vui vẻ, hài lòng. Thế là hạnh phúc! (Duy Đông)
– “Sáng ăn bát phở, uống ly cà phê đi làm, chiều về mua tờ vé số rồi uống vài chai bia với chiến hữu. Hạnh phúc chỉ cần thế! (Trần Mạnh Tiệp)
– “Tôi thực sự đang rất hạnh phúc khi mình sống ở Việt Nam, sống gần người thân, được làm những gì mình muốn, sáng có thời gian làm một ly cà phê ngắm đường phố. (Hoàng Hải Nguyên)
– “Không hiểu tại sao thứ hạng Việt Nam lại thấp thế? Cuộc sống ở Việt Nam khá ổn. Tôi ở Hà Nội và thấy rằng: một gia đình hai con, thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng thì chắc chắn sẽ thoải mái hơn sống ở những nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…” (Fullrockh)
Đúng là hạnh phúc… ở quanh đây! “Hạnh phúc là sáng ăn phở, uống cà phê, chiều mua vé số, uống bia!”
Nhưng cũng có người Việt Nam tỉnh táo: “Sự xếp hạng này thực tế, để bà con bớt mơ ngủ. Hạnh phúc cao siêu chưa biết nhưng phải đủ ăn đủ mặc, giáo dục, y tế, giao thông thuận lợi, con người thường xuyên không phải sợ hãi hay lo lắng là những thứ căn bản nhất. Chúng ta còn phải nỗ lực nhiều để thăng hạng theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc.” (Hoàng Đức Nguyên)
Phải chăng khi chúng ta có một mái nhà, cái xe, lương đủ sống, có cái phone đời mới, buổi chiều có tiền ra quán nhậu là đã đạt đến tiêu chuẩn hạnh phúc rồi. Còn cái xã hội, trong đó chúng ta đang sống, có khi lại chẳng liên quan gì đến mình.
Không biết cha mẹ của cô con gái bị một tên vô lại đè ra, ôm hôn trong thang máy, nó chỉ bị phạt 8 đô la; các gia đình 9 nữ sinh Hà Giang, nạn nhân của tên Sầm Đức Giang – Hiệu trưởng, và tên Chủ Tịch Nguyễn Trường Tô – chủ tịch tỉnh Hà Giang… có hạnh phúc hay không, trong một xã hội hư đốn, đồi bại như thế?
Chúng ta thử nhớ vài con số ở Việt Nam.
– Mỗi năm Việt Nam có 94,000 người chết vì bệnh ung thư trong số 126,000 người mắc bệnh.
– Mỗi năm Việt Nam có 25,322 tai nạn giao thông làm cho 8,966 người chết và 24,417 người thương tật.
– Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu là 77%. Năm 2010, lượng tiêu thụ bia rượu tính trên đầu người là 6.6 lít/năm. Dự báo cho năm 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít cho mỗi đầu người một năm. Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu nhập cảng, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu nội địa
– Phụ nữ chúng ta đứng đầu chuyện phá, nạo thai ở Đông Nam Á với 300,000 trường hợp (20% là em gái vị thanh niên).
– Mỗi năm 100,000 phụ nữ Việt ra đi lấy chồng ngoại quốc vì nghèo đói.
– Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (lao công, ở đợ) vượt con số 100,000, tăng 30% so với chỉ tiêu hằng năm và tăng 6% so với năm 2017.
Người phụ nữ ra ngoại quốc để thoát cảnh nghèo tất nhiên là thấy mình hạnh phúc, trong đó có hạnh phúc… báo hiếu. Cha mẹ được con gái bán thân gửi tiền về xây nhà, mua xe cho bằng hay hơn làng xóm, hãnh diện với láng giềng, thân thuộc hẳn là hạnh phúc hơn người! Người thợ xây nhà, đại lý bán xe… có lợi nhuận, hẳn là hạnh phúc. Tóm lại, toàn dân đều… hạnh phúc!
Trong bảng xếp hạng của “UN World Happiness,” Mexico đứng hàng thứ 24, trong khi đây là một nước không đủ việc làm cho công dân, dân lao động phải tràn sang biên giới phía Nam, ma túy, giết chóc tràn lan. Nhưng quả tình tôi thấy người Mexico di dân ở Hoa Kỳ là những người hạnh phúc, mặc dầu phần lớn họ ở dưới mức nghèo đói. Không lúc nào họ từ nản những công việc nặng nề, luôn vui vẻ, tươi cười. Buổi chiều đi làm về, ghé 7-Eleven mua một chùm bia ngồi uống trên bậc cửa, sáng Chủ Nhật đưa cả gia đình ra công viên. Mỗi tháng có chút tiền gửi về quê nhà cho người thân. Có ai hạnh phúc hơn thế!
Có thể người Mexico vốn dễ tính, lạc quan, nhưng lãnh đạo CSVN coi có vẻ lạc quan hơn nhiều. Bằng chứng là Việt Nam ngày này qua lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có một câu nói huênh hoang để đời: “Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình…”
Nói như thế, thì việc xếp hạng Việt Nam vào hạng dưới trung bình, thứ 94/156 của Liên Hiệp Quốc, thua Singapore và chỉ ngang bằng với Trung Quốc là một điều sỉ nhục coi như thiếu công bằng, thiên vị, và vì ganh ghét.
Nhưng nhìn lại hệ thống giáo dục, y tế và điều kiện xã hội, sự suy đồi đạo đức của đất nước, và đối với những người dân bị áp bức, không có quyền làm người, mất cửa, mất nhà, bỏ xứ ra đi, lưu lạc ra xứ người, tủi nhục vì sự sống như hiện nay, thứ hạnh phúc đó đúng là một thứ hạnh phúc… xót xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét