Làm thế nào để Việt Nam thoát Tầu? AFP
Làm sao ra khỏi bóng rợp kinh tế của Trung Quốc? Câu hỏi đó ám ảnh nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Mở đầu một năm mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày một số giải đáp từ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế cho đài Á Châu Tự Do từ Tết Đinh Sửu, 22 năm về trước….
Nhìn lại lịch sử
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong buổi phát thanh đầu năm 2019. Thưa ông, tiếp theo chương trình tuần trước về những ưu tiên kinh tế của Việt Nam, kỳ này, Nguyên Lam xin tìm hiểu tiếp về những việc cụ thể nếu như Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được gọi ước muốn chính đáng ấy là “ra khỏi bóng rợp Trung Quốc” và xin đi từng bước vào lĩnh vực kinh tề thuần túy vốn là tôn chỉ của tiết mục. Nhưng vì sao ta lại có nhu cầu thoát Tầu, hay “Thoát-Hoa”? Có lẽ câu trả lời nằm trong lịch sử kinh tế nếu chúng ta lạnh lùng nhìn lại.
Nguyên Lam: Quý thính giả của chúng ta có thể hỏi rằng ông thấy là nên nhìn lại như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hơn 60 mươi năm trước, thời Chiến Tranh Lạnh, nhiều quốc gia chậm tiến hay đang phát triển đã lầm tưởng mô hình phát triển kinh tế kiểu cộng sản là phép thần kỳ khiến kinh tế Liên bang Xô viết sẽ đuổi kịp và vượt qua xứ dân chủ tiên tiến nhất là Hoa Kỳ. Chính lãnh tụ Nikita Krushchev đã hăm như vậy và nhiều kinh tế gia Tây phương cũng nghĩ thế. Rốt cuộc thì đúng 30 năm trước, kinh tế Liên Xô khủng hoảng và xứ này tan rã. Cũng thế, 40 năm xưa, người ta từng tiên đoán là kinh tế Nhật Bản sẽ vượt Mỹ đến độ xã hội Hoa Kỳ có phong trào sợ Nhật và bài bác Nhật. Vậy mà sau đó kinh tế Nhật sa sút trong mấy chục năm và nay vẫn chưa phục hồi. Tương lai không thể là một đường tuyến vạch ra từ quá khứ, nhưng quá khứ cũng cho ta nhiều bài học nếu biết.
- Nói đến chuyện ngày nay, ta thấy lý luận sai lầm tương tự, rằng với đà tăng trưởng ngoạn mục sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành kế hoạch cải cách và khai phóng cách nay 40 năm, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, chẳng vào năm 2025 thì vào năm 2040. Vì vậy, một số người Việt Nam cho là nên học mô thức Trung Quốc sau khi thấy mô thức Liên Xô sụp đổ, họ gọi đó là “đổi mới”.
- Quan niệm ấy sai vì 1/ Việt Nam không là Trung Quốc hay một quận huyện của xứ láng giềng này, và 2/ vì mô thức Trung Quốc đang sụp đổ, mà có khi còn thua kinh tế Ấn Độ. Ngược lại, và đây là một bài học khác, nền kinh tế công nghiệp hóa của các nước dân chủ, kể cả Hoa Kỳ, thường gặp vấn đề mà cũng có khả năng tự cải sửa là nhờ chế độ tự do và sức sáng tạo của tư doanh, doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên Lam: Qua câu trả lời đó, phải chăng ông hàm ý là về lý luận, mô thức kinh tế Trung Quốc không có tương lai và chẳng đáng cho Việt Nam bắt chước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là ta nên học mọi người, nhưng ngoài lý do ý thức hệ nhằm che giấu mục tiêu chính trị và tiền bạc, lãnh đạo Hà Nội nên sớm ra khỏi qũy đạo Trung Quốc. Vấn đề là làm thế nào và ai sẽ dám làm?
Thoát khỏi bóng rợp Trung Quốc
Nguyên Lam: Chúng ta đi vào đề mục chính của kỳ này. Thưa ông, làm thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như các nước lạc hậu đi sau, chứ chẳng có gì là kỳ diệu, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6-7% một năm, nhưng gây ra nhiều vấn đề, từ môi sinh tới nợ nần, mất cả chục năm mới thanh toán được, mà từ chục năm qua vẫn chưa hề giải quyết. Khi kinh tế Trung Quốc đi vào chu kỳ sa sút nay đã mười mươi rõ ràng thì đấy là cơ hội cho Hà Nội và cho Việt Nam. Khỏi nói về cải tổ chính trị cho một chế độ vừa tự bịt mắt theo Bắc Kinh với việc áp dụng luật An Ninh Mạng làm thế giới khinh thường như mọi người đã thấy và than, tôi chú ý tới vài bước cụ thể khác riêng về mặt kinh tế.
Nguyên Lam: Thưa ông, những bước cụ thể đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, từ xa tới gần thì nhìn vào viễn ảnh dài là 10 năm, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực quốc gia, về kinh tế là doanh nghiệp của tư nhân hay tư doanh. Tiềm lực đó tùy thuộc vào giáo dục, đào tạo và cơ sở luật tệ, kể cả luật doanh nghiệp. Bước thứ hai, vì có dân số đông và tương đối trẻ với tiềm năng cao về lợi tức, hãy quan tâm nhiều hơn đến khả năng tiêu thụ nội địa và tránh sai lầm của Trung Quốc là tìm lực đẩy ở đầu tư rồi xuất khẩu. Điều ấy quan trọng vì nhờ xuất khẩu thì càng lệ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc như nhánh tầm gửi. Bước thứ ba là nên đi ngược chủ trương của Bắc Kinh mà ráo riết tiến hành việc giải tư - tư nhân hóa, cổ phần hóa - các doanh nghiệp nhà nước. Đấy là trung tâm dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế cho các đảng viên và thân tộc bỗng chốc thành đại gia mà chẳng đóng góp nhiều cho sản xuất. Thứ tư và gần trước mắt, hãy phá vòng luẩn quẩn là cứ trông cậy vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và càng lệ thuộc vào xuất khẩu càng bị hiệu ứng của quốc tế.
Nguyên Lam: Thưa ông trong bối cảnh của sự chuyển dịch tại Trung Quốc đã thấy từ năm năm trước và của trận thương chiến Mỹ-Hoa hiện nay thì Việt Nam đang thấy triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Tại sao ông lại gọi đó là vòng luẩn quẩn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giới đầu tư nước ngoài đi theo quy luật ta có thể gọi là “đất lành chim đậu”, là tìm nơi có tiền. Nhưng họ vào kiếm tiền để sử dụng nguyên nhiên vật liệu xứ khác do nhân công rẻ của Việt Nam ráp chế với trị giá đóng góp thấp rồi xuất khẩu qua xứ khác. Doanh lợi, kiến năng - “know-how” là kiến thức và khả năng - cũng nằm trong tay họ và sẽ chạy ra ngoài nếu họ thấy có nơi tốt hơn. Trong khi đó công đoạn của dân Việt nằm ở dưới đáy chu trình sản xuất với giá trị gia tăng thấp, thí dụ nổi bật là khu vực ráp chế điện thoại, máy móc điện tử gia dụng, chế biến dệt sợi và may mặc áo quần.
- Khỏỉ nói về quyền lợi và điều kiện lao động tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế thí dụ như Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định sắp tới với Liên Âu, chúng ta có thể đo trị giá gia tăng ấy từ một hệ số vĩ mô là phần đóng góp quá ít của công nghiệp trong tổng sản lượng của kinh tế Việt Nam. Đâm ra, kinh tế xứ này lên hay xuống chỉ là hậu quả của việc đầu tư quốc tế tràn vào hay chảy ra thôi. Không xứ độc lập nào muốn vậy vì đẩy lao động vào lực lượng gia công cho nước ngoài thì cũng là mất chủ quyền. Huống hồ nhà đầu tư nước ngoài lại là Trung Quốc thì ta rơi vào cảnh “đất lành chim độc”, mà bất cứ ai than vãn thì vào tù!
Nguyên Lam: Nguyên Lam nhìn ra sự hợp lý trong cách trình bày của ông nhưng đi vào cụ thể thì Việt Nam nên làm những gì là thiết thực nhất để bước ra khỏi bóng rợp Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì hiệu ứng Trung Quốc, thế giới nói tới triển vọng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng tin vào đó là lại mộng mị. Trước hết, Việt Nam cần cải tiến hạ tầng cơ sở vận tải là điều thật ra chưa đủ, ngoại trừ trên mặt báo. Muốn có tiền xây dựng hạ tầng thì phải thúc đẩy tư nhân hóa hệ thống quốc doanh. Bước thứ ba từ làn sóng lạc quan hiện nay mà cải thiện chiến lược đầu tư quốc tế là ưu tiên cho khu vực có giá trị đóng góp cao, như điện tử và công nghệ hiện đại. Thứ tư là khuyến khích liên doanh hàng dọc giữa doanh nghiệp nước ngoài với tư doanh Việt Nam theo đà hỗ trợ của chính quyền cho tư doanh nội địa. Xin nói rõ là khuyến khích chứ không ép buộc theo kiểu Trung Quốc, và trong chính sách khích lệ thì phải gạn lọc thế lực của Bắc Kinh để tránh nạn đất lành chim độc. Sau cùng, tư doanh Việt Nam không thể từ trên trời rơi xuống mà cần hỗ trợ để sẽ là đối tác với cơ sở ngoại quốc theo một trình tự mà mọi người cùng biết.
Nạn tham nhũng
Nguyên Lam: Có một câu hỏi đang có vẻ thời sự là nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam, ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ vấn đề nó trầm trọng hơn vậy vì ít ai nói tới nạn tham nhũng do chính sách. Do chính sách sai lầm có dụng ý từ cả chục năm trước, Việt Nam mới bị tham nhũng hoành hành như hiện nay. Cái gốc là chính sách và thể chế, cái ngọn mới là cả chục nghi can bị kỷ luật vì đi giữa lằn ranh kinh tế với chính trị và luật pháp, trên đầu có hai cái mũ của đảng và của nhà nước.
- Nhưng Hà Nội chỉ làm thế giới chú ý khi diệt tham nhũng như là cứ theo bài bản Bắc Kinh sau năm năm quan sát học hỏi. Muốn ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, Việt Nam nên cải sửa luật lệ để từ nay không ai có thể tái phạm, sau đấy mới cho thấy mình không bắt chước Tổng bí thư Tập Cận Bình. Kế đó là kêu gọi doanh nghiệp ngoại quốc cùng hợp tác để giải trừ tham ô vì điều ấy chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo cho quốc tế cùng thấy.
- Sau cùng, then chốt vẫn là quyết tâm cải cách thể chế chính trị vì kinh tế cũng là chính trị. Khi thế giới đã thấy lãnh đạo Bắc Kinh cứ đề cao kinh tế thị trường mà duy trì sự cấm đoán hà khắc ở bên trong và chế độ bảo hộ mậu dịch, thậm chí ăn cắp và ăn cướp công nghệ và thuật lý cao cấp của thiên hạ ở bên ngoài, lãnh đạo Việt Nam cần cho thấy rằng mình khác.
- Cái khác đầu tiên, như kinh nghiệm của vài nước Đông Á thành công và trái hẳn với Trung Quốc, là dám nói tới việc cải cách thể chế chính trị. Tôi khỏi nói tới việc dân chủ hóa mà nhìn vào cái gốc của dân chủ, là tự do cởi mở cho xã hội dân sinh được phát triển trong một nhà nước hết bị đảng chi phối. Nếu Việt Nam dám làm như vậy trong vài năm tới thì đấy mới là bước đầu ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, những bước về sau thì chỉ là chính sách và kỹ thuật mà thôi.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn đầu năm và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét