Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về ý tưởng bao trùm sáng kiến kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" cũng như chưa rõ các cấu trúc cần thiết cho việc thực thi. Nói đúng hơn là mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ. ASEAN và các quốc gia khác nên tham gia vào FOIP để đóng góp cho công cuộc xây dựng nó và hình thành được một trật tự khu vực mang tính tổng quát hơn.
Những nhân tố chính đứng sau sáng kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) đang tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để đúc rút một chiến lược nhằm hiện thực hóa kế hoạch này. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về ý tưởng bao trùm sáng kiến này cũng như chưa rõ các cấu trúc cần thiết cho việc thực thi nó. Nói đúng hơn là mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ. ASEAN và các quốc gia khác nên tham gia vào FOIP để đóng góp cho công cuộc xây dựng nó và hình thành được một trật tự khu vực mang tính tổng thể hơn.
Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (nhóm JAI) đã tổ chức cuộc họp ba bên đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires. Các lãnh đạo của ba nước này đã nhất trí rằng một trật tự “tự do, rộng mở và trên nền tảng các quy tắc” là thiết yếu đối với sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ nhấn mạnh sức ảnh hưởng mềm làm nền tảng cho FOIP trong khi Nhật Bản đề cao tiềm năng kinh tế. Đối với Nhật Bản, FOIP cởi mở với tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, sự tự do di chuyển và những tiêu chuẩn liên quan đến sự minh bạch và phát triển bền vững. Còn Mỹ nhấn mạnh không ai nằm ngoài cuộc, khao khát hướng đến một trật tự khu vực của những quốc gia độc lập ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để bảo vệ người dân các nước này và tôn trọng giá trị nhân văn, cạnh tranh một cách công bằng trên thương trường và không phải chịu sự cai trị của các thế lực siêu cường. Trong bối cảnh Mỹ chỉ trích và hoài nghi về Trung Quốc tại hầu hết khu vực này, Trung Quốc khó có thể trở thành một phần của FOIP dù Bắc Kinh luôn muốn tham gia kế hoạch này.
JAI đang định hình để đóng một vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ đề nghị ba nước cùng hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng và các nỗ lực khác trong khu vực. Tokyo và New Delhi cũng đã nhất trí củng cố sự hợp tác an ninh biển và hải quân, đồng thời cộng tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba, trong đó có Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka nhằm củng cố sự kết nối chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đảm bảo với tất cả rằng FOIP sẽ cởi mở và mang tính tổng thể. Ông nhấn mạnh 5 điều giúp bảo đảm sự hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn phục vụ cho lợi ích chung là thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó là: Sự kết nối, phát triển bền vững, an ninh biển, khắc phục thiên tai và tự do hàng hải. Modi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng sự đồng thuận về một kiến trúc khu vực dựa trên nền tảng các quy tắc về lợi ích chung và sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Mặc dù các bên liên quan đã có một sự nhất trí chung cho các quy tắc của FOIP, song điều quan trọng phải thảo luận tới đây là việc thực thi chúng. Nếu không giải đáp được câu hỏi về thực thi này và thiếu sự minh bạch về các chi tiết, các quốc gia trong khu vực, bao gồm các nước ASEAN, sẽ tiếp tục dè dặt trong việc đi theo ý niệm của FOIP.
Các nước thành viên ASEAN đang thể hiện những mức độ hoài nghi khác nhau về FOIP. Philippines và Campuchia lúc đầu là những nước miễn cưỡng nhất trong việc đưa sáng kiến này vào thảo luận trong khuôn khổ ASEAN do lo ngại rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN, trong khi Lào và Myanmar thì im lặng. Sau đó, họ đã dễ dàng tiếp thu các cuộc thảo luận hơn khi có thêm nhiều chi tiết được sáng tỏ. Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia có vẻ ủng hộ sáng kiến này dù mỗi nước trong số họ đều thích định hình nó theo hướng phù hợp với các lợi ích chiến lược của riêng mình.
Washington và New Delhi thường xuyên lặp lại rằng vai trò trọng tâm của ASEAN mang tính then chốt đối với FOIP bởi khu vực này thể hiện sự tổng thể khu vực và thương mại đa phương. ASEAN đã có một tập hợp những cơ chế khu vực liên kết với nhau như là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN +, nhằm thu hút sự tham gia của các cường quốc lớn và các nước láng giềng.
Cấu trúc của FOIP nên tận dụng các cơ chế đang tồn tại này để đảm bảo rằng khu vực có các cơ chế bổ sung lẫn nhau chứ không phải cạnh tranh nhau. Chẳng hạn, ASEAN có thể đưa Diễn đàn Hàng hải ASEAN của mình để bổ sung cho các nỗ lực của Hiệp hội Hợp tác khu vực Vành đai Ấn Độ Dương và Hội nghị Hàng hải Ấn Độ Dương. ASEAN cũng có thể tham gia vào BIMSTEC - một tiểu nhóm kinh tế trong Vịnh Bengal bao gồm Banglades, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Nepal và Bhutan, đặc biệt là kể từ khi hai trong số các thành viên BIMSTEC là Myanmar và Thái Lan cũng trở thành thành viên của ASEAN. Các dự án kết nối của BIMSTEC tại Vịnh Bengal có thể hưởng lợi lớn từ sự tham gia của ASEAN.
Để tham gia vào sáng kiến FOIP, ASEAN cần phải đóng một vai trò trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực. Trong số các thành viên ASEAN, Indonesia là nước tích cực nhất trong việc đề cao phiên bản FOIP và đang hoàn tất một bản báo cáo về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại ASEAN.
Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều đang có những nhận thức khác nhau về FOIP, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khái niệm này không gây ra những hiểu lầm. Cần phải tiếp tục sự hợp tác với các nước thành viên ASEAN và các bên liên quan khác trong khu vực, để tất cả các bên có thể cùng sánh vai nhau, đặc biệt là đối với các nước Úc, Ấn Độ và Indonesia vốn đang chuẩn bị cho các chiến dịch bầu cử năm 2019.
Tác giả Nazia Hussain là nhà phân tích tại văn phòng của Phó Giám đốc Điều hành, Trường RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên trang “East asia forum”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét