Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba Raul Castro
(giữa) và chủ tịch Miguel Diaz-Canel (thứ 2 từ trái) trong lễ kỷ niệm 60 năm
cách mạng Cuba, ngày 01/01/2019 tại Satiago de Cuba.Yamil Lage/Reuters
Ngày 01/01/2019, cuộc Cách mạng Cuba tròn 60 năm tuổi. Sau 6 thập kỷ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa do anh em nhà Castro dẫn dắt, giờ đây đất nước Cuba đứng trước ngã ba đường: cải cách để thoát khỏi khủng hoảng, hay tiếp tục sứ mệnh cách mạng trong sức cùng lực kiệt và cô lập với thế giới ?
Ngược dòng thời gian trở lại với những thời điểm bản lề của cuộc Cách mạng 60 tuổi.
Tất cả được bắt đầu hào hùng từ ngày 31/12/1958. Sau hơn hai năm chiến đấu trong vùng núi Sierra Maestra, một nhóm du kích quân do Fidel Castro chỉ huy chỉ sau đêm giao thừa đã lật đổ thành công chế độ độc tài Batista. Ngày mùng 1 tháng Giêng 1959, tổng thống Fulgencio Batista bỏ chạy, để lại đất nước Cuba cho những người kháng chiến. Từ San Diego, Fidel Castro tuyên bố « Cách mạng bắt đầu ».
Dù trước đó trên tạp chí thời sự Bohemien số ra ngày 11/01/1958, ông từng tuyên bố : “Tôi không phải là người Cộng sản. Ý tưởng chính trị của tôi rất rõ ràng. Chúng ta cảm nhận lợi ích của tổ quốc chúng ta và của châu Mỹ, nơi cũng là một tổ quốc lớn”, nhưng cuộc Cách mạng của ông ngay lập tức đã mang hình hài của chủ nghĩa Cộng sản.
Tháng 5/1959, công việc đầu tiên của chế độ mới là ra luật cải cách ruộng đất, tịch thu đất đai của các điền chủ lớn. Ngày 17/08/1960, các công ty Mỹ tại Cuba bị quốc hữu hóa để đáp trả lại việc Mỹ tẩy chay mua dầu mỏ và hạn chế nhập đường Cuba. Căng thẳng nhanh chóng dẫn đến cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa La Habana và Wshington ngày 3/01/1961. Tháng 02/1962, Mỹ ban hành lệnh cấm vận thương mại với Cuba và lệnh có hiệu lực đến tận bây giờ.
Từ ngày 15 đến 19/04/196,1 nổ ra sự kiện Vịnh Con Heo. Khoảng 1400 người Cuba chống Castro được CIA huấn luyện, vũ trang và cấp tài chính đã đổ bộ vào Vịnh Con Heo với ý định lật đổ chế độ Castro, nhưng không thành. Ngày mùng 1 tháng 5 ngay sau đó, Fidel Castro tuyên bố Cách mạng Cuba đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1965, đảng Cộng Sản Cuba (PCC) ra đời và là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước cho đến giờ.
Một sự kiện lớn khác là hệ quả của việc Cuba chọn đi theo phe Cộng sản. Đó là cuộc khủng hoảng từ ngày 14 đến 28/10 năm 1962, do Cuba quyết định đặt tên lửa đạn đạo của Liên Xô nhắm sang đất Mỹ. Cuộc khủng hoảng đã làm cả thế giới hoảng sợ trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Xuất khẩu Cách mạng
Cuối thập niên 1960 được đánh dấu bằng việc Cuba bắt đầu “xuất khẩu” cách mạng sang các nước khác. Ban đầu là sang các nước Mỹ Latin, nhưng không thành.
Kể từ năm 1975, Cuba gửi cố vấn và cả quân đội đến Angola, đang trong vòng nội chiến, để hậu thuẫn cho phong trào Mác xít MPLA (Mặt trận Giải phóng Dân tộc Angola) của Agostinho Neto. Chiến dịch đã huy động hàng trăm nghìn binh sĩ Cuba trong 16 năm trời. Sau đó, hoạt động quân sự của Cuba còn mở sang Ethiopia và hàng chục nước châu Phi khác.
Thập niên 1990, Liên Xô cùng khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ, Cuba mất hậu phương vững chắc để làm người lính xung kích chống tư bản chủ nghĩa, thì cũng là lúc chế độ Castro nhận ra rằng đất nước họ chẳng có nguồn lực nào ngoài lý tưởng chủ nghĩa xã hội kiên định. Ngày 29/08/1990, Cuba thông báo “thời kỳ đặc biệt” để chống chọi với khủng hoảng kinh tế, khan hiếm lương thực thực phẩm.
Ngày 31/07/2006, cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro già yếu, buộc phải trao lại quyền hành cho người em Raul Castro, nhưng vẫn đứng sau hậu trường cầm cương chế độ cho đến khi qua đời ngày 25/11/2016 ở tuổi 90. Năm 2008, Raul Castro chính thức lãnh đạo đất nước và bắt đầu một chương trình thăm dò cải cách nền kinh tế đã đến hồi khánh kiệt.
Ngày 17/12/2014, Raul Castro và tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo khởi đầu tiến trình xích lại gần nhau, để rồi một năm sau đó thiết lập trở lại bang giao hai nước sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Nhưng tiến trình bình thường hóa quan hệ này đã bị chặn lại khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tháng 11 năm 2017, Nhà Trắng tiếp tục duy trì trừng phạt Cuba.
Dấu hiệu đổi mới để tự cứu mình
Ngày 19/04/2018, ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, được chỉ định thay thế Raul Castro. Việc một nhân vật không thuộc thế hệ tham gia cách mạng từ những ngày đầu lên lãnh đạo đã làm dấy lên hy vọng thay da đổi thịt cho Cuba.
Ngày 22/07/2018, Quốc hội Cuba thông qua dự thảo Hiến Pháp thừa nhận thị trường, sở hữu tư nhân như là một bộ phận của nền kinh tế đất nước và chấp nhận đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, văn kiện không bỏ đi định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn kiên định mục tiêu xây dựng một “xã hội Cộng sản”, với đảng cộng sản Cuba là lãnh đạo duy nhất.
Văn kiện này sẽ còn phải được đưa qua cuộc trưng cầu dân ý sắp tới đây vào ngày 24/02/2019, nhưng dường như một luồng gió đổi mới đang tràn qua hòn đảo Cuba. Giáo sư đại học Gustavus Adolphus College, tại bang Minesota, ông Arturo Lopez-Levy khẳng định với AFP rằng, ở Cuba “ chắc chắn một chu kỳ mới đang mở ra… kết hợp giữa tính liên tục và thay đổi”.
Còn ông Jorrge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu Cuba thuộc Đại học Quốc tế Florida thì tỏ một chút hoài nghi: “ Hiện tại, người ta có cảm giác ở Cuba vẫn còn chế độ Castro mà không có Castro, nhất là khi di sản lịch sửa của cuộc cách mạng Cuba dường như đã bị xói mòn trên phương diện chính trị cũng như kinh tế”.
Với cái nhìn khắt khe hơn, Vladimiro Roca, một nhà ly khai Cuba, quả quyết rằng cách mạng Cuba sẽ bị sụp đổ bởi chính sức nặng của nó. Trước tiên vì giới trẻ đã quá chán trường không còn tin vào gì nữa, ngoài ra Cách mạng đâu còn sự hậu thuẫn nào từ nước ngoài”.
Giờ đây “ trận chiến quan trọng nhất là kinh tế”, như chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã thừa nhận. Nền kinh tế của hòn đảo đang kiệt quệ, tăng trưởng ì ạch ở mức trên dưới 1%, không đủ để đáp ứng nhu cầu của dân chúng đang sống trong kham khổ triền miên.
Xưa kia đã có thời Cuba là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, giờ đây đất nước phải nhập đường từ Pháp. Trên các gian hàng thực phẩm ở thủ đô La Habana, những tuần lễ cuối năm thịt, trứng, bột mỳ, gạo hầu như biến mất.
Điểm lại những đồng minh của La Habana thì thấy: Venezuela, ngày càng lún sâu trong khủng hoảng, khó có thể cung cấp dầu lửa cho Cuba được nữa. Nga, Trung Quốc ủng hộ Cuba về mặt chính trị, nhưng họ không sẵn sàng bao cấp cho Cuba như Liên Xô đã làm cách đây 3 chục năm.
Vận mệnh của Cuba giờ đây do Miguel Diaz-Canel và ê-kíp lãnh đạo của ông quyết định. Có thể người Cuba sẽ bước vào một cuộc cách mạng mới?
(Tổng hợp từ AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét